Chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp

Ngày 14/11, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Hải Dương đã sơ kết hoạt động chuyển đổi số trong 10 tháng năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2 tháng cuối năm và kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn trong năm tới.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Hải Dương Trần Đức Thắng phát biểu tại buổi làm việc.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Hải Dương Trần Đức Thắng đánh giá cao kết quả thực hiện chuyển đổi số của các sở, ngành, địa phương thời gian qua góp phần nâng cao đời sống người dân cũng như hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Để đẩy mạnh chuyển đổi số, người đứng đầu tỉnh Hải Dương yêu cầu, Ban cán sự Đảng UBND chỉ đạo UBND tỉnh, cơ quan chức năng, cá nhân có liên quan khẩn trương khắc phục hạn chế đã nêu ra. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Sở Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư phối hợp, chuẩn bị nguồn lực đẩy nhanh tiến độ công việc. Sở Nội vụ điều chỉnh biên chế trong hệ thống chính trị, giữa sở, ngành theo đề án việc làm để bố trí, sắp xếp tuyển dụng, bổ sung thêm cán bộ, chuyên viên về công nghệ thông tin thực hiện tốt kế hoạch đề ra.

Để xây dựng kho dữ liệu dùng chung, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đề nghị, các sở, ngành, địa phương tích cực vào cuộc và cần có chế tài quy định rõ trách nhiệm từng cá nhân, đơn vị trong triển khai nhiệm vụ được giao với mục tiêu đẩy nhanh cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng tăng cường công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng và bảo mật thông tin.

Ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghệ BKAV tư vấn về việc điều chỉnh “Đề án tổng thể về chuyển đổi số giai đoàn 2023-2025, định hướng đến năm 2030” của tỉnh Hải Dương.

Cũng tại cuộc họp, ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghệ BKAV (đại diện đơn vị tư vấn cho Hải Dương) cho biết, trong buổi làm việc giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hải Dương, Bộ đã giao cho BKAV tư vấn, hỗ trợ tỉnh xây dựng “Đề án tổng thể về chuyển đổi số giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030”. Doanh nghiệp đã tư vấn cho Hải Dương điều chỉnh đề án của tỉnh phù hợp mô hình đang triển khai và sẽ tích hợp được mô hình kiến trúc, mô hình giải pháp công nghệ và tích hợp dữ liệu cho hệ thống.

Với đề án điều chỉnh, khi áp dụng công nghệ hiện đại sẽ loại bỏ một số dự án thành phần; tổ chức, quản trị kho dữ liệu chung với từng trường dữ liệu cho từng ngành và sẽ điều hành, khai thác tốt hơn; kinh phí thực hiện giảm từ 3.800 tỷ đồng xuống chỉ còn trên 2.000 tỷ đồng…

Theo ông Nguyễn Cao Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy viên Thường trực, Thư ký Ban chỉ đạo, đến nay, Đề án “Xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030" được triển khai rất tích cực. Đề án gồm 23 dự án thành phần (6 dự án thực hiện theo nguồn vốn đầu tư ngân sách tỉnh, 15 dự án theo nguồn vốn sự nghiệp và các nguồn vốn huy động khác, 2 dự án theo nguồn ngân sách của thành phố Hải Dương và thành phố Chí Linh).

Kết thúc giai đoạn 1, các dự án: “Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin cho chính quyền điện tử và đô thị thông minh” (Dự án DC), “Xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh Hải Dương” (Dự án IOC), “Xây dựng Trung tâm giám sát an ninh không gian mạng” (Dự án SOC) đã được Sở Thông tin và Truyền thông ký hợp đồng với các nhà thầu triển khai thực hiện. Trong đó, Dự án DC hoàn thành việc lắp đặt thiết bị, cấu hình toàn bộ hệ thống và đang tiến hành cài đặt các hệ thống thông tin, phần mềm, cơ sở dữ liệu của tỉnh lên vận hành thử nghiệm tại Trung tâm dữ liệu DC và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 11/2023.

Các đại biểu kiểm tra Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh.

Sau khi hoàn thành Trung tâm dữ liệu DC, Hải Dương sẽ tổ chức chuyển toàn bộ các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng và cơ sở dữ liệu của tỉnh như: Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, hệ thống Cổng thông tin điện tử, hệ thống quản lý văn bản, hệ thống họp không giấy tờ… về cài đặt, vận hành tại Trung tâm dữ liệu này...

Trong 10 tháng năm 2023, các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương quan tâm chỉ đạo, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ. Cụ thể, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến tăng 16%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tăng 31,4%. Kết quả số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 98,57%, tăng 38% so với cuối năm 2022.

Hải Dương có trên 150.000 hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử đang hoạt động; 173.000 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số; 1.162 sản phẩm của tỉnh được đưa lên sàn; số giao dịch trên sàn thương mại điện tử là 41.132, đứng thứ 7 toàn quốc.

Hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng được đẩy mạnh với trên 1360 tổ. Nhiều hoạt động của chính quyền được thực hiện trên môi trường mạng giúp tiết kiệm thời gian và kinh phí...

Các hoạt động nhằm phát triển kinh tế số từng bước được hình thành và phát huy hiệu quả. Người dân được tiếp cận nhiều dịch vụ số giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Đến tháng 6/2023, Hải Dương đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số, tăng 1 bậc so với năm 2021; hoạt động chính quyền số xếp thứ 15/63; hoạt động kinh tế số xếp thứ 7/63; hoạt động xã hội số xếp thứ 4/63. Xếp hạng hạ tầng số của tỉnh, qua đánh giá sơ bộ đạt hạng 11/63 tỉnh, thành phố. Về Cổng dịch vụ công trực tuyến, Hải Dương nằm trong 9 tỉnh, thành phố đạt mức A, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Tin, ảnh: Mạnh Tú (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/chuyen-doi-so-phuc-vu-nguoi-dan-doanh-nghiep-20231114162152573.htm