Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp: Cần sự chung tay của người dân

Thay đổi tập quán sản xuất, quản lý dịch hại, tiết kiệm chi phí sản xuất và công lao động, kết nối tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho nông sản,... là hiệu quả của việc chuyển đổi số (CĐS) mang lại cho ngành Nông nghiệp tỉnh Long An thời gian qua.

Kết quả bước đầu

Điểm khác biệt cơ bản giữa nông nghiệp số và nông nghiệp truyền thống chính là việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số (dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet vạn vật,...) vào toàn bộ hoạt động của ngành, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh. Hiện nay, ngành Nông nghiệp tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật trong việc ứng dụng công nghệ số trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Bí thư Đảng ủy xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành - Châu Văn Thêm cho biết: “Dương Xuân Hội là một trong những địa phương được ngành Nông nghiệp chọn làm điểm thực hiện CĐS trên lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, xã phối hợp các cấp, các ngành mời các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và doanh nghiệp (DN) sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia tập huấn, hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp đăng ký tài khoản; đem sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (TMĐT); giới thiệu truy xuất nguồn gốc bằng tem điện tử, trong đó, chọn trái thanh long tươi của Hợp tác xã Dương Xuân và thanh long sấy Long Châu để giới thiệu trên sàn TMĐT.

Ngoài ra, xã còn cử cán bộ tham gia tập huấn Chương trình OCOP và xây dựng nhãn hiệu hàng hóa do Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh tổ chức tại huyện. Điểm nổi bật trong công tác CĐS trên lĩnh vực nông nghiệp của xã là thay đổi được nhận thức, tập quán canh tác của nông dân, giúp họ hiểu được lợi ích khi ứng dụng công nghệ số vào sản xuất cũng như sinh hoạt”.

Đa số nông dân xã Nhơn Hòa Lập đều ứng dụng thiết bị bay không người lái vào sản xuất lúa

Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Xuất nhập khẩu nông sản Long Châu (xã Dương Xuân Hội) - Nguyễn Ngọc Phan là một trong những doanh nhân tiêu biểu mạnh dạn ứng dụng công nghệ số trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn TMĐT. Anh Phan chia sẻ: “Hiện, công ty tôi thành lập trang web http://thanhlongsaylongchau.com để quảng bá về các sản phẩm. Khách hàng có thể vào đây để tìm kiếm sản phẩm và đặt hàng. Ngoài ra, công ty cũng tham gia các sàn TMĐT khác. Ứng dụng công nghệ số vào quảng bá sản phẩm, giúp công ty tiết kiệm chi phí, thời gian và công sức bởi hiện nay hầu hết người dân đều thích mua hàng trên mạng”.

Nếu trước đây, đến thời điểm phun thuốc trừ sâu cho trên 5ha lúa, ông Lê Hoàng Oanh (xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh) phải "chạy ngược, chạy xuôi" tìm công lao động. Còn nay, chỉ cần liên hệ với Hợp tác xã Nông nghiệp Hoàng Gia (xã Nhơn Hòa Lập) sẽ có nhân viên đem thiết bị bay không người lái đến phun thuốc. Ông Oanh bộc bạch: “Lúc trước phun thuốc, nông dân phải canh thời tiết, mướn nhân công, đủ thứ công việc phải lo. Bây giờ thì chỉ cần chuẩn bị thuốc là có người đem thiết bị bay không người lái đến phun. Chi phí phun thuốc chỉ có 120.000 đồng/ha, thấp hơn 80.000 đồng/ha so với cách phun truyền thống, quan trọng là bảo vệ được sức khỏe và môi trường. Đa số nông dân trên địa bàn xã đều thuê thiết bị bay không người lái để phun thuốc cho lúa”.

