Chuyển động để sinh sôi

Ngày bé, tôi mê chơi đánh vụ. Con vụ (miền Bắc gọi con quay).

Ảnh minh họa.

Cùng những viên bi đỏ xanh, cặp dùi đánh trỏng (đánh cù) hay chiếc ná cao su là những vật bất li thân của một thời ấu thơ quê; đi học, đi chơi đều nhớ mang theo. Và bây giờ đã lớn vẫn mang theo; dẫu chỉ còn mang theo vào những giấc mơ tâm tưởng…

Thời ấy, vụ được tiện bằng gỗ. Con vụ tròn, trơn láng hình chóp nón. Đầu chóp, cắm cây đinh mài nhọn để làm “chân”. Thân vụ sơn nhiều màu. Không cần sơn giáp vòng quanh thân, chỉ một bệt sơn - lúc quay - vụ sẽ cho ta chiêm ngưỡng một vòng màu “vô tư” liền lạc! (Sau này, khi lớn hơn, học vật lí mới biết đó là nhờ hiện tượng lưu ảnh của mắt. Nhưng thuở còn mù tịt, chưa biết ất ơ gì cái vụ… 24 hình/giây kia – thì hiện tượng “điểm màu” bỗng chốc hóa trang thành “vòng màu” trong cái tiểu - vũ - trụ vần - xoay trước mắt trẻ thơ quả là kì diệu. Thế mới biết, khoa học đôi khi cũng… “làm buồn” mộng mơ không ít. Người lớn kém… dễ thương hơn trẻ con, phải chăng, vì bị tri thức bào mòn bớt mộng mơ?).

Bắt đầu, người chơi vụ dùng một đoạn dây nhợ quấn vòng quanh thân (quấn cẩn thận, lớp lang, đừng cho vướng; nếu vướng, sẽ không tung vụ được). Một tay cầm vụ, hai ngón kẹp chặt đầu dây, người chơi tung vụ xuống nền xi măng; ngón tay giữ đầu dây, lôi ngược. Tung thành công, vụ lao xuống, lảo đảo vài vòng rồi bắt đầu quay. Chế tác đúng tiêu chuẩn, người tung có “nghề”, nền xi măng trơn láng vụ sẽ quay rất “bình”, rất lâu. Con vụ “bình” - tức đạt trạng thái cân bằng tối ưu – quay mạnh, quay nhanh mà nhìn qua cứ ngỡ… đứng yên (thi đánh vụ, đáng gờm là những con vụ quay như thể đứng yên; chứ con nào quay mà thấy… đang quay thì kể như thua chắc!).

Chỉ bằng một chân, duy nhất một chân… không, đúng hơn, chỉ bằng một mũi chân mà vụ lại có thể đứng yên. Diệu kì chưa! Đứng yên nhờ đâu? Nhờ… chuyển động! Cùng cực tĩnh chứa cùng cực động, tư tưởng tuyệt vời mang sắc thái triết học Đông phương ấy - không ngờ - lại tồn tại, được minh chứng từ một con vụ đang quay! Mà đúng, khi tốc độ quay dần giảm - nghĩa là trạng thái động của vụ bắt đầu yếu đi - thì cái tĩnh kia cũng không còn bền vững. Lúc này, ta dễ dàng nhận ra vụ đang quay qua sự đảo chao, qua tính kém liền lạc của những vòng màu…

Ấy là những ngẫm nghĩ của tôi khi đã quá nửa đời người, chứ ngày bé thì chỉ biết say mê cái trạng thái diệu kì của món đồ chơi. Nhìn con vụ đứng bất động một chân mà tha hồ tưởng tượng, mộng mơ - cứ mong nó quay mãi, quay hoài để có thể đứng mãi trên mũi chân, đừng bao giờ ngã! Có lần, tôi đem cái mong ước “không bao giờ ngã” thỏ thẻ với cha. Cha cười, bảo: Vụ cũng như người… Sao lại như người hở cha? Con biết vụ không ngã nhờ đâu không? Nhờ… nó quay! Đúng, nếu nó quay, “làm siêng” quay, nó sẽ không bao giờ ngã. Người cũng vậy, người siêng làm lụng, học hành sẽ không bao giờ ngã. Chỉ người làm biếng mới ngã thôi…

