Chuyên gia nói gì về chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp?

Chiều 16/10 tại Hà Nội, Báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức Tọa đàm Chính sách, pháp luật cổ phần hóa những vấn đề đặt ra.

Tọa đàm với sự tham gia của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế: Ông Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật; Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế; Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ông Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế; Ông Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế.

Các chuyên gia, khách mời đã có những phân tích, nhận diện về những nguy cơ gây thất thoát tài sản của nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, qua đó có những giải pháp để công tác cổ phần hóa tiếp tục được triển khai hiệu quả và đạt được các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đưa ra.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền cho biết, Quốc hội Khóa XV ngay trong Kỳ họp thứ 2 vào tháng 11 năm 2021 đã ban hành Nghị quyết số 31/2015/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2023.

Cụ thể, Quốc hội yêu cầu: Tiếp tục sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, tập trung những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; giải quyết những vướng mắc, nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng đất đai của khối doanh nghiệp nhà nước; thực thi nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm làm chậm tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước…

Tại Kỳ họp thứ Sáu, dự kiến khai mạc ngày 23/10 tới, Quốc hội cũng sẽ thảo luận về việc thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế theo Nghị quyết số 31/2021/QH15, trong đó có nội dung cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.

Trong bối cảnh như vậy, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm Chính sách pháp luật cổ phần hóa – những vấn đề đặt ra” với mong muốn nhìn nhận rõ các hạn chế, vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa và tìm kiếm được những giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ, ngăn ngừa tình trạng trục lợi, gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước, đặc biệt là đất đai. Qua đó đóng góp vào quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới”, Tổng biên tập Phạm Thị Thanh Huyền nhấn mạnh.

Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: Trần Hiệp

Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: Trần Hiệp

Đánh giá về tiến trình cổ phần hóa thời gian qua, các diễn giả cho rằng, chính sách, pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn tiếp tục được hoàn thiện theo hướng bảo đảm công khai, minh bạch và chặt chẽ hơn và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Qua đó, giúp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, nhất là trong giai đoạn 2016 – 2020; đồng thời hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế dẫn báo cáo của Chính phủ cho biết, năm 2021 đã ghi nhận 4 doanh nghiệp cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 333 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 196 tỷ đồng. Năm 2022, ghi nhận bổ sung 1 doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỷ đồng.

Tính đến ngày 25/4/2023, đã có 27 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Lũy kế năm 2021-2022, số thu từ bán vốn nhà nước của Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp đã nộp về ngân sách nhà nước năm 2021 là 1.000 tỷ đồng; số thu từ bán vốn nhà nước năm 2022 là 3.848 tỷ đồng (trong đó thu của ngân sách Trung ương là 2.511 tỷ đồng, thu của ngân sách địa phương là 1.338 tỷ đồng). Kế hoạch thu hồi vốn nhà nước tại một số tổ chức kinh tế do Trung ương quản lý là 3.000 tỷ đồng .

Về thoái vốn nhà nước, đã thoái vốn tại 18 doanh nghiệp với giá trị 1.665 tỷ đồng, thu về 4.402 tỷ đồng trong năm 2021. Năm 2022, thoái vốn nhà nước tại 1 doanh nghiệp với giá trị 195 tỷ đồng, thu về 390 tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn tại 31 doanh nghiệp với giá trị là 688,7 tỷ đồng, thu về 3.900,6 tỷ đồng.

Các diễn giả, khách mời tại buổi Tọa đàm. Ảnh: Trần Hiệp

Các diễn giả, khách mời tại buổi Tọa đàm. Ảnh: Trần Hiệp

Trong quý I/2023, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn tại 4 doanh nghiệp với giá trị là 41,2 tỷ đồng, thu về 168,4 tỷ đồng. Số thu từ bán vốn nhà nước của Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp đã nộp về ngân sách nhà nước năm 2021 là 1.000 tỷ đồng, năm 2022 là 3.848 tỷ đồng (trong đó thu của ngân sách trung ương là 2.511 tỷ đồng, thu của ngân sách địa phương là 1.338 tỷ đồng).

Chúng ta cũng không nên chỉ xét về giai đoạn, mà nhìn rộng hơn bức tranh với nhiều màu sắc tương phản, có doanh nghiệp hoạt động tốt, một số doanh nghiệp không như mong muốn để thấy rằng câu chuyện cổ phần hóa rất khó”, ông Phan Đức Hiếu nói.

Ông Phan Đức Hiếu cho rằng, bức tranh cổ phần hóa khá nhiều màu sắc, phản ánh thực tế. Bên cạnh yếu điểm, nhưng trong một số trường hợp chúng ta rất thành công. Ví dụ trường hợp Sabeco, chúng ta thoái vốn khoảng vài nghìn tỉ đồng nhưng bán được hơn 100.000 tỉ đồng. Soi lại giai đoạn 2015 – 2020, số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn ngoài kế hoạch nhiều hơn số lượng đưa trong kế hoạch.

Nhìn nhận về bức tranh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng: Chủ trương hoàn toàn đúng đắn và chúng ta đã gặt hái được những kết quả nhất định như: Có một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã có lãi, làm tăng thu ngân sách và tăng việc làm. Đồng thời, nó cũng tạo ra được một làn sóng thu hút đầu tư xã hội hóa.

Đây cũng là mục tiêu, tăng đầu tư xã hội hóa trong hoạt động doanh nghiệp nhà nước, đồng thời tạo sự thay đổi nhận thức xã hội về doanh nghiệp nhà nước cũng như về quá trình cổ phần hóa và nhìn tổng thể thì muốn hay không nó đã tạo ra được một sự ảnh hưởng tới thay đổi thể chế của Nhà nước, của doanh nghiệp cũng như tạo ra một sự sống mới ít nhiều cho một bộ phận các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa.”- TS Nguyễn Minh Phong cho hay.

TS Nguyễn Minh Phong chỉ ra những điểm sáng và những tồn tại trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Trần Hiệp

TS Nguyễn Minh Phong chỉ ra những điểm sáng và những tồn tại trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Trần Hiệp

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, các diễn giả cho rằng, quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo cả về lượng và chất. Cụ thể, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chậm; chưa phát huy tốt vai trò của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty của nhà nước tham gia vào các công trình, dự án lớn.

Quản lý vốn tại các doanh nghiệp có phần vốn nhà nước không chi phối khó khăn, đặc biệt là tại các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, thuộc diện giám sát tài chính hoặc có cổ đông lớn thiếu hợp tác. Đây là những vấn đề đã được đề cập nhiều lần trong các kỳ họp Quốc hội nhưng chưa có hướng xử lý cụ thể. Đặc biệt, quá trình cổ phần hóa thời gian qua có không ít sai phạm cả về kinh tế, đất đai, gây thất thoát nghiêm trọng tài sản của Nhà nước…

Về nguyên nhân, các diễn giả cho rằng, có vấn đề pháp luật và thực thi pháp luật; đồng thời, chất lượng thông tin, chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước chưa rõ ràng, chưa tạo sự tin cậy cho nhà đầu tư; cùng với đó là những lúng túng trong các vấn đề pháp lý về đất đai, về quyền sở hữu tài sản vô hình, các báo cáo về tài chính…

“Hệ thống pháp luật liên quan đến cổ phần hóa có liên quan đến rất nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau, từ Luật Doanh nghiệp cho đến Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh, Luật Đất đai, Luật Đấu giá… Với phạm vi lớn như vậy có thể nói rằng, việc có những điểm sơ là không tránh khỏi”, ông Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật nói và cho biết, cùng một hệ thống pháp luật nhưng có những trường hợp thực kết quả tốt, có trường hợp kết quả không được như mong đợi. Vì vậy, khi mà đánh giá hệ thống pháp luật, cần phải cân nhắc và tránh đổ lỗi cho hệ thống pháp luật; ngược lại là cũng không nên cho rằng hệ thống pháp luật không có lỗi gì mà chỉ là do việc thực hiện pháp luật chưa tốt.

Chia sẻ tại Tọa đàm, Phó Trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng đã lấy ví dụ câu chuyện cổ phần hóa ở Bộ Giao thông vận tải.

Ông Lưu Bình Nhưỡng chỉ ra "góc khuất" cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Bộ Giao thông vận tải. Ảnh Trần Hiệp

Ông Lưu Bình Nhưỡng chỉ ra "góc khuất" cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Bộ Giao thông vận tải. Ảnh Trần Hiệp

Ông Nhưỡng cho hay, năm 2011 ngành Giao thông vận tải xác định cổ phần hóa 11 doanh nghiệp trong đó có 9 công ty mẹ còn lại là thành viên. Trong đó, Tổng Công ty Vận tải thủy Việt Nam giá trị cổ phần hóa làm tròn 327 tỷ đồng trong khi tài sản của Tổng công ty là hệ thống 10 cảng nội địa, hệ thống cầu tầu, có cầu tầu để xây dựng chi phí đầu tư phải hàng trăm tỷ… và mất cả thương hiệu...

Tại Tọa đàm, các chuyên gia cũng đã đưa ra các giải pháp đẩy nhanh tiến độ và chất lượng cổ phần hóa, ngăn ngừa thất thoát tài sản nhà nước. Các diễn giả đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể các vướng mắc về pháp luật trong thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; tiếp tục quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm tránh thất thoát vốn nhà nước, nhất là các biện pháp liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu và giá trị truyền thống của doanh nghiệp cổ phần hóa.

Để tiếp tục đẩy mạnh quá trình thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh, cần bám sát mục tiêu cổ phần hóa đã đề ra. Cùng với đó, cần tăng cường công khai, minh bạch thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trước khi triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn.

Cùng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, song hành với minh bạch về mặt pháp lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính đất đai, quy hoạch, đấu giá thì cần nâng cao chất lượng thông tin hoạt động doanh nghiệp nhà nước từ sớm, từ xa, không đợi đến khi xác định cổ phần hóa mới bắt tay vào xử lý…

Các diễn giả cũng đề nghị cần có kế hoạch cụ thể sử dụng nguồn vốn thu được từ thoái vốn, trong đó ưu tiên vào các công trình quan trọng quốc gia để tạo động lực phát triển và sức lan tỏa cho nền kinh tế; phát huy vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp…

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuyen-gia-noi-gi-ve-chinh-sach-co-phan-hoa-doanh-nghiep-279115.html