Trong lĩnh vực thủy sản, CĐS được thực hiện mạnh mẽ thông qua việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong nuôi tôm, giúp phân tích dữ liệu về chất lượng nước, quản lý thức ăn của tôm. Hiện, tỉnh thực hiện 2 mô hình trình diễn Nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 thông qua sử dụng điện thoại thông minh để quản lý các nguồn thiết bị điện (máy quạt, máy sục khí, máy cho ăn) trong ao nuôi tôm tại huyện Cần Đước và Tân Trụ. Mô hình này giúp giảm chi phí, tiết kiệm nhân lực, thời gian, bảo đảm chất lượng, tăng hiệu quả và bền vững.

Lĩnh vực thủy lợi ứng dụng công nghệ số để thực hiện quan trắc tự động, theo dõi giám sát tự động mực nước, độ mặn. Hiện tại, tỉnh theo dõi quản lý 35 trạm đo mực nước tự động và 13 trạm đo mặn tự động trên các tuyến sông, kênh chính, các kênh thuộc hệ thống khu tưới Đức Hòa - dự án thủy lợi Phước Hòa để phục vụ công tác giám sát, dự báo tình hình mực nước, độ mặn và công tác quản lý, vận hành hệ thống công trình thủy lợi.

Tiếp tục nỗ lực

Hiện nay, tỉnh triển khai, thực hiện ứng dụng công nghệ số trong quản lý chỉ dẫn địa lý nhằm thúc đẩy sức cạnh tranh, giá trị sản phẩm của các nông sản chủ lực như thanh long (huyện Châu Thành), chanh không hạt (huyện Bến Lức), khoai mỡ Bến Kè (huyện Thạnh Hóa), nếp (huyện Thủ Thừa). Ngoài ra, công nghệ số còn được ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc nông sản (thông qua tem truy xuất nguồn gốc) đối với sản phẩm; chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm chủ lực, tiêu biểu của ngành; chuỗi sản xuất nông sản an toàn (mã QR, Blockchain,...).

Ngành Nông nghiệp đang hỗ trợ 1.761.000 tem điện tử truy xuất nguồn gốc bằng mã QR đối với 14 cơ sở đã được xác nhận chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn và 300.000 tem truy xuất nguồn gốc cho 17 cơ sở có sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm; đồng thời, hỗ trợ DN, hợp tác xã kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản với DN trong và ngoài tỉnh trên các sàn TMĐT như https://nongsanantoanlongan.vn, https://htx.cooplink.com.vn; Postmart, Voso,...

Trao chỉ dẫn địa lý trái thanh long Châu Thành

Việc chủ động ứng dụng công nghệ số vào quản lý, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho thấy tỉnh đang dần chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, sản xuất nông nghiệp ngày một hiệu quả và bền vững hơn. Để CĐS trong nông nghiệp thuận lợi hơn, cần sự vào cuộc, phối hợp của các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương và đặc biệt là nông dân phải sẵn sàng thay đổi tư duy, tiếp cận khoa học, công nghệ. Vì vậy, để CĐS trong nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, tỉnh cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: "Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các địa phương, DN, nhất là nông dân về vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hội nghị, hội thảo, mô hình khuyến nông, tuyên truyền về sự cần thiết cũng như vai trò, lợi ích của ứng dụng công nghệ số vào quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu, công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế. Đẩy nhanh xây dựng hệ thống dữ liệu ngành Nông nghiệp, nhất là dữ liệu cây, con, vùng trồng, số lượng sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp; đồng thời, kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước đối với ngành Nông nghiệp. Nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân. Triển khai công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ công nghệ thông tin, CĐS, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, khai thác dịch vụ số cho nông dân, chủ trang trại. Từ đó, người sản xuất sẽ nâng cao kỹ năng quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện để nông dân tiếp cận trực tiếp với khách hàng, hiểu và nắm rõ nhu cầu, xu hướng tiêu dùng của thị trường để tổ chức sản xuất hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của thị trường”./.

Lê Ngọc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-nong-nghiep-can-su-chung-tay-cua-nguoi-dan-a145849.html