Chuyện góp sức nhỏ cho đề án lớn của một nữ Phó trưởng Công an xã

Phụ nữ vốn chân yếu tay mềm, nhưng làm chỉ huy công an xã ở một địa bàn rộng, đông dân cư, Trung tá Trương Thị Liễu - Phó trưởng Công an xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã biến đặc trưng giới thành sự uyển chuyển trong giải quyết công việc...

Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng…

Tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân năm 1999, chị Trương Thị Liễu được cấp trên phân công về CAH Văn Chấn (tỉnh Yên Bái), sau đó là CAH Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình), rồi đến Công an tỉnh Hà Tây (cũ) và sau này là CATP Hà Nội. Tháng 4-2020, hưởng ứng cuộc vận động đưa Công an chính quy về xã của Bộ Công an, Trung tá Trương Thị Liễu viết đơn tình nguyện về công tác tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì. “Đã là công an thì công tác ở đơn vị nào cũng có những thuận lợi và khó khăn riêng. Điều quan trọng là mình biết sử dụng những thuận lợi và khắc phục những khó khăn để cùng đồng đội vượt qua. Hơn nữa, nếu ai cũng ngại khó, ngại khổ, ngại đi cơ sở thì những việc đó ai làm? Tôi đã từng được đào tạo bài bản nên muốn đem sức lực nhỏ bé của mình để góp phần cùng thúc đẩy đề án đưa công an chính quy về cơ sở thành công” - chị Liễu tâm sự.

Cần mẫn đi tuần tra địa bàn, không quản đêm tối

Tháng 1-2020, CATP Hà Nội triển khai đại trà đưa công an chính quy về đảm nhiệm chức danh Công an xã thì ngay sau đó, Trung tá Trương Thị Liễu nhận quyết định về Công an xã Thanh Liệt. Chị kể, mặc dù vào đúng dịp Tết nguyên đán nhưng chúng tôi đã bắt tay ngay vào việc điều tra cơ bản để nắm một cách khái quát tình hình địa bàn. Làm công an xã thì việc gì cũng đến tay, khi dân cần thì bất kể ngày đêm chúng tôi đều cố gắng thực hiện.

Đối với nam giới đã vất vả, đối với nữ mà lại là chỉ huy thì sự vất vả còn nhân lên gấp bội, vì ngoài công việc cơ quan, chị cũng là người vợ, người mẹ trong gia đình. Những ngày bình thường thì cứ cách 2 đêm lại trực 1 đêm. Còn khi CATP thực hiện các đợt cao điểm thì chị Liễu và cán bộ, chiến sĩ phải trực 100%. Chị Liễu bảo, từ khi ra trường chị hầu như không được đón Giao thừa ở nhà. Đến khi về xã nhận nhiệm vụ thì điều tưởng như đơn giản đó lại càng không thể vì phải tuần tra khép kín địa bàn, phòng ngừa tội phạm và phòng ngừa sử dụng pháo trái phép. Thanh Liệt là xã ven đô, có 5 thôn, 2 tổ dân phố với gần 22.000 dân. Về xã mới được ít ngày thì Bộ Công an triển khai Đề án xây dựng “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” và cấp “Căn cước công dân gắn chíp điện tử”, chị cùng cán bộ, chiến sĩ Công an xã Thanh Liệt lập tức bước vào “chiến dịch thần tốc”, cùng nhau “làm hết việc chứ không hết giờ” để phát phiếu thu thập thông tin dân cư, hết mình phục vụ việc nhập liệu lên hệ thống.

Trung tá Trương Thị Liễu, Phó trưởng Công an xã Thanh Liệt, Thanh Trì phát biểu tại chương trình gặp mặt, đối thoại giữa Ban Giám đốc Công an Thành phố với các nữ Cảnh sát khu vực, Công an xã

Thuộc “nằm lòng” công tác dân vận khéo

Với phương châm công an phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà thật kỹ, không để một hộ dân nào bị bỏ sót”, Trung tá Trương Thị Liễu đã cùng các cán bộ Công an xã Thanh Liệt chẳng kể ngày nắng hay mưa, từ 15h - 22h có mặt ở địa bàn để phát phiếu, sau đó đối chiếu với tài liệu gốc rồi đến công an huyện để nhập lên hệ thống dữ liệu. Ngày làm việc ở trụ sở của họ thường kết thúc vào khoảng 3 - 4h ngày hôm sau.

