Chuyên gia khuyến nghị khẩn trương phục hồi tổng cầu, tránh nôn nóng hạ lãi suất dồn dập

Sự sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam khiến mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 trở nên rất khó khăn đòi hỏi khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để phục hồi tổng cầu.

Tổng cầu suy yếu, nền tảng phục hồi không chắc chắn

Quan ngại lớn nhất mà các chuyên gia, các nhà khoa học cùng nêu lên tại Tọa đàm đối thoại chính sách hàng quý của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) sáng ngày 11/7 là tất cả các động lực từ tổng cầu đều suy yếu. Ngay cả trong sự ổn định vĩ mô hiện nay, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp cũng là một chỉ dấu cho sự quan ngại, bởi lạm phát thấp cũng có phần do tổng cầu suy yếu.

Tọa đàm Kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2023 với chủ đề “Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh mới”. Ảnh: Hà Linh.

Tổng cầu yếu, chi phí sản xuất gia tăng kéo theo hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, thương mại bị thu hẹp. Theo đó, sản xuất bị ngưng trệ, thu nhập của DN, người lao động suy giảm, nếu kéo dài dẫn tới sa thải, tín dụng không tăng, và kinh tế giảm, TS.Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economyca nói.

Phân tích kỹ tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, PGS.TS.Phạm Thế Anh- Trưởng khoa Kinh tế học của NEU đặc biệt lưu ý: "Tăng trưởng kinh tế đang chậm lại nhưng biến động hơn, và tất cả các động lực tăng trưởng từ tổng cầu đang suy yếu. Một vấn đề phải lưu ý nữa, đó là nền tảng phục hồi không chắc chắn".

"Tốc độ tăng trưởng trung bình đang chậm lại qua các giai đoạn; Tốc độ tăng trưởng trong ngắn hạn trở nên biến động hơn; Tăng trưởng Q2 cao hơn so với Q1 nhưng còn ở dưới xa con số trung bình 5 năm của giai đoạn trước Covid. Ngoại trừ khu vực nông, lâm, thủy sản vẫn tăng trưởng ổn định thì sản xuất ở 2 khu vực lớn còn lại đều cho thấy dấu hiệu tiêu cực", chuyên gia này nói.

Những dấu hiệu cho thấy nền tảng phục hồi không chắc chắng được PGS.Phạm Thế Anh chỉ ra, đó là: Công nghiệp chế biến chế tạo liên quan đến xuất khẩu và bất động sản sụt giảm mạnh; Dịch vụ lưu trú và ăn uống không còn đột biến; Dịch vụ tài chính tăng chậm lại trong khi kinh doanh BĐS tiếp tục suy giảm.

Về tổng cầu, tiêu dùng đang tăng chậm lại, công nghiệp chế biến chế tạo và xuất nhập khẩu đều suy giảm. Sản lượng nhiều ngành chủ chốt trong công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục suy giảm. Còn tiêu dùng dự kiến sẽ tăng chậm lại do lãi suất cao, thu nhập, và tài sản giảm.

Đáng quan ngại là sự suy giảm của xuất khẩu không chỉ do cầu thế giới giảm mà đã xuất hiện dấu hiệu lo ngại nguy cơ mất hẳn đơn hàng do các doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu như xanh môi trường, bền vững…

Như vậy tất cả các yếu tố tổng cầu đều suy giảm. Nguy cơ tăng trưởng thấp còn kéo dài. Vậy cần sử dụng các biện pháp kích cầu có chọn lọc và cũng cần lưu ý chính sách trọng cung.

“Có thể sử dụng một số biện pháp hỗ trợ tổng cầu có chọn lọc nhưng cần kết hợp các chính sách cải thiện tổng cung tiềm năng”, PGS.Phạm Thế Anh nhấn mạnh.

