Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Xu thế cho phát triển bền vững

Chuyển đổi số đang là xu hướng, mở ra nhiều cơ hội, tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Trong đó, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, phân phối nông sản đang trở thành xu thế tất yếu của ngành Nông nghiệp và nông dân.

BẮT KỊP XU HƯỚNG

Những năm qua, Tiền Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp, bước đầu đã mang lại một số kết quả thiết thực, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.

Để tiến tới chuyển đổi số nông nghiệp một cách toàn diện, hiệu quả, cần thiết phải đồng hành cùng nông dân, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất. Nông dân trong chuyển đổi số nông nghiệp không chỉ đóng vai trò chủ lực, mà còn là nhóm người cần được quan tâm. Phần lớn nông dân hiện nay đang sử dụng thường xuyên thiết bị điện thoại thông minh. Vì vậy, việc áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân sẽ dễ dàng tiếp cận trong sản xuất và kinh doanh mua bán sản phẩm.

Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang triển khai thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, việc áp dụng chuyển đổi số sẽ mang đến những giá trị mới và bền vững cho sản xuất nông nghiệp. Việc áp dụng các công nghệ số trong nông nghiệp tăng lên làm thay đổi cách nông dân quản lý cây trồng, vật nuôi; nhiều công nghệ số mới được áp dụng vào hoạt động sản xuất như: Phun thuốc bằng máy bay, tưới thông minh, quản lý dịch bệnh thông qua phần mềm… cho hiệu quả năng suất, chất lượng sản phẩm ngày càng tốt hơn, góp phần đưa nền nông nghiệp của tỉnh dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại.

Đại dịch Covid-19 là một tai họa của thế giới nhưng cũng từ đây đã đẩy nhanh tốc độ ứng dụng các công nghệ mới vào nông nghiệp, thay đổi dần thói quen buôn bán truyền thống sang buôn bán trên các sàn giao dịch điện tử, với không gian và thời gian không giới hạn, nông dân số đã bắt đầu quen với phương pháp mua bán này… Bên cạnh việc tận dụng nền tảng trực tuyến để kết nối tiêu thụ nông sản, thì công nghệ thông tin còn giúp nông dân tiếp cận dữ liệu về khoa học - kỹ thuật mới, thay đổi quy trình sản xuất theo hướng hiện đại, tìm kiếm thị trường và quảng bá sản phẩm.

TỪNG BƯỚC TRIỂN KHAI

Cùng với các cấp, các ngành, Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang cũng tham gia vào quá trình chuyển đổi số của tỉnh và xác định chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu tạo ra giá trị gia tăng mới cho nông sản, tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, kết nối giữa người sản xuất với tiêu dùng, giữa doanh nghiệp với nông dân.

Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Bưu điện tỉnh Tiền Giang về hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2025; ký kết thỏa thuận với Trung tâm Kinh doanh VNPT Tiền Giang về chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2026; ký biên bản thỏa thuận hợp tác với Mobifone Tiền Giang về truyền thông, tư vấn các ứng dụng chuyển đổi số cho nông dân…, với 95% cán bộ Hội Nông dân cấp huyện, Hội Nông dân cấp cơ sở, chi hội trưởng, chi hội phó, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác, chi tổ hội nông dân nghề nghiệp; hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu xuất sắc, hội viên, nông dân đã được tập huấn kiến thức khai thác việc sử dụng sàn thương mại điện tử.

Các sản phẩm trái cây chủ lực của Tiền Giang đã được hỗ trợ kết nối, tiêu thụ trên nền tảng số.

Các cấp Hội Nông dân còn tích cực tuyên truyền, hỗ trợ hội viên, nông dân trong việc nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, hướng dẫn nông dân trực tiếp tham gia xây dựng dữ liệu số về nông nghiệp như cây trồng, vật nuôi, thủy sản, đất đai. Hơn 80% văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Hội Nông dân cấp tỉnh, cấp huyện được cập nhật kịp thời trên trang thông tin điện tử của Hội, mạng xã hội; hỗ trợ cho 1.000 hộ sản xuất nông nghiệp đăng bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, góp phần đưa 125/203 sản phẩm OCOP, 112 sản phẩm của địa phương lên các nền tảng số, giúp nông sản được bày bán trên các sàn thương mại điện tử với mức giá ổn định.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Hồng Phượng cho rằng, chuyển đổi số diễn ra nhanh hay chậm không phụ thuộc vào tiến bộ công nghệ, mà phần lớn phụ thuộc vào người dùng công nghệ, vào kỹ năng số của người dân. Thiết nghĩ, thành công của chuyển đổi số sẽ dành cho người dám nghĩ, dám làm và dám tạo ra sự khác biệt. Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ góp phần xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp, sáng tạo dựa trên tinh thần hợp tác, chia sẻ, cùng nhau phát triển nông nghiệp thông minh, làm cho nông dân giàu có và xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Thị Bé Bảy cho biết, hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lập Dự án Hệ thống thông tin ngành Nông nghiệp để phục vụ công tác quản lý, điều hành và nhu cầu của người dân. Từ đó, người dân có thể xem, theo dõi toàn bộ thông tin về hoạt động ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn một cách thuận tiện và nhanh chóng thông qua điện thoại thông minh có kết nối Internet.