Nhớ lại thời gian đó, chị Liễu bảo, có những chuyện cười ra nước mắt vì người dân chưa hiểu chủ trương. Đó là khi lực lượng công an xã cùng các đồng chí trong Ban công tác mặt trận cơ sở đến phát phiếu thì nhiều người dân không tiếp nhận. Có nhà còn đóng cổng, thả chó để tránh phải tiếp cán bộ. Đến khi tìm hiểu, chị mới biết người dân chưa đồng thuận vì cho rằng việc phát phiếu thu thập thông tin dân cư cũng như nộp bản photo một số giấy tờ (gồm CMT, sổ hộ khẩu…) là để hoàn thiện thủ tục… thu hồi đất. Thực tế thời điểm đó tại thôn Văn của xã Thanh Liệt đang triển khai một số dự án lớn liên quan đến thu hồi đất. Do giá đền bù thấp nên nhiều người chưa đồng thuận và có dấu hiệu phức tạp về an ninh nông thôn. “Phải bằng mọi cách tiếp cận được với nhân dân, phân tích để người dân hiểu quyền lợi, trách nhiệm của mình. Phải làm sao để người dân tin tưởng, coi công an xã như người thân, muốn vậy thì phải làm công tác dân vận tốt” - từ những suy nghĩ và trăn trở đó, Trung tá Trương Thị Liễu đã chủ động có sự tham mưu cho cấp trên.

Trung tá Trương Thị Liễu đưa một cụ bà cao tuổi đến làm căn cước công dân

Sau đó, Công an xã Thanh Liệt đã tăng cường xuống địa bàn, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân. Đồng thời, tham mưu với Đảng ủy, UBND xã, CAH phát động Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận dụng sáng tạo những quy định của pháp luật có lợi nhất cho người dân bị thu hồi đất. Trong đó, đặc biệt là làm tốt công tác tuyên truyền để tách việc thu thập thông tin dân cư phục vụ Đề án xây dựng “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” và việc thu hồi đất. Cùng với việc đến từng nhà vận động, tuyên truyền bằng hệ thống loa truyền thanh, bảng tin, tổ chức họp dân tại nhà văn hóa để tuyên truyền về lợi ích của Đề án xây dựng “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”, cuối cùng thì người dân đã hiểu rõ vấn đề. “Cuối cùng tỷ lệ thu thập thông tin dân cư tại thôn Văn gần như đạt cao nhất so với các thôn, tổ dân phố còn lại. Kết quả đó minh chứng cho hiệu quả của công tác dân vận. Mình sống với dân bằng tấm lòng chân thành, ăn cùng, ở cùng, làm cùng, “khi dân cần, dân khó có công an” thì người dân mới đồng hành, chia sẻ để lực lượng công an hoàn thành nhiệm vụ được giao” - Trung tá Trương Thị Liễu khẳng định.

Đầu năm 2023, dự báo tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp, Trung tá Trương Thị Liễu đã chủ động đề xuất cấp trên và xây dựng mô hình dân vận khéo về “Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về công tác PCCC trên địa bàn xã Thanh Liệt”. Đến nay xã Thanh Liệt đã xây dựng được 15 mô hình Tổ liên gia về PCCC là các hộ nhà ở kết hợp với kinh doanh liền kề; lắp 66 điểm chữa cháy công cộng hoàn toàn kinh phí do người dân đóng góp. Tính đến thời điểm hiện tại, xã Thanh Liệt chưa xảy ra vụ cháy lớn nào gây thiệt hại về người và tài sản. Đến nay, sau hơn 3 năm, Công an xã Thanh Liệt đã nhận được sự đánh giá cao từ phía người dân, 100% dữ liệu dân cư đã được thu nhận, 100% công dân trong độ tuổi cấp Căn cước công dân đã đi làm thủ tục, tội phạm và các tệ nạn xã hội đều giảm, địa bàn không còn các điểm, tụ điểm về ma túy, hiện tượng đổ trộm chất thải, đất thải đã giảm đáng kể…

Hơn 28 năm phục vụ trong ngành công an, Trung tá Trương Thị Liễu rút ra nhiều kinh nghiệm quý giá cho mình. Chị tâm nguyện, Công an nhân dân phải khắc sâu lời dạy của Bác: “Việc gì tốt cho dân phải cương quyết làm…”, “Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Chúng tôi rời trụ sở Công an xã Thanh Liệt khi thành phố đã lên đèn, đây là lúc mà người phụ nữ trở về tổ ấm để làm tròn thiên chức của một người mẹ, người vợ trong gia đình, nhưng Trung tá Trương Thị Liễu luôn về nhà muộn hơn người khác. Vất vả là thế, nhưng niềm đam mê với nghề đã giúp chị vượt qua mọi khó khăn, sát cánh cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được cấp trên giao phó.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chuyen-gop-suc-nho-cho-de-an-lon-cua-mot-nu-pho-truong-cong-an-xa-post557641.antd