Tránh nôn nóng hạ lãi suất dồn dập

Khôi phục tổng cầu là chìa khóa để đưa nền kinh tế phục hồi trong ngắn hạn, TS.Lê Duy Bình phát biểu. Nhưng theo ông, phải kích cầu trong nước (chi tiêu hộ gia đình, chi tiêu của Chính phủ, đầu tư của tư nhân, đầu tư của chính phủ và xuất khẩu), và xây dựng nền kinh tế tự lập tự cường.

Theo ông Bình, kích cầu phải kịp thời và phải có những nguyên tắc để tránh tạo ra các bất ổn khác như làm tăng lạm phát, tỷ giá hay tạo ra bong bóng tài sản. Vì thế, một số biện pháp kích cầu chỉ thực hiện tạm thời để kích thích được phản ứng của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Để tránh gây bất ổn, trong khi nguồn lực và dư địa chính sách còn hạn chế, thì cần ưu tiên các biện pháp kích cầu tạm thời nhưng cải thiện được năng suất trong dài hạn.

Các chuyên gia kinh tế khuyến nghị không nên nôn nóng dồn dập hạ lãi suất. Ảnh: Hà Linh.

Kích cầu phải đúng đối tượng, đó là hướng vào đối tượng có nhu cầu/cần chi tiêu cao; Hướng vào hàng hóa nội địa (giảm VAT (giảm VAT, phí trước bạ chưa thực sự đúng đối tượng).

TS.Nguyễn Bích Lâm – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khuyến nghị: Làm sao hộ gia đình chi tiêu nhiều hơn, chứ không phải là thắt chặt chi tiêu. Bởi vì trong thống kê về tiêu dùng trong nước thì 70% là chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày của hộ gia đình.

T"iềm năng tiêu dùng trong nước còn lớn. Nhưng tiêu dùng và sức mua của người dân phụ thuộc vào niềm tin vào triển vọng kinh tế. Nếu lo ngại kinh tế xấu đi thì người dân sẽ tiết giảm chi tiêu", ông Lâm nói.

Các chuyên gia cùng quan điểm với xu hướng xuất khẩu giảm, thì động lực tăng trưởng kinh tế cần dựa vào trụ cột bên trong như tiêu dùng nội địa, cải thiện môi trường để tăng đầu tư tư nhân, thúc đẩy đầu tư công.

Đầu tư tư nhân tăng rất chậm do lãi suất cao, khó tiếp cận tín dụng và phát hành trái phiếu/cổ phiếu, và đặc biệt là do niềm tin giảm sút.

Để khuyến khích đầu tư tư nhân, thường sẽ áp dụng các chính sách: Tiếp tục hạ lãi suất cho vay (giảm chi phí vốn; tăng khả năng tiếp cận vốn trên thị trường chứng khoán; kích thích được tiêu dùng nhờ sự hồi phục của thị trường tài sản). Và sử dụng tín dụng thuế đầu tư (Investment Tax Credit) ngắn hạn.

PGS.Phạm Thế Anh lưu ý: Rất ít không gian để hạ lãi suất huy động. Tránh nôn nóng hạ lãi suất chính sách dồn dập. Và cần kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh 10%.

“Tín dụng có thể tăng cao nhưng cung tiền phải kiểm soát, chúng ta đã chứng kiến cứ 5-7 năm lại sảy ra một đợt bong bóng tài sản do cung tiền tăng quá cao”, PGS.Phạm Thế Anh nói.

Theo vị chuyên gia này, nên ưu tiên sử dụng các chính sách tài khóa như đẩy nhanh đầu tư công và phát triển nhà ở xã hội, bổ sung xây dựng thêm các trường học công... Trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc; Nâng mức thu nhập chịu thuế; Giảm VAT hàng thiết yếu.

“Đây là các chính sách lâu dài, hạn chế tác động phụ và cũng kích thích tiêu dùng lại đạt hai mục tiêu an sinh xã hội và kích cầu”, theo PGS.Phạm Thế Anh.

Hà Nguyễn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chuyen-gia-khuyen-nghi-khan-truong-phuc-hoi-tong-cau-tranh-non-nong-ha-lai-suat-don-dap-post255715.html