Chuyên gia chỉ ra 'chiến lược 5W, 2 How' khi ôn thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử

Học Lịch sử đòi hỏi học sinh phải ghi nhớ, xâu chuỗi các sự kiện một cách logic, nếu không có phương pháp ôn luyện rõ ràng, thí sinh khó đạt được điểm cao.

Năm học 2023 - 2024 là năm cuối cùng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2006. Trong thời điểm “giao thoa” giữa chương trình giáo dục phổ thông 2006 và chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh thi tốt nghiệp năm nay sẽ có những thuận lợi và ắt sẽ có khó khăn nhất định.

Nếu không có phương pháp ôn thi hiệu quả sẽ ảnh hưởng đến kết quả thi. Đặc biệt là môn Lịch sử - môn học với khối lượng lớn sự kiện cần ghi nhớ.

Những thuận lợi với các sĩ tử thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hưởng - Trưởng Bộ môn Lý luận và Phương pháp dạy học, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Cố vấn Ban Giám hiệu, giáo viên thỉnh giảng của Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) cho rằng, đối với kỳ thi năm nay các sĩ sẽ có những thuận lợi nhất định.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hưởng - Trưởng Bộ môn Lý luận và Phương pháp dạy học, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC

Thứ nhất, nội dung kiến thức môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2006 không có sự thay đổi về nội dung kiến thức nên học sinh có thể chủ động ôn luyện từ trước.

Thứ hai, chương trình 2006 chỉ có một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành nên kiến thức có sự thống nhất. Học sinh dựa vào sách giáo khoa có thể tự đọc, tự tìm hiểu từ trước.

Trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, có nhiều bộ sách giáo khoa, kiến thức được trình bày trong các bộ sách không có sự thống nhất về độ nông sâu và phạm vi rộng hẹp của kiến thức. Điều này có thể sẽ gây khó khăn cho học sinh trong quá trình ôn luyện. Năm nay là năm cuối cùng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2006 nên các sĩ tử sẽ không gặp phải khó khăn này.

Thứ ba, về định dạng, cấu trúc trong đề thi không có sự thay đổi giữa các năm gần đây. Đối với đề thi tốt nghiệp môn Lịch sử chỉ có một cấu trúc và một định dạng duy nhất là trắc nghiệm khách quan. Học sinh đã được làm quen và ôn luyện từ sớm nên rất thuận lợi.

Thứ tư, trên các diễn đàn mạng xã hội, website,.. có đầy đủ hệ thống bài giảng ôn luyện thi tốt nghiệp, hệ thống câu hỏi gắn liền với chương trình giáo dục phổ thông. Học sinh thi tốt nghiệp có thể lên xem và khai thác những kênh này.

Thứ năm, mỗi năm học, giáo viên và học sinh các trường phổ thông đều có định hướng từ đầu năm trong việc ôn thi tốt nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng công bố đề minh họa từ sớm, giáo viên và học sinh có thể chủ động theo dõi và định hướng ôn tập một cách bài bản. Ngay cả học sinh chưa học lớp 12 cũng có thể tìm hiểu và ôn luyện trước.

Chương trình giáo dục phổ thông 2006 có tính ổn định, lâu dài, gắn với định hướng nghề nghiệp của nhiều trường đại học, học viện khi xây dựng tổ hợp xét tuyển. Các sĩ tử năm nay có quyền lựa chọn để ôn luyện theo định hướng từ sớm dưới sự hướng dẫn và phương pháp ôn luyện của giáo viên. Đây là những thuận lợi, là cơ hội lớn cho học sinh nếu biết nắm bắt và chăm chỉ ôn luyện.

Cũng theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hưởng, trong lịch sử, thời cơ luôn đan xen với nguy cơ, thuận lợi luôn song hành với khó khăn, rào cản. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay cũng như vậy.

Sĩ tử năm nay có áp lực lớn, vì đây là năm cuối cùng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2006, hình thức thi tốt nghiệp, nội dung kiến thức sẽ thay đổi từ năm học 2024 - 2025.

