Chuyên gia khẳng định ChatGPT không làm gia tăng gian lận học đường

Khi ChatGPT ra mắt vào cuối năm ngoái, một số trường học đã nhanh chóng xây dựng chính sách nghiêm ngặt vì lo ngại học sinh gian lận trong việc làm bài tập khi sử dụng chatbot AI…

Nhưng giờ đây, nghiên cứu mới của nhóm phân tích tại Stanford cho thấy tỷ lệ học sinh gian lận không hề thay đổi về mặt thống kê so với những năm trước chưa có sự xuất hiện của ChatGPT, theo CNN Business.

Stanford đã thực hiện cuộc khảo sát ẩn danh đối với học sinh tại 40 trường trung học ở Hoa Kỳ và phát hiện khoảng 60% đến 70% sinh viên có hành vi gian lận học tập trong tháng trước, con số không hề thay đổi mà thậm chí giảm nhẹ kể từ khi công cụ ChatGPT ra mắt.

Vào tháng 11/2022, ChatGPT - nền tảng trí tuệ nhân tạo do OpenAI phát triển - đã trở nên nổi tiếng nhờ tạo ra các câu trả lời và bài luận thuyết phục theo yêu cầu người dùng chỉ trong vài giây. Công nghệ này đã gây ra một số lo ngại về tính không chính xác, khả năng xuất hiện thành kiến, truyền bá thông tin sai lệch và tạo điều kiện cho hành vi đạo văn, gian lận.

Ông Victor Lee, Trưởng Khoa AI và giáo dục thuộc Đại học Stanford, người giám sát cuộc khảo sát, cho biết: “Mặc dù có những trường hợp đáng báo động về việc AI được sử dụng trong gian lận, nhưng chúng tôi thấy rất ít bằng chứng cho thấy đối tượng gian lận là các học sinh trường trung học nói chung”.

Phát hiện được đưa ra khi Trung tâm nghiên cứu Pew gần đây báo cáo chỉ có 19% thanh thiếu niên từ 13 đến 17 tuổi sử dụng nền tảng ChatGPT để làm bài tập ở trường. Thậm chí, chỉ có 2/3 thanh thiếu niên được khảo sát biết đến ChatGPT.

Trưởng khoa Lee cho biết số lượng học sinh truy cập ChatGPT có thể thay đổi trong tương lai khi ngày càng nhiều người mong muốn tìm hiểu thêm về công nghệ.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy nhóm học sinh tin rằng công cụ nên được phép sử dụng cho mục đích “bắt đầu” bài tập, chẳng hạn như yêu cầu công cụ tạo ra khái niệm hoặc ý tưởng mới cho bài tập. Tuy nhiên, hầu hết người được hỏi đều đồng ý không nên lạm dụng AI để viết bài luận.

“Điều đó cho thấy phần lớn học sinh thực sự muốn học và coi AI như một phương pháp hỗ trợ giúp tiết kiệm thời gian hoàn thành bài tập”. Giảng viên cao cấp tại Trường Sư phạm Sau đại học Stanford Denise Pope, người cũng tham gia giám sát nghiên cứu, nhận định.

Theo các nhà phân tích, một số lý do chính khiến học sinh gian lận bao gồm gặp khó khăn khi nắm bắt tài liệu môn học, không đủ thời gian để làm bài và cảm thấy bị áp lực phải học tốt.

Trưởng khoa Lee cho biết thêm: “Chỉ mới hơn một năm từ khi ChatGPT thu hút sự chú ý của công chúng, vì vậy tất cả chúng ta nên mong đợi một số thay đổi theo thời gian trong trường học, công việc và cuộc sống hàng ngày. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào cách trường chọn tiếp cận AI như đối tượng chủ đề hay công cụ hỗ trợ, có thể khiến câu chuyện đi theo hai hướng khác nhau”.