Ngoài ra, mọi thắc mắc của người dân sẽ được giải đáp thông qua Tổng đài 1022 hoặc đặt câu hỏi trực tiếp thông qua ứng dụng được tích hợp sẵn. Đồng thời, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất lao động; tăng cường chất lượng sản phẩm; giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do biến đổi khí hậu và giúp nông dân kết nối trực tiếp với người tiêu dùng.

NHỮNG TỒN TẠI, THÁCH THỨC

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Phượng nhận định, hiệu quả là vậy nhưng đến nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều thách thức cần giải pháp đường dài, nhất là vấn đề nhận thức; đã là thói quen thì không thể thay đổi trong một thời gian ngắn, nông dân vẫn giữ cách thức sản xuất và mua bán theo phương pháp cũ; vốn thấp, chi phí cao nên có một số nông dân tâm huyết nhưng bị vướng về vốn; thiếu một sự định hướng và tuyên truyền cụ thể để hướng dẫn cho nông dân.

Do đó, để nông dân thích ứng nhanh với chuyển đổi số trong nông nghiệp, rất cần có sự vào cuộc của nhiều ngành, cùng chung tay tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện để nông dân ứng dụng tốt chuyển đổi số. Nông dân với sự năng động của mình phải chủ động học hỏi, mạnh dạn tìm kiếm những công nghệ mới để ứng dụng vào sản xuất và buôn bán kinh doanh.

Chuẩn bị phun thuốc cho vườn sầu riêng ở huyện Cai Lậy bằng thiết bị máy bay không người lái. Ảnh: TUẤN LÂM

Đồng quan điểm trên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăng Hưng Phước (huyện Chợ Gạo) Lê Hồng Lữ cho biết, việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hiện nay còn khá mới nên nhận thức của hầu hết các địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là nông dân còn hạn chế, chưa thấy được vai trò, tầm quan trọng và sức ép của việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp. Điều này gây khó khăn cho việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ số trong ngành Nông nghiệp.

Cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập, việc thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng, hệ thống dữ liệu số hóa đồng bộ, hiện đại. Tuy nhiên, chi phí 3G, 4G còn cao, chưa tạo cơ hội cho nông sản vùng sâu, vùng xa kết nối trực tiếp với hệ thống thương mại điện tử. Do đó, việc tiếp cận công nghệ số và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Hệ thống dữ liệu để tích hợp và chia sẻ tồn tại ít hoặc không đáp ứng được các yêu cầu về kết nối, truyền thông.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp, hộ sản xuất phần lớn chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số do chưa có cơ sở dữ liệu lớn phục vụ sản xuất, thiếu minh bạch về nguồn gốc sản phẩm và thiếu kết nối chia sẻ thông tin của các giai đoạn: Sản xuất, quản lý, logistics, thương mại nông sản. Chính sách chuyển đổi số trong nông nghiệp chưa phù hợp và kịp thời so với thực tế. Trong đó, chính sách tín dụng hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao mới chủ yếu dành cho doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp cũng khó tiếp cận do thủ tục rườm rà. Hơn nữa, chưa có chính sách khuyến khích giao dịch điện tử tiếp cận khách hàng quốc tế…

Chất lượng nguồn nhân lực chuyên môn còn hạn chế. Trong nông nghiệp số, ngoài tư liệu sản xuất truyền thống, nông dân còn phải sử dụng dữ liệu và công nghệ số. Vì vậy, ngoài kỹ năng sản xuất, nông dân cần thêm kiến thức và kỹ năng về kinh doanh, công nghệ, kỹ thuật số và công nghệ sinh học… Tuy nhiên, số lượng nông dân ở nước ta có trình độ khoa học công nghệ còn ít. Ngoài ra, hầu hết nông dân chưa được đào tạo bài bản về chuyển đổi số nên khó thao tác và đánh giá hiệu quả. Có thể nói, rào cản này đang là trở ngại lớn cho việc triển khai công nghệ số trong ngành Nông nghiệp những năm tới.

MINH QUANG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-quyen-dien-tu/202311/chuyen-doi-so-trong-nong-nghiep-xu-the-cho-phat-trien-ben-vung-997059/