Chