Chuyển hóa rừng gỗ lớn, FSC

Tăng diện tích rừng trồng gỗ lớn đối với loài keo để đa dạng hóa sản phẩm gỗ rừng trồng, kết hợp vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh rừng trồng tham gia chứng chỉ rừng bền vững FSC để gia tăng giá trị sản phẩm là ưu tiên hiện nay của tỉnh.

Kiểm tra sinh trưởng rừng gỗ lớn

Lợi ích từ rừng gỗ lớn

Trong bối cảnh đóng cửa hoàn toàn rừng tự nhiên, ngành lâm nghiệp đang tập trung nâng cao chất lượng rừng trồng, định hướng kinh doanh rừng trồng gỗ lớn thay thế nguyên liệu gỗ gia dụng, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Đây được xác định là hướng đi mới, tăng giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích đất lâm nghiệp, cải thiện thu nhập cho các hộ lâm dân, góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.

Chủ trương về trồng rừng gỗ lớn cũng được các tổ chức, doanh nghiệp và hộ dân hưởng ứng tích cực. Tính đến cuối năm 2022, diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn trên địa bàn tỉnh đạt hơn 11.316ha. Trong đó, có gần 395ha rừng trồng sản xuất các loài cây bản địa, gần 11 ngàn ha rừng trồng sản xuất gỗ các loài keo. Diện tích được cấp chứng chỉ FSC đã tăng thêm 592ha, nâng tổng diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững toàn tỉnh đạt hơn 11.300ha. Trong đó, diện tích có chứng chỉ FSC đạt hơn 10.484ha, diện tích có chứng chỉ VFCS/PEFC gần 817ha.

Tuy nhiên, so với tổng diện tích rừng trên địa bàn tỉnh thì diện tích rừng trồng gỗ lớn, FSC vẫn còn hạn chế. Sản lượng gỗ FSC phục vụ xuất khẩu chỉ đạt xấp xỉ 30%, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cho thị trường xuất khẩu trong thời gian tới.

Trong khi đó, hiện nay giá thu mua gỗ dăm (nguyên liệu viên nén và giấy) xuống thấp, khoảng 1,02 triệu đồng/tấn, giảm 40-50% so với giữa năm 2022. Do giá thu mua thấp nên các hộ dân hạn chế khai thác rừng, chờ giá lên mới khai thác bán. Trong lúc đó, chi phí nhân công khai thác rừng trồng hiện lên rất cao, nếu khai thác để trồng vụ mới thì chi phí cho một ha trồng rừng cũng tăng thêm rất nhiều.

Trồng rừng gỗ nhỏ đang bắt đầu bộc lộ nhiều hạn chế, thách thức. Ông Trần Bình Trọng ở thôn Bắc Khe Dài, xã Lộc Hòa (Phú Lộc) nhẩm tính, đối với rừng gỗ nhỏ (dăm nguyên liệu) thì chu kỳ kinh doanh 4-5 năm tuổi, mật độ cây trồng bình quân 2.500 cây/ha, cho năng suất 80m3. Sau khi trừ chi phí khoảng 25 triệu/ha, lợi nhuận mỗi ha 60 triệu đồng/5 năm (tương đương 120 triệu đồng/10 năm của 2 chu kỳ kinh doanh). Nếu thực hiện chuyển hóa sang rừng gỗ lớn với biện pháp tỉa thưa hai lần, mật độ cuối cùng 1.100 cây/ha, sau 8 -10 năm cho sản lượng khoảng 200m3, gấp từ 2 - 2,5 lần so với rừng gỗ nhỏ. Sau khi trừ chi phí, mỗi ha lợi nhuận thu từ 250-300 triệu đồng/10 năm (kể cả thu từ lâm sản tỉa thưa).

Ông Trần Bình Trọng cho biết, gia đình ông vừa thu mỗi ha 300 triệu/8 năm từ trồng rừng gỗ lớn, FSC. Hay hộ ông Phạm Ngọc Tân ở xã Phú Sơn (TX. Hương Thủy) cũng thu mỗi ha 250 triệu đồng/8 năm. Một số hộ cá biệt còn thu cao hơn 300 triệu đồng với chu kỳ kinh doanh 7-8 năm. Có được hiệu quả trên là do trong quá trình kinh doanh gỗ lớn đã áp dụng các biện pháp thâm canh và thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật tỉa thưa, chuyển hóa, góp phần tăng năng suất, chất lượng rừng.

Trở ngại

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn khẳng định, hiệu quả kinh tế, môi trường mang lại từ việc kinh doanh rừng trồng gỗ lớn là rõ ràng. Hoạt động trồng rừng gỗ lớn được thực hiện vượt chỉ tiêu đề ra và vượt trước kế hoạch hai năm theo chủ trương, yêu cầu của tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động chuyển hóa rừng gỗ lớn chưa nhiều nên diện tích rừng gỗ lớn chiếm tỷ lệ thấp so với diện tích rừng sản xuất, kinh doanh gỗ nhỏ.

Nguyên nhân của việc chuyển hóa rừng gỗ lớn chậm được ông Nguyễn Đại Anh Tuấn lý giải, tâm lý đa phần chủ rừng không mặn mà với kinh doanh trồng rừng gỗ lớn vì nguy cơ gãy đổ rừng rất dễ xảy ra khi gặp bão, lốc khiến giá trị thương mại chỉ còn 40-50%. Nếu chủ rừng là đối tượng hộ gia đình với quy mô diện tích dưới 5ha, bình quân khai thác 1-2ha/năm, thu lãi 60-100 triệu đồng/năm thì việc trồng rừng gỗ nhỏ với chu kỳ ngắn 5 năm sẽ thu lại nguồn đầu tư nhanh hơn. Trong khi đó, nếu kéo dài chu kỳ kinh doanh thì họ cần phải có nguồn tài chính để chăm sóc, trong khi điều kiện kinh tế của các hộ dân còn khó khăn, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Các đơn vị sản xuất, kinh doanh chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chế biến thô như băm dăm giấy, viên nén, ván xẻ, ván thanh và ván bóc nên chủ yếu cần nguyên liệu gỗ nhỏ. Các đơn vị này thu mua tại nhà máy, hoặc gom hàng qua các trạm cân tại cửa rừng, giá cả thỏa thuận và thanh toán ngay. Còn đối với gỗ lớn hiện nay chủ yếu nhập cho Công ty TNHH Hòa Nga đóng tại xã Hương Hồ (Công ty TNHH chế biến gỗ Minh An đã dừng hoạt động). Hoặc sản phẩm bán lẻ cho các cơ sở chế biến tư nhân, nhưng thường các cơ sở này không thanh toán ngay khi nhập hàng mà phải chờ thời gian sau đó khi gia công xong. Điều này gây khó khăn cho người dân tái đầu tư trồng mới rừng.

Hiện nay, việc vận chuyển để bán sản phẩm gỗ lớn, nhất là sản phẩm có FSC cho Công ty Hòa Nga cũng đang gặp khó khăn. Các hộ dân ở hai xã Lộc Hòa, Phú Sơn cho biết, nếu vận chuyển gỗ đến Công ty Hòa Nga tại xã Hương Hồ thì họ phải chịu thêm phí vận chuyển, phí qua trạm thu phí Phú Bài nên bán ngay tại cửa rừng cho các doanh nghiệp thu mua gỗ nhỏ.

Đa số các hộ gia đình có diện tích rừng nhỏ, manh mún với nhiều hình thức canh tác và chu kỳ kinh doanh khác nhau. Điều này ảnh hưởng đến tổ chức hình thành các vùng nguyên liệu gỗ lớn tập trung có diện tích đủ lớn nhằm tạo điều kiện cho liên kết, liên doanh và đầu tư hạ tầng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành lâm nghiệp đang thí điểm thực hiện liên doanh, liên kết giữa Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy với Hợp tác xã Lâm nghiệp bền vững Thuận Thiên để tiến hành trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ lớn/FSC, sau đó đánh giá và mở rộng trên địa bàn tỉnh. Từ nay đến cuối năm, tổ chức ít nhất 10 đợt tập huấn về chuyển hóa rừng trồng gỗ lớn tại các địa phương, đồng thời tổ chức các đợt vận động các hộ dân đăng ký thêm diện tích chuyển hóa và tham gia FSC. Phấn đấu đến cuối năm 2025, toàn tỉnh sẽ có 1.050ha rừng trồng sản xuất các loài cây bản địa gỗ lớn và 14 ngàn ha rừng trồng sản xuất các loài keo gỗ lớn.

Bài, ảnh: Hoàng Thế

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/chuyen-hoa-rung-go-lon-fsc-130190.html