Chuyên gia Trung Quốc: Biến thể Omicron có thể có nguồn gốc từ chuột

Hình ảnh dưới kính hiển vi một tế bào (màu xanh) của bệnh nhân COVID-19 bị nhiễm virus SARS-CoV-2 (màu tím). Ảnh: AFP/TTXVN

* Cách thức làm tăng độ chính xác của sinh phẩm xét nghiệm nhanh

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đặt tên cho biến thể B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2 là Omicron vào tháng 11/2021 và xác định đây là "biến thể đáng lo ngại" (VOC) thứ 5 kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Với sự lây lan mạnh của Omicron và nhanh chóng trở thành biến thể chủ đạo tại nhiều quốc gia trên thế giới, các nhà khoa học đã bắt tay vào tìm hiểu về biến thể này, cũng như nguồn gốc của nó.

Trong khi các nhà khoa học có thể xác định rằng biến thể Omicron phát triển từ một biến thể đã lưu hành từ giữa năm 2020, nhưng họ lại chưa thể tìm thấy vật chủ trung gian mà Omicron tiến hóa thành biến thể như hiện nay. Có ý kiến cho rằng biến thể này đã lây cho một loài động vật và các đột biến xuất hiện khi biến thể lây lan ở loài động vật này trước khi lây ngược trở lại cho con người.

Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Journal of Biosafety and Biosecurity gần đây dường như đã ủng hộ ý kiến trên. Nghiên cứu do Giáo sư Jianguo Xu thuộc Viện Phòng ngừa và Kiểm soát các bệnh truyền nhiễm quốc gia (CDC) Trung Quốc dẫn đầu, đã phát hiện ra rằng vật chủ trung gian nhiều khả năng là loài chuột.

Theo giáo sư Xu, nghiên cứu đã tính toán số lượng đột biến trung bình trong 5 VOC và tìm hiểu những đột biến chính trong protein S của virus, nơi bắt nguồn của sự lây nhiễm.

Các nhà khoa học đã phát hiện biến thể Omicron có các đột biến ở 5 vị trí chính của protein là K417, E484, Q493, Q498, và N501. Điều này cho thấy virus đã thích nghi để lây nhiễm sang các tế bào của chuột.

Ngoài ra, sơ đồ "cây phát sinh chủng loại" (mô tả lịch sử tiến hóa của một nhóm các loài với những đặc tính khác nhau nhưng có cùng mối quan hệ họ hàng với nhau) cũng cho thấy biến thể Omicron và Gamma có khả năng đã lưu hành từ giữa năm 2020.

Điều này ủng hộ giả thuyết rằng Omicron có thể đã tiến hóa ở một loài động vật, và có thể đó là chuột. Giáo sư Xu cho rằng phát hiện trên cho thấy các nhà nghiên cứu nên tập trung vào các biến thể của virus SARS-CoV-2 được phân lập từ động vật hoang dã, đặc biệt là loài gặm nhấm.

Theo ông, nếu Omicron được xác định có nguồn gốc từ chuột, hệ lụy của việc biến thể này lây lan giữa những vật chủ không phải con người sẽ đặt ra những thách thức mới trong việc phòng ngừa và kiểm soát đại dịch.

* Trong bối cảnh nhiều nghiên cứu và ý kiến cho thấy việc sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong sàng lọc COVID-19 có thể cho kết quả thiếu chính xác hơn đối với biến thể Omicron, các nhà nghiên cứu đang nỗ lực tìm ra vấn đề các sinh phẩm xét nghiệm này gặp phải, cũng như cách thức cải thiện độ chính xác của chúng.

Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Emory (Mỹ) đã bắt đầu đánh giá các sinh phẩm xét nghiệm kháng nguyên nhanh đối với các mẫu sống của biến thể Omicron hồi tháng 12/2021 trong phòng thí nghiệm.

Giáo sư nhi khoa và kỹ thuật y sinh Wilbur Lam thuộc Đại học Emory và là một trong những chuyên gia hàng đầu đánh giá các sinh phẩm xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho chính phủ liên bang, cho biết các đánh giá ban đầu cho thấy một số sinh phẩm xét nghiệm không thể phát hiện virus SARS-CoV-2 ở nồng độ mà các nhà nghiên cứu mong đợi để có thể xác định liệu đó có phải là biến thể khác.

Do đó, trong hướng dẫn cập nhật hồi cuối tháng 12 vừa qua, Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) Mỹ lưu ý dù các sinh phẩm xét nghiệm kháng nguyên nhanh có thể phát hiện biến thể Omicron song độ chính xác có thể giảm.

Một tuần sau đó, một nghiên cứu sơ bộ nhỏ cho thấy trong 30 người nhiễm biến thể Omicron, xét nghiệm kháng nguyên nhanh chỉ có thể phát hiện 1 trường hợp dương tính. Đáng chú ý, trường hợp này chỉ được phát hiện sau 2 hoặc 3 ngày sau khi xét nghiệm PCR.

Theo giới chuyên gia, các sinh phẩm xét nghiệm nhanh chỉ cho kết quả tốt nhất khi người bệnh biểu hiện triệu chứng hoặc có tải lượng virus cao. Giáo sư Lam cho biết đây cũng chính là những gì ông phát hiện khi đánh giá các sinh phẩm xét nghiệm nhanh mà những bệnh nhân có triệu chứng đã sử dụng khi đến phòng khám.