Nếu học sinh không đạt kết quả cao để tốt nghiệp và trúng tuyển vào trường theo đúng nguyện vọng thì lo lắng cho cơ hội năm sau. Vì những cơ hội mới sẽ dành cho học sinh thi theo chương trình mới.

Bên cạnh đó là áp lực từ phía gia đình, thầy cô, bạn bè. Đây là kết quả của 12 năm đèn sách và khép lại chương trình 2006, nếu thi lại vào năm sau tất cả lợi thế của sĩ tử thi trong năm nay sẽ không còn nhiều.

Trong trường hợp xấu nhất, học sinh không đạt được kết quả như kỳ vọng và phải thi lại vào năm sau. Không chỉ học sinh cảm thấy khó khăn, áp lực vì phải thi lại, mà chính thầy cô, gia đình cũng mất thời gian, tiền bạc để ôn tập cho những học sinh này.

Hơn nữa, trong những năm gần đây, điểm thi tốt nghiệp của học sinh khá cao nên điểm xét tuyển đại học cũng tăng theo, tỷ lệ cạnh tranh cũng ngày càng lớn.

Nhiều trường đã tổ chức thi đánh giá năng lực, xét tuyển học bạ từ trước. Một phần chỉ tiêu đã dành cho xét học bạ và xét theo kỳ thi đánh giá năng lực; chỉ tiêu dành cho thí sinh xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông giảm xuống. Nếu học sinh không đạt từ 8 điểm trở lên cho mỗi môn thì khó có cơ hội trúng tuyển vào đúng ngành học yêu thích ở trường đại học “top” đầu.

Muốn đạt điểm như mong muốn, chính bản thân học sinh phải chủ động học tập, áp dụng những phương pháp ôn thi và làm theo hướng dẫn của các thầy cô một cách bài bản.

Phương pháp ôn thi, làm bài môn Lịch sử

Về việc ôn luyện, quá trình làm bài môn Lịch sử, thầy Nguyễn Mạnh Hưởng cho rằng, khó khăn lớn nhất của học sinh là chưa xác định được nội dung, phương pháp, cách học để tự mình làm chủ kiến thức, tự giải quyết vấn đề, nhất là với các câu hỏi mức độ vận dụng và vận dụng cao. Vì vậy, học sinh thường khó đạt được điểm tuyệt đối với môn học này.

Ngay từ khi ôn luyện, học sinh cần xác định rõ những thuận lợi, khó khăn và rào cản trong ôn luyện thi.

Mạch kiến thức môn Lịch sử mà thầy Hưởng cho rằng thí sinh cần chú trọng Ảnh: NVCC

Để ôn tập hiệu quả, học sinh cần xác định mạch kiến thức cần ôn luyện trong chương trình thi tốt nghiệp trung học phổ thông, dựa trên đề thi tham khảo mà Bộ Giáo dục và đào tạo đã công bố từ trước.

Theo đề tham khảo thì chương trình ôn luyện tập trung chủ yếu ở lớp 12, trừ phần giảm tải; lớp 11 chiếm khoảng 10 - 15% và chỉ tập trung vào một số vấn đề cơ bản liên quan đến Lịch sử lớp 12 như: Chiến tranh thế giới thứ nhất, Chiến tranh thế giới thứ hai, Cách mạng Vô sản ở Nga năm 1917, Quốc tế cộng sản, Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933, Nguy cơ và sự xuất hiện của chủ nghĩa phát-xít…

Dựa trên mạch kiến thức đã xác định để học sinh tập trung ôn luyện vì hiện nay là “thi gì học nấy”.

Thầy Hưởng gợi ý phương pháp ôn tập với môn Lịch sử. Ảnh: NVCC

“Ngoài ra, học sinh cần vận dụng một số phương pháp, kỹ thuật tiêu biểu đã được nhiều thầy cô ôn luyện tổng kết. Đơn cử, học sinh có thể vận dụng phương pháp, kỹ thuật “3 nhớ”, “3 phải”, “1 đừng quên”.

Trong đó, “3 nhớ” để chỉ ba điều thí sinh cần ghi nhớ. Thứ nhất là nhớ vận dụng linh hoạt công thức “5W - 2H”. Thứ hai là nhớ phác thảo các dạng “sơ đồ” kết hợp với “từ khóa” cốt lõi. Thứ ba là nhớ vận dụng các dạng “Format” (công thức) khi ôn tập”, thầy Hưởng chia sẻ.