Giảng viên Pope cho biết nhà giáo dục nên cân nhắc thúc đẩy học sinh lên tiếng về chủ đề AI và gian lận. Gần đây, nhóm nghiên cứu cho biết học sinh đã thảo luận về mục đích của việc học và những gì nên học ở trường khi AI liên tục mở rộng phạm vi hoạt động. Bà nhấn mạnh: “Chúng ta nên thảo luận về vai trò của trường học trong tương lai - viễn cảnh mà AI có mặt khắp mọi nơi”.

PHẢN HỒI TỪ PHÍA NHÀ TRƯỜNG

Trong vài tháng đầu tiên sau khi ChatGPT phát hành, lo ngại về gian lận ngày càng gia tăng. Các trường công lập ở Thành phố New York và Seattle là một trong những tổ chức đầu tiên cấm học sinh và giáo viên sử dụng ChatGPT trên mạng và thiết bị trong khuôn viên nhà trường.

Nhiều giảng viên đại học chia sẻ với CNN vào thời điểm đó rằng đã chuyển hướng trở lại sử dụng hình thức làm bài luận trên lớp lần đầu tiên sau nhiều năm và một số khác yêu cầu bài luận mang tính cá nhân hóa cao hơn. Học sinh cũng thường phải quay video trình bày lại chi tiết về quá trình làm bài.

Tuy nhiên, ngày nay, nhiều trường học đang khuyến khích và thậm chí dạy học sinh cách tận dụng tốt nhất công cụ AI. Ví dụ, Đại học Vanderbilt đã sớm đi đầu, giữ vững lập trường mạnh mẽ trong việc khuyến khích học hỏi AI tạo sinh bằng cách cung cấp khóa đào tạo và hội thảo quy mô toàn quốc cho giảng viên và sinh viên. Khóa học trực tuyến kéo dài 18 giờ trong 3 tuần đã thu hút hơn 90.000 người tham gia.

Rõ ràng, các giáo sư lo ngại việc phớt lờ hoặc không khuyến khích sử dụng AI có thể gây bất lợi cho sinh viên và khiến nhiều sinh viên bị bỏ lại phía sau khi gia nhập lực lượng lao động.

Ông Jules White, Phó Giáo sư Khoa học Máy tính tại Đại học Vanderbilt, trước đây đã bày tỏ với CNN: “Tôi nghĩ việc hiểu biết rõ về AI là vô cùng quan trọng đối với sinh viên, giảng viên và cựu sinh viên vì trí tuệ nhân tạo có thể trở thành yếu tố biến đổi then chốt đối với mọi ngành”.

Mặc dù lo ngại gian lận vẫn còn tồn tại, Phó Giáo sư White tin rằng những sinh viên đã có ý định đạo văn vẫn có thể tìm kiếm nhiều phương pháp khác như Wikipedia hoặc Google để gian lận. Thay vào đó, ông đề xuất rằng học sinh nên được dạy “nếu sử dụng AI theo cách khác, học sinh sẽ thành công hơn nhiều”.

Stanford cũng ra mắt trung tâm trực tuyến với vô số tài nguyên miễn phí giúp giáo viên giải thích cho học sinh những điều nên và không nên khi sử dụng AI.

Đồng thời, các nhà nghiên cứu cho biết sẽ tiếp tục thu thập dữ liệu trong suốt năm học để xem liệu có tìm ra bằng chứng cho thấy ngày càng nhiều học sinh sử dụng ChatGPT cho mục đích gian lận hay không.

Giảng viên Pope chia sẻ: “Vẫn chưa có ý kiến cuối cùng, nhưng dữ liệu hiện tại của chúng tôi chỉ ra rằng học sinh không nhất thiết muốn sử dụng AI để rút ngắn thời gian làm bài mà mong muốn sử dụng AI để nâng cao trải nghiệm học tập cá nhân”.

Bảo Ngọc

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chuyen-gia-khang-dinh-chatgpt-khong-lam-gia-tang-gian-lan-hoc-duong.htm