Chuyên gia chia sẻ vấn đề chọn ngành cho mùa tuyển sinh 2024

Câu chuyện chọn ngành, chọn nghề đang là mối quan tâm hàng đầu của đa số học sinh và phụ huynh trong mùa tuyển sinh 2024. Vậy làm thế nào để học sinh lớp 12 hiểu rõ hơn về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để có định hướng nghề nghiệp đúng đắn?

Bác sĩ chia sẻ lý do chọn ngành Y

BS. Đỗ Doãn Bách, công tác tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai - 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022 cho biết, anh sinh ra trong gia đình có truyền thống ngành Y nhưng trước đó, chưa bao giờ anh có ý định nối nghiệp gia đình vì thấy nghề này quá vất vả. Vậy nhưng, một sự việc bất ngờ xảy đến hồi anh học cấp 3 khiến định hướng nghề nghiệp của anh thay đổi.

BS. Đỗ Doãn Bách - 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022 chia sẻ lý do đến với ngành Y.

Đó là trong một ngày đến lớp, anh đã chứng kiến một bạn học sinh trong trường lên cơn co giật và ngất xỉu. Khi tất cả mọi người xung quanh đều lo lắng, cuống cuồng không biết làm gì thì từ kiến thức có được do bố mẹ truyền dạy và hướng dẫn, anh đã bình tĩnh thực hiện các bước sơ cứu, giúp bạn qua cơn nguy kịch.

Cảm nhận được niềm hạnh phúc vô bờ bến khi giúp đỡ người khác chữa bệnh, anh bắt đầu suy nghĩ lại về định hướng nghề nghiệp và chọn gắn bó với nghề y. Với đam mê với môn Sinh từ nhỏ, anh mạnh dạn lựa chọn chuyên ngành Tim mạch.

"Tôi rất đam mê với những tiết học Sinh học cấp 2 như mổ ếch, giải phẫu cơ thể, trồng cây từ các hạt giống… Do đó, khi lựa chọn ngành Y cần học tốt khối B với các môn học Toán, Hóa, Sinh".

Theo BS. Đỗ Doãn Bách, tuy có thời gian học rất dài so với các ngành nghề khác, quá trình học tập vô cùng vất vả nhưng cơ hội việc làm của ngành Y là rất lớn. Hiện nay, tỷ lệ các bác sĩ của Hà Nội mới chỉ đạt gần 11 bác sĩ/1.000 dân. Nguồn nhân lực thiếu, trong khi đó ngành Y là khối ngành dọc thu hút rất nhiều nhân lực: bác sĩ, nhân viên y tế, điều dưỡng, dược sĩ… với nhiều chuyên ngành phong phú.

Các bạn học sinh lựa chọn ngành Y sẽ có cơ hội làm việc tại các bệnh viện tư nhân và các bệnh viện nhà nước, các công ty dược phẩm… Đặc biệt, trong giai đoạn đại dịch COVID-19, ngành Y tế càng thiếu trầm trọng về nguồn nhân lực.

"Tại Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày tôi khám cho khoảng 50 bệnh nhân do đó tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều đồng nghiệp từ những bạn học sinh tại đây. Tôi cũng dành lời khuyên cho các em khi lựa chọn ngành Y, đó là bên cạnh đam mê cần phải hiểu xem bản thân mình có năng lực thế nào, lựa chọn nghề nào thì phải có trách nhiệm với nghề nghiệp đó".

5 bước chọn ngành nghề phù hợp

Tại một chương trình đối thoai, tư vấn, hướng nghiệp vừa được tổ chức tại tại Trường THPT Chương Mỹ B (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) mới đây, là một chuyên gia có nhiều năm tham gia công tác hướng nghiệp, ThS. Đặng Thị Ngọc Quyên - Trưởng phòng Hợp tác, Trường ĐH Anh quốc Việt Nam chia sẻ 5 bước lựa chọn ngành nghề phù hợp để có những định hướng nghề nghiệp đúng đắn.

Học sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển đại học.

Đầu tiên, các em cần phải hiểu mình mong muốn gì, như hiểu đôi chân mình đi được đôi giầy nào để chọn ra đôi giầy (nghề nghiệp) mình mong muốn nhất.

Thứ hai, phải hiểu về nghề nghiệp mình đã lựa chọn. Ví như lựa chọn đôi giầy đi chơi thể thao, giầy đi dự sự kiện… Nghề nghiệp mình lựa chọn cần kiến thức, kỹ năng hay tính cách của người học như thế nào

Thứ ba là cần phải hiểu môi trường đào tạo. Cũng giống như việc hiểu nhà cung cấp giầy là ai, giá thành ra sao, phù hợp với khả năng mình không?

Thứ tư, các em cũng cần trải nghiệm nghề, ví như việc lên các trang tuyển dụng xem đặc điểm nghề như nào, hỏi các thầy cô, nhà báo, anh chị đi trước để có thể hiểu sâu về nghề, định hướng theo nghề nào thì sẽ tiếp cận với người làm nghề đó, giống như đi một đôi giầy mới, chúng ta phải đi đi lại lại để xem có phù hợp không.

Thứ năm, lập kế hoạch và ra quyết định. Đi giầy rồi, cần phải lập kế hoạch thích đi giầy đó rồi thì phải làm thế nào để tiết kiệm được tiền mua; Giống như mục tiêu đến trường nào, xem xét kỹ mốc thời gian của từng trường…

Những điểm mới trong tuyển sinh đại học năm 2024

Thông tin về những điểm mới trong kỳ tuyển sinh đại học năm nay, ông Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) lưu ý, thời gian đăng ký xét tuyển đại học năm nay từ ngày 18/7 đến 17h ngày 30/7. Thí sinh đăng ký theo hình thức trực tuyến. Trong thời gian này, thí sinh được đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần, nhưng phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ nguyện vọng 1 đến hết. Thí sinh nên chọn nguyện vọng mà các em yêu thích nhất, thấy bản thân có năng lực, sở trường nhất để ưu tiên sắp xếp lên cao nhất.

Năm nay, toàn bộ quy trình xét tuyển, từ đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, thay đổi nguyện vọng, nộp lệ phí tuyển sinh và xác nhận nhập học đều tiến hành trực tuyến. Thí sinh cần bám sát quy trình và thực hiện đúng, tránh bỏ lỡ những mốc quan trọng, bởi toàn hệ thống không thể chờ đợi một vài thí sinh để quay ngược trở lại những khâu trước đó.

Bộ GD&ĐT cũng lưu ý thí sinh tham gia vào các phương thức xét tuyển sớm của các trường đại học. Thí sinh cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của trường đại học để bám sát về hồ sơ, thủ tục, giấy tờ và thời hạn. Chậm nhất là 17h ngày 10/7, các trường đại học sẽ công bố kết quả xét tuyển sớm. Với thí sinh, tất cả nguyện vọng của các em dù trúng tuyển sớm hay sau khi có điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông đều phải đăng ký trên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-chia-se-van-de-chon-nganh-cho-mua-tuyen-sinh-2024-169240504230908254.htm