Ảnh minh họa: ITN

Nghe cứ tưởng cha “lợi dụng tình thế” để “hù” (dọa) tôi về hậu quả của tính lười học ham chơi (nói đáng tội, lúc nhỏ thật tình tôi cũng có… hơi lười thật!). Vậy nhưng sau này lớn lên, càng nhìn xa ra thế giới mới càng tin cha tôi nói đúng. Đông hay Tây, kim hay cổ, thành công luôn chỉ đến với những con người chịu miệt mài làm việc, chăm chỉ siêng năng. Nhác làm ham chơi, không muốn nỗ lực thì “ngã” là chuyện đương nhiên; một thứ đương nhiên có xác suất gần như tuyệt đối! Đừng mơ đến chuyện lười biếng sẽ được đổi đời nhờ… trúng số.

Người siêng năng, cần kiệm mới giữ được tiền trúng số; kẻ lười thì không. Nhàn cư vi bất thiện, chẳng mấy chốc, số của trời cho kia trong tay kẻ lười sẽ dần đội nón ra đi để “mèo lại hoàn mèo”. Tệ hơn, có khi nó còn đẩy con người vào ngõ cụt: Ngã luôn xuống bùn không thể gượng dậy! Cho dù là con cái “đại gia” xuất thân tiền ròng bạc chảy, nếu không muốn làm việc lâu cũng sẽ “miệng ăn núi lở”, dần ngã vô chốn bần hàn. Còn nếu xuất thân bần hàn? Đương nhiên kết cục không đi… ăn mày hoặc trộm cướp mới chuyện lạ!

Ấy mới nói chuyện vật chất. Nhưng sang phương diện tinh thần, kì lạ chưa, cái lí quay không bị ngã vẫn cứ đúng! Hoạt động/lao động tích cực hợp lí giúp con người thoát ra khỏi những nghĩ suy tiêu cực hoặc ám ảnh buồn rầu bế tắc. Đó là điều mà bất cứ người trưởng thành nào cũng có dịp trải nghiệm nhiều lần trong đời. Câu nói cửa miệng thường nghe của thế gian: Vùi đầu vào công việc để quên… chính là đang diễn tả hiệu ứng đó.

Động thái quay trong trường hợp này thành “một mũi tên bắn trúng hai đích”, hiệu quả nhân đôi: Vừa tạo ra sản phẩm (công việc) vừa thoát được muộn phiền. Nữa, nhìn lên phạm trù “trừu tượng” hơn, cuộc sống luôn tồn tại, nảy nở sinh sôi trong thế “động”. Bất động (tuyệt đối) đồng nghĩa với cái chết. Không riêng gì động/thực vật, ngay tư tưởng nhân sinh cũng vậy. Kiểu tư tưởng “một chiều” cứng nhắc, không có cách tiếp cận mềm - đi xa hơn cái giới hạn của ngôn ngữ - sớm muộn cũng bị loại thải khỏi túi khôn của nhân gian, biến thành tư tưởng chết. Nhan nhản những thứ lí thuyết một thời được tung hô, giờ bị gắn cho cái mác lỗi thời đem xếp xó chứng minh hùng hồn cho điều đó…

Quay lại chuyện cũ ngày bé, chẳng biết đầu óc trẻ thơ của tôi “ngộ” được bao nhiêu từ câu nói của cha, nhưng từ bữa ấy, hình như tôi làm lụng, học hành siêng năng hơn. Cha tôi không được học bao nhiêu, nhưng, ngẫm ra, mới thấy ông là một “nhà giáo dục” đại tài!

Bài học của cha tôi còn nhớ, còn dùng mãi đến hôm nay. Đôi khi, giữa nghiệt ngã đời thường thấy bất lực, nản lòng muốn buông xuôi, nhưng khi chợt nhớ ra mình là con vụ, tôi lại cố gượng quay – quay để giữ mình không ngã. Và những lúc ấy, từ tâm linh sâu thẳm, bất chợt tôi nhìn ra bóng dáng cha tôi. Người đang cúi xuống tôi với nụ cười an ủi, yêu thương. Tai tôi dường như văng vẳng câu nói năm xưa: Vụ cũng như người…

Y Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuyen-dong-de-sinh-soi-post642652.html