Chuyển động kịch tính của bàn cờ chính trị Đông Bắc Á

Đông Bắc Á đang diễn ra chuyển động kịch tính với việc các bên đi những nước cờ lợi dụng mâu thuẫn, cân bằng và đối trọng quyền lực... Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Seoul trong hai ngày 3-4/7, thúc đẩy quan hệ đối tác chính trị-kinh tế Trung-Hàn lên một tầm cao mới. Nhật Bản và Triều Tiên xích lại gần nhau với cái cớ giải quyết các vụ bắt cóc công dân Nhật Bản trong quá khứ, nhằm cải thiện quan hệ Tokyo-Bình Nhưỡng. Nhưng những sự chuyển động này sẽ thay đổi cục diện châu Á đến đâu thì vẫn cần kiểm chứng.

Ông Tập Cận Bình được chào đón tại Nhà Xanh, Seoul, ngày 3/7

Trung Quốc dùng “hợp tung” phá “liên hoành”

Cái chiêu mà nhà lãnh đạo Trung Quốc đang sử dụng tại Hàn Quốc không có gì mới nhưng vẫn có tác dụng. Chuyến thăm Seoul phản ánh các mối quan hệ ngày càng quan trọng giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, đồng thời cho thấy trục trặc trong quan hệ giữa Trung Quốc với Triều Tiên.

Hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc tái khẳng định mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, phản đối dứt khoát đối với bất kỳ vụ thử hạt nhân nào trong tương lai của Bình Nhưỡng. Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi nối lại đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên bị đình trệ từ cuối năm 2008. Đã có sự khác biệt, khi Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh việc Bắc Triều Tiên cần thể hiện bằng hành động thực chất chấm dứt tham vọng hạt nhân.

Hai bên thỏa thuận kinh tế rất quan trọng. Tổng trị giá thương mại hai chiều năm 2013 đạt khoảng 229 tỉ USD, vượt quá tổng trị giá thương mại giữa Hàn Quốc với Mỹ và Nhật Bản cộng lại; nhưng ông Tập Cận Bình vẫn mong muốn thúc đẩy mậu dịch lên hơn 300 tỉ USD. Hai bên thỏa thuận 90 chương trình hợp tác bao quát 23 lĩnh vực, cam kết hoàn tất đàm phán hiệp định tự do mậu dịch cuối năm nay, điều sẽ tạo sức ép không nhỏ lên Nhật Bản vào lúc chính quyền Shinzo Abe đang chơi con bài TPP.

Thỏa thuận đồng won Hàn Quốc sẽ trao đổi trực tiếp với đồng NDT khiến đồng tiền Trung Quốc trở thành đơn vị tiền tệ thứ nhì sau đô la Mỹ có thể trao đổi trực tiếp với đồng won. Trung Quốc cũng ưu đãi cho Hàn Quốc đầu tư hàng tỉ đô la vào trái phiếu và cổ phiếu trong thị trường tài chính Trung Quốc.

Trong các phát biểu trước công chúng tại Seoul, ông Tập Cận Bình chỉ trích các cuộc chiến tranh xâm lược của Nhật Bản nhằm vào Trung Quốc và Triều Tiên đầu thế kỷ trước.

Một số nhà quan sát chính trị Nhật Bản nhận xét rằng chuyến thăm của ông Tập có thể phát huy kiềm chế cánh hữu Nhật Bản. Các thỏa thuận về phi hạt nhân hóa cũng có thể góp phần quan trọng ổn định tình hình Bán đảo Triều Tiên trong thời gian trước mắt.

Tuy nhiên, ngoài sức mạnh kinh tế và quân sự, Bắc Kinh khó lòng phát huy sức mạnh mềm đang suy yếu do các hành động cưỡng bức trên Biển Đông. Hoạt động vượt ngưỡng văn hóa của các Viện Khổng Tử ngày càng gây nghi ngại cho các nước liên quan... Dư luận khó mà chấp nhận kiểu “nói lấy được” của người đứng đầu Trung Quốc rằng “trong giòng máu của dân tộc Trung Hoa không có gen xâm lược(!)”.

Nếu người Việt Nam có cái gen thù lâu, nhớ dai thì chẳng thể nào kể hết những điều tai ương mà 15 cuộc chiến tranh xâm lược do Trung Quốc tiến hành chống Việt Nam.