Cụ thể, công thức “5W - 2H” có nghĩa là When - Where - Who - What - Why và 2 How như sau: When là xác định sự kiện lịch sử đã xảy ra khi nào, vào thời điểm, hoàn cảnh nào? Where là phải xác định, ghi nhớ được sự kiện lịch sử gắn với không gian nào, xảy ra ở đâu? Who là sự kiện lịch sử gắn liền với nhân vật, tổ chức, lực lượng, giai cấp, tầng lớp nào? What là xác định sự kiện lịch sử chứa đựng những nội dung gì nổi bật? 2 How là những dạng câu hỏi thường xuất hiện trong đề và cách trả lời cho từng câu hỏi.

Thầy Hưởng nhấn mạnh, nếu học sinh không vận dụng và lý giải được “Why” trong môn Lịch sử thì học sinh chỉ đang học thuộc lòng, “thuộc vẹt”, không khắc sâu, nhớ lâu được các sự kiện.

“3 phải” để chỉ ba điều mà học sinh phải làm khi ôn tập môn Lịch sử. Thứ nhất là phải phân biệt rõ nội hàm các “cụm từ” và “thuật ngữ” lịch sử cốt lõi khi ôn tập.

Một số cụm từ, thuật ngữ học sinh hay hiểu sai như con đường cứu nước và đường lối cứu nước; nhiệm vụ chiến lược và nhiệm vụ sách lược; cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới và cách mạng tư sản dân quyền; cách mạng tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng… Mĩ hóa, phi Mĩ hóa, Mĩ hóa trở lại, leo thang…

Những cụm từ, thuật ngữ dễ nhầm lẫn này sẽ khiến học sinh phân vân, không chắc chắn khi làm đề.

Thứ hai, học sinh phải xác định được các sự kiện lớn của lịch sử Thế giới có tác động đến lịch sử Việt Nam trong cùng thời kỳ.

Thứ ba, học sinh phải làm quen và luyện thành thạo các dạng câu hỏi thường gặp trong đề.

Có 6 dạng câu hỏi thường gặp trong đề thi trắc nghiệm môn Lịch sử.

Có 6 dạng câu hỏi thường gặp trong đề thi trắc nghiệm môn Lịch sử. Dạng 1 là lựa chọn đáp án đúng duy nhất, đây thường là câu hỏi nhận biết ở mức dễ.

Dạng 2 là lựa chọn đáp án đúng duy nhất, trong bốn phương án chỉ có một phương án đúng nhất, các phương án còn lại chỉ đúng một phần. Ở dạng câu hỏi này đã xuất hiện độ nhiễu nhất định đòi hỏi học sinh phải thật sự hiểu đúng, đủ vấn đề, nếu không rất dễ khoanh sai.

Dạng 3 là đọc hiểu một đoạn tư liệu lịch sử rồi lựa chọn đáp án.

Dạng 4 là loại câu hỏi lựa chọn đáp án đúng theo cấu trúc của câu hỏi phủ định.

Dạng 5 là yêu cầu thí sinh lựa chọn đúng ý kiến, phương án nhận xét, đánh giá về sự kiện lịch sử.

Dạng 6 là yêu cầu thí sinh lựa chọn đáp án đúng phương án liên quan đến so sánh; điểm giống, tương đồng; khác nhau về sự kiện, nhân vật lịch sử.

Cuối cùng, “1 đừng quên” là lưu ý đặc biệt trong quá trình làm bài, học sinh không được “bỏ quên” hay “bỏ sót” bất kỳ một câu hỏi nào. Dù câu hỏi có vượt quá phạm vi kiến thức và khả năng của bản thân thì cũng nên cố gắng tái hiện lại kiến thức đã được học, kết hợp thao tác tư duy để loại trừ những phương án “xa nhất” và chọn những phương án “gần nhất” theo cảm tính.

Thùy Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/chuyen-gia-chi-ra-chien-luoc-5w-2-how-khi-on-thi-tot-nghiep-thpt-mon-lich-su-post242469.gd