Chuyên gia quốc tế cùng gỡ rối cho đào tạo tiếng Anh tại Việt Nam

Trong hai ngày 13 và 14, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khảo thí của Việt Nam và quốc tế sẽ cùng thảo luận về thực trạng kiểm tra đánh giá và khảo thí ngoại ngữ tại Việt Nam.

Giờ học ngoại ngữ của sinh viên trường Đại học Hà Nội (Ảnh: PM/Vietnam+)

Trong hai ngày 13 và 14/10, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khảo thí của Việt Nam và quốc tế sẽ cùng thảo luận về thực trạng kiểm tra đánh giá và khảo thí ngoại ngữ tại Việt Nam.

Những thách thức và cơ hội để hỗ trợ học sinh, học viên trên khắp cả nước học tiếng Anh hiệu quả hơn cũng sẽ được nêu ra để tìm giải pháp tháo gỡ.

Đây là nội dung chính của Hội nghị về Khảo thí và Ngôn ngữ tiếng Anh New Directions vừa được khai mạc sáng nay, ngày 13/10, tại Hà Nội. Hội nghị do Hội đồng Anh phối hợp với Ban Đề án Ngoại ngữ 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Tại hội nghị, các chuyên gia cùng chia sẻ những quan điểm và cách nhìn của mỗi quốc gia và quốc tế về xu hướng và cách tiếp cận mới đối với việc dạy, học và khảo thí tiếng Anh. Các nước cũng chia sẻ kinh nghiệm và bài học thực tiễn của nước mình trong việc dạy và học ngoại ngữ.

Cụ thể, chủ đề của hội nghị sẽ nêu bật các hướng tiếp cận và giải pháp cho các thách thức tại Việt Nam. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là việc giải quyết vấn đề giữa một bên là mong muốn sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh thành thạo để giao tiếp của người học và một bên là thách thức trong việc quản lý và đánh giá dựa trên năng lực một số lượng lớn các bài thi nói và viết.

Ban tổ chức hy vọng thông qua những trao đổi, chia sẻ của các chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ khơi dậy nhiều ý tưởng mới, và đặc biệt phù hợp với lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phát biểu tại hội nghị, giáo sư Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: "Khảo thí ngoại ngữ là công cụ không thể thiếu trong quá trình dạy và học ngôn ngữ. Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, công tác khảo thí ngoại ngữ lại càng có ý nghĩa quan trọng.”

Cũng theo ông Ga, khi năng lực ngoại ngữ được đánh giá theo tiêu chuẩn quốc tế thì lao động Việt Nam sẽ có tính cạnh tranh cao hơn trên thị trường lao động. Khi đó, người lao động sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm trong bối cảnh chuyển dịch lao động tự do giữa các nước trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Tại Việt Nam, tuy Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc theo khung tham chiếu châu Âu, nhưng những chứng chỉ này vẫn chỉ được công nhận ở trong nước. Muốn được công nhận quốc tế để tạo thuận lợi cho người lao động, Việt Nam phải tìm ra giải pháp để các chứng chỉ đó tương thích với quốc tế, được các nước khác công nhận.

"Hội nghị New Directions là một cơ hội tốt để các chuyên gia khảo thí đến từ những tổ chức danh tiếng nhất trên thế giới chia sẻ những kinh nghiệm của họ với Việt Nam trong lĩnh vực khảo thí và chuẩn hóa năng lực ngoại ngữ. Đây cũng là một trong những hoạt động có ý nghĩa rất tích cực nhằm hỗ trợ cho Đề án Ngoại ngữ 2020 thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra,” ông Ga nói./.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga chia sẻ về đánh giá năng lực ngoại ngữ tại Việt Nam.

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-quoc-te-cung-go-roi-cho-dao-tao-tieng-anh-tai-viet-nam/410712.vnp