Mục tiêu của ông Tập Cận Bình là lôi kéo Hàn Quốc, ly gián quan hệ Hàn-Mỹ để phá chính sách“xoay trục” của chính quyền Barack Obama, với biện pháp cổ điển lấy “hợp tung” đối trọng với “liên hoành” như thời Xuân Thu chiến quốc. Làm suy yếu đồng minh Mỹ-Nhật-Hàn và tạo lập một bối cảnh địa chính trị mới ở khu vực sẽ cho phép Trung Quốc giữ vai trò chủ đạo ở Đông Bắc Á. Điều này thật không phải dễ vì sức mạnh mềm của Trung Quốc không thể thắng được của Mỹ. Ngoài ra, Mỹ là nhân tố quyết định kiềm chế Triều Tiên. Hàn Quốc chỉ đang áp dụng ngoại giao “đi trên dây”, lợi dụng cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, đi với Mỹ về an ninh và đi với Trung Quốc về kinh tế. Đàng sau sự nhũn nhặn của bà Park Geun-hye là một lập trường nguyên tắc dựa trên tính toán tối đa hóa lợi ích quốc gia của Hàn Quốc. Trung Quốc nếu bỏ "người anh em" Triều Tiên thì sẽ mất một con mặc cả lớn, trước hết là với Mỹ. Ngoài ra, đối với Hàn Quốc, Mỹ là nhân tố quyết định kiềm chế Triều Tiên, còn Trung Quốc vẫn là một đối tác chưa được thử thách.

Nhật-Triều áp dụng kinh nghiệm MIA Việt-Mỹ?

Trong khi quan hệ Trung-Hàn ấm lên, quan hệ Trung-Triều vẫn lạnh nhạt. Nó trở nên căng thẳng sau khi Bình Nhưỡng thanh trừng Jang Song-thaek, đứng đầu phe thân Bắc Kinh, và bỏ qua ý kiến của Bắc Kinh khi tiến hành vụ thử hạt nhân hồi tháng 2 năm ngoái. Cho đến thời điểm này vẫn chưa có cuộc gặp nào giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong khi Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Hàn Quốc đã có 5 cuộc tiếp xúc trực tiếp.

Trong tuần qua, Bình Nhưỡng đã ba lần phóng tên lửa tầm ngắn và đích thân ông Kim Jong-un chỉ đạo một cuộc tập đổ bộ lên đảo trên vùng biển Bắc Triều Tiên. Đây được cho là cách bày tỏ sự không hài lòng của Triều Tiên trước chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc đến Hàn Quốc.

Bình Nhưỡng không thụ động trong cuộc chơi ngoại giao tổng hợp, đã tìm đến Nga và Nhật Bản như hai đối tác hỗ trợ và đầu tư... Có thể còn nhằm tìm kiếm những bên chống lưng trong tình hình mới.

Sau khi Triều Tiên và Nhật Bản tiến hành một cuộc họp liên chính phủ ngày 1/7 tại Bắc Kinh, Triều Tiên đã thành lập “Ủy ban điều tra đặc biệt” có nhiệm vụ điều tra các vụ bắt cóc công dân Nhật Bản trong quá khứ.

Năm 2002, Triều Tiên thừa nhận đã bắt cóc 13 người Nhật Bản trong giai đoạn từ năm 1970 đến 1980, trong đó 8 người đã qua đời tại Triền Tiên, 5 người còn lại đã được trả về Nhật Bản. Trong khi đó, Tokyo cho rằng có 17 người Nhật Bản đã bị bắt cóc, đồng thời yêu cầu Bình Nhưỡng tiếp tục điều tra và trao trả những công dân Nhật Bản mà Tokyo cho là hiện vẫn sống tại Triều Tiên.

Hai bên dường như đang áp dụng cách thức mà Mỹ và Việt Nam từng kiên nhẫn tiến hành về vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA) làm xúc tác từng bước cải thiện quan hệ Mỹ-Việt.

Nhật Bản thực hiện nới lỏng một số biện pháp cấm vận và có thể nối lại viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên, trong nỗ lực “hành động đổi lấy hành động”. Ngoại trưởng Triều Tiên và Nhật Bản có thể gặp nhau bên lề Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) tại Mianma vào tháng 8 tới. Đó có thể là bước đệm cho cuộc gặp thượng đỉnh Nhật-Triều. Theo một nguồn tin Triều Tiên, Thủ tướng Abe có thể sẽ thăm Triều Tiên “sớm nhất là tháng 9/2014 và chậm nhất là cuối năm”. Điều mà Bình Nhưỡng trông đợi là dùng quan hệ với Nhật Bản như đòn bẩy để phá thế cô lập sau vụ thử hạt nhân đầu năm 2013.

Washington đã không chậm trễ lên tiếng hoan nghênh những phát triển mới trong quan hệ Nhật-Triều. Nhưng hẳn cũng không quên rằng Triều Tiên từng dùng những mẹo nhỏ để dắt con trâu lớn hạt nhân qua rào.

Trung Quốc là động lực của những biến đổi trên. Nhưng Nhật Bản cũng đang trở thành một động lực mới. Tình hình quan hệ Đông Bắc Á một lần nữa cho thấy, một quốc gia mà vận dụng được các con bài chiến lược thì có đòn bẩy để tối đa hóa lợi ích quốc gia của mình./.

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.gov.vn/sites/vi-vn/details/6/y-kien-binh-luan/125223/chuyen-dong-kich-tinh-cua-ban-co-chinh-tri-dong-bac-a.aspx