Chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa

Từ ngày 26 - 29/10, tại thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, Cục Di sản Văn hóa tổ chức Tập huấn ngành Di sản văn hóa năm 2023 và Hội thảo khoa học 'Chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa'.

Giám đốc Hoàng Việt Trung trình bày tham luận tại hội thảo

Tham dự có gần 400 đại biểu là đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao của 63 tỉnh/thành phố; các Bảo tàng trong hệ thống Bảo tàng Việt Nam, Trung tâm quản lý di tích, Di sản thế giới; đại diện Trường đại học Văn hóa Hà Nội, Trường đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Bảo tồn Di tích, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam. Đoàn công tác của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (TTBTDTCĐ) Huế tham dự do Giám đốc Hoàng Việt Trung, làm trưởng đoàn.

Hội nghị Tập huấn ngành Di sản văn hóa với các nội dung quan trọng: Quản lý, bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh; Hướng dẫn triển khai thực hiện Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính Hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đối với lĩnh vực quản lý di tích; Vai trò của việc chuẩn bị nội dung trưng bày trong quá trình thực hiện dự án xây dựng và trưng bày bảo tàng; Việc bảo vệ và phát huy giá trị Di sản tư liệu sau khi được kiểm kê, công nhận và Số hóa Di sản văn hóa - định hướng và triển khai,...

Dịp này, Hội thảo khoa học “Chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa” cũng được chia nhóm theo lĩnh vực liên quan, gồm: Di sản văn hóa phi vật thể; Di tích; Bảo tàng và Di sản tư liệu với các nội dung: Chuyển đổi số trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể; Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa - những vấn đề đặt ra trong thực tiễn; Chuyển đổi số và hoạt động của bảo tàng, giới thiệu Tiêu chuẩn Việt Nam, nhận diện Di sản tư liệu.

Ứng dụng số hóa tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế

Tại Hội thảo, Giám đốc Hoàng Việt Trung có tham luận về “Vấn đề hợp tác công - tư trong hoạt động bảo tồn Di sản văn hóa, Quỹ bảo tồn Di sản văn hóa”. Chia sẻ về việc thành lập Quỹ bảo tồn Di sản và một số cơ chế đặc thù; những thuận lợi và khó khăn về hợp tác công - tư trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa.

Đến nay, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã tổ chức lại phương thức quản lý và khai thác dịch vụ theo hướng vừa tự chủ động vừa kết hợp tăng cường kêu gọi xã hội hóa khai thác dịch vụ tại khu di tích. Nghiên cứu thí điểm xây dựng các đề án, dự án lớn về Hợp tác công - tư, liên danh liên kết, cho thuê tài sản công nhằm kêu gọi nguồn lực lớn từ cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng khai thác phát huy giá trị di sản, tạo sản phẩm dịch vụ mới, chất lượng cao thu hút du khách và tăng thu cho ngân sách.

Giám đốc Hoàng Việt Trung cũng có những kiến nghị cụ thể về cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả hợp tác công - tư trong hoạt động bảo tồn Di sản văn hóa. Hoàn thiện khung pháp lý cho hình thức đầu tư theo phương thức Hợp tác công - tư (PPP): Trước hết cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2015/NĐ- CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ theo hướng tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện. Tiến tới ban hành luật đầu tư theo hình thức đối tác công - tư để tạo khung pháp lý đủ mạnh và ổn định làm cơ sở triển khai hiệu quả mô hình hợp tác công - tư. Bổ sung hoàn thiện Luật Tài sản công và Nghị định số 151/2017/NĐ- CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, bổ sung hướng dẫn quy định cụ thể về khai thác hạ tầng Di sản văn hóa thế giới.

LIÊN MINH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/du-lich/di-san-van-hoa/chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-di-san-van-hoa-134278.html