Chuyên gia ủng hộ đề xuất tăng số ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9

Theo chuyên gia, số ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 dài hơn, người lao động được đưa con cái dự Khai giảng năm học mới xong sẽ yên tâm quay trở lại guồng quay công việc, tinh thần sẽ thoải mái và tạo hiệu quả lao động cao.

Cơ sở đề xuất tăng số ngày nghỉ lễ Quốc khánh

Đại hội Công đoàn lần thứ 13 họp phiên cuối sáng 3/12, tập hợp tám kiến nghị của người lao động cả nước, thông qua Công đoàn Việt Nam chuyển tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong đó có kiến nghị xem xét bổ sung 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh, từ ngày 2 đến 5/9 hàng năm để công nhân có cơ hội đưa con tới trường.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, lý giải năm 2019 khi Công đoàn tham gia sửa đổi Bộ luật Lao động từng kiến nghị tăng thêm 3 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh. Số ngày nghỉ chính thức của Việt Nam khi đó quá ít, chỉ 10 ngày, trong khi các nước khu vực dao động 15-16 ngày. Song khi Bộ luật được thông qua, số ngày nghỉ chính thức chỉ tăng thêm một, trước hoặc sau dịp Quốc khánh (ngày 1/9 hoặc 3/9) tùy từng năm do Chính phủ lựa chọn.

Bốn năm sau, Công đoàn kiên trì mục tiêu này khi tiếp tục đề xuất thêm 2 ngày nghỉ. Ông Hiểu cho rằng nếu được bổ sung, kỳ nghỉ sẽ kéo dài đến hết 5/9 - ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. "Với người lao động, đặc biệt là công nhân làm việc theo ca kíp, trực tiếp sản xuất thì được đưa con tới trường trong ngày khai giảng là ước mơ", ông nói.

Đề xuất tăng thêm 2 ngày nghỉ lễ Quốc khánh được chuyên gia ủng hộ.

Công đoàn sẽ tiếp tục kiến nghị các cấp ngành về nội dung này trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động gần nhất, hoặc các cơ quan nghiên cứu về việc ban hành quy định cấp thiết, trong đó có tăng số ngày nghỉ lễ và giảm giờ làm việc chính thức trong tuần.

Chia sẻ với phóng viên Sức khỏe và Đời sống, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rất đồng tình với đề xuất này của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Việc tăng ngày nghỉ lễ Quốc khánh sẽ tạo điều kiện để nhiều bậc cha mẹ, đặc biệt là công nhân, có điều kiện quan tâm hơn đến con cái. Cha mẹ có thể đưa con đến ngày Khai giảng năm học mới, sau đó trở lại với nhịp sống công việc, học tập thường ngày. Khi đó, tinh thần thoải mái, hiệu suất công việc cũng sẽ tăng cao.

"Năng suất, chất lượng làm việc quan trọng hơn thời gian làm việc. Không được nghỉ, nhiều cha mẹ không bao giờ biết ngày Khai giảng năm học của con thế nào. Họ phải đi làm trong khi vẫn lo lắng không biết con mình đến trường thế nào, bản thân họ cũng sẽ không yên tâm làm việc. Trong khi nếu yên tâm, hồ hởi phấn khởi làm việc thì năng suất lao động chắc chắn sẽ tốt hơn", ông Nguyễn Túc nói.

Ông phân tích, trải qua thời kỳ COVID-19 có thể thấy làm việc từ xa, làm việc online vẫn đảm bảo hiệu quả. Điều này chứng tỏ dù ngày nghỉ có tăng lên, nhưng hiệu suất lao động cũng tăng theo thì không ảnh hưởng gì đến hiệu quả làm việc. Việc tăng năng suất hoàn toàn có thể bù đắp được cho những ngày nghỉ. Đối với công nhân ở các xí nghiệp, xưởng sản xuất, có thể đề ra năng suất cận ngày nghỉ cao hơn bình thường, đảm bảo việc ngày nghỉ kéo dài không ảnh hưởng đến hiệu quả của đơn vị.

"Tôi hy vọng đề xuất này sẽ được nghiên cứu, thông qua để người dân có thêm một kỳ nghỉ ý nghĩa, quan trọng trước khi bước vào giai đoạn làm việc mới trong năm", ông Nguyễn Túc nói.