Thực tế, khi những người mắc COVID-19 có triệu chứng tới các cơ sở y tế, nhân viên ở đây sẽ tiến hành xét nghiệm PCR, sau đó sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh. Nói chung, các sinh phẩm xét nghiệm nhanh có thể phát hiện Omicron như kỳ vọng.

Tuy nhiên, điều khác biệt là biến thể Omicron có thể khiến người bệnh giảm các triệu chứng trong giai đoạn đầu mắc bệnh - trước khi các xét nghiệm cho kết quả dương tính.

Có những báo cáo cho thấy nhiều bệnh nhân biểu hiện triệu chứng COVID-19, song lại có kết quả ban đầu âm tính trước khi có kết quả xét nghiệm dương tính. Đầu tháng này, tiến sĩ Robert Wachter, chủ nhiệm Khoa Y, Đại học California, đã chia sẻ việc con trai mình mắc COVID-19.

Sau khi có biểu hiện đau họng, ho khan, đau mỏi cơ, ớn lạnh, con trai của ông đã sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh để xét nghiệm sàng lọc COVID-19, song có kết quả âm tính. Xét nghiệm kháng nguyên nhanh lần 2 trong ngày sau đó mới cho kết quả dương tính.

Nhiều trường hợp cũng thông báo kết quả tương tự, do đó, người dân có thể nghĩ phải đến khi biểu hiện triệu chứng, tải lượng virus trong cơ thể phải đủ cao mới có thể làm xét nghiệm nhanh. Để hiểu rõ cơ chế hoạt động của các sinh phẩm xét nghiệm nhanh, các nhà nghiên cứu đã xem xét một số khả năng.

Những người đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 bắt đầu chống lại tình trạng lây nhiễm ngay khi bắt đầu. Mặc dù virus có thể tồn tại ở mũi bệnh nhân, song hệ miễn dịch có thể đã đánh bại virus, do đó, tải lượng virus tại thời điểm xét nghiệm quá thấp để có thể phát hiện.

Khả năng thứ 2 là Omicron có thể tồn tại ở nhiều bộ phận khác nhau ở phần đầu của bệnh nhân, có thể tập trung nhiều ở họng và miệng, trong khi các sinh phẩm xét nghiệm kháng nguyên nhanh tại nhà chủ yếu lấy dịch mũi.

Do đó, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Emory hằng ngày đã lấy mẫu dịch họng, dịch mũi và miệng của các bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 và thân nhân để xét nghiệm bằng cả phương pháp PCR và kháng nguyên nhanh.

Việc này nhằm tìm ra thời điểm nào xét nghiệm nhanh cho kết quả dương tính và bộ phận nào ở phần đầu tập trung nhiều virus nhất ở các thời điểm khác nhau khi mắc bệnh.

Bên cạnh đó, trước luồng ý kiến cho rằng các dòng phụ của Omicron có thể tạo ra ít kháng nguyên hơn, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đo nồng độ kháng nguyên của bệnh nhân. Sau khi tiến hành các thử nghiệm, các chuyên gia đã chỉ ra cách thức đảm bảo có được kết quả chính xác nhất từ các sinh phẩm xét nghiệm kháng nguyên nhanh hiện nay.

Các xét nghiệm này cho kết quả chính xác nhất khi người bệnh biểu hiện triệu chứng. Nếu nguồn cung sinh phẩm xét nghiệm kháng nguyên hạn chế, không nên sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh ngay mà hãy đợi 1 ngày, có thể khi xuất hiện 2 triệu chứng.

Nếu xuất hiện triệu chứng song vẫn có kết quả âm tính trong lần xét nghiệm đầu tiên, hãy đợi 1-2 ngày rồi sau đó xét nghiệm lại. Nếu không có triệu chứng trong thời gian dài, tốt hơn hết hãy đợi 2 ngày vì nhiều khả năng vào thời điểm đó, virus sẽ nhân lên và tải lượng virus có thể đủ cao để cho kết quả dương tính.

Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính sau 2 lần sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh, cân nhắc tiến hành xét nghiệm nhanh lần thứ 3 hoặc xét nghiệm PCR nếu có thể. Giới chuyên gia cũng lưu ý cần cân nhắc sử dụng kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh khi đến thăm những người cao tuổi.

Nếu muốn đến thăm những người cao tuổi - đối tượng có nguy cơ cao hơn, cần hạn chế các mối quan hệ trong tuần trước đó và tiến hành vài lần xét nghiệm, không nên chỉ dựa vào kết quả xét nghiệm 1 lần duy nhất.

Đặc biệt, nếu có kết quả xét nghiệm dương tính, hãy tự coi mình có kết quả dương tính thực sự và tự cách ly bản thân. Nghiên cứu gần đây cho thấy tỉ lệ dương tính giả của xét nghiệm kháng nguyên nhanh là khá thấp.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/270261/chuyen-gia-trung-quoc--bien-the-omicron-co-the-co-nguon-goc-tu-chuot.html