Cần nhiều biện pháp đồng bộ

GS.TS. Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp ngày nay đang theo đuổi những mục tiêu phức tạp và đa dạng để tạo ra lợi nhuận cao hơn. Họ phải liên tục thay đổi để đạt được những mục tiêu này, cụ thể là bằng cách tổ chức và quản lý sản phẩm, phương pháp làm việc, đổi mới công nghệ, chính sách nhân sự, hình thức tổ chức công việc...

Những thay đổi tổ chức như vậy dẫn đến cường độ làm việc lớn hơn. Khối lượng công việc tăng lên có tác động tiêu cực đến sức khỏe và sự an toàn của người lao động, bao gồm rối loạn cơ xương, căng thẳng tâm lý, mệt mỏi và tai nạn…

Các nguồn gây căng thẳng trong công việc phải kể đến như: Điều kiện làm việc kém; công việc bị quá tải; áp lực thời gian; nơi làm việc nhiều nguy cơ rủi ro; thiếu bảo đảm việc làm và tương lai, có quá nhiều hứa hẹn nhưng không được thực hiện; quan hệ không tốt với lãnh đạo, cấp dưới, hoặc đồng nghiệp, gặp khó khăn trong việc giao công việc và trách nhiệm… Trên cơ sở các nghiên cứu đã có cho thấy rằng, điều kiện làm việc và văn hóa của tổ chức, doanh nghiệp đóng vai trò chính trong việc gây ra căng thẳng trong công việc.

Do vậy, việc tổ chức những kỳ nghỉ dài trong năm rất có ý nghĩa với người lao động. Tuy nhiên GS.TS. Lê Vân Trình cho rằng, cần có các giải pháp đồng bộ từ nhiều phía từ tổ chức, doanh nghiệp, công đoàn, đến người lao động. Cụ thể, về phía doanh nghiệp là cần loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn hoặc kiểm soát rủi ro tại nơi làm việc, xây dựng quy trình làm việc an toàn cho từng nhiệm vụ, thiết bị hoặc công cụ mà nhân viên của họ được yêu cầu thực hiện. Đồng thời, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, theo dõi thường xuyên, khi thấy có biểu hiện căng thảng hay trầm cảm cần bố trí nghỉ ngơi và khi cần điều trị kịp thời.

Cùng với đó, cần phân công lao động, bố trí thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý và phù hợp với khả năng của người lao động. Thông tin đầy đủ và kịp thời cho người lao động về những thay đổi của công ty trong sản xuất, sản phẩm, doanh thu, lợi nhuận và tổ chức nhân sự…

Theo chuyên gia, phòng ngừa căng thẳng tại nơi làm việc là một trong những yêu cầu cơ bản trong sản xuất hiện đại, khi nó trở thành một yếu tố nguy cơ cao nhất làm suy giảm sức khỏe người lao động. Vì thế, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa an toàn là biện pháp cơ bản nhất tạo một môi trường làm việc không căng thẳng.

Ngoài nghỉ lễ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đưa ra đề xuất của đoàn viên, người lao động về việc sớm nghiên cứu, sửa đổi, điều chỉnh thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của công nhân, lao động.

Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (Nghị quyết số 101/2019/QH14) đã nêu rõ: "Giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế-xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp." Do đó, công đoàn viên, người lao động đề xuất sớm nghiên cứu đề xuất giảm thời gian làm việc bình thường.

Việc điều chỉnh này sẽ hướng tới đảm bảo sự công bằng giữa thời giờ làm việc của người lao động khu vực cơ quan, hành chính nhà nước (40 giờ/tuần) và khu vực doanh nghiệp (48 giờ/tuần); tạo điều kiện để người lao động nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động, chăm sóc con cái, đảm bảo hạnh phúc gia đình.

Theo quy định tại Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019, từ năm 2021 người lao động có tất cả 11 ngày nghỉ lễ, Tết và được hưởng nguyên lương. Cụ thể: Tết Dương lịch 1 ngày (ngày 1/1 Dương lịch); Tết Âm lịch 5 ngày; Ngày Chiến thắng 1 ngày (ngày 30/4 Dương lịch); Ngày Quốc tế lao động 1 ngày (ngày 1/5 Dương lịch); Quốc khánh 2 ngày (ngày 2/9 Dương lịch và 1 ngày liền kề trước hoặc sau); Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 1 ngày (ngày 10/3 Âm lịch).

Nếu những ngày nghỉ này trùng vào ngày nghỉ hằng tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ theo quy định.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-ung-ho-de-xuat-tang-so-ngay-nghi-le-quoc-khanh-2-9-169231204115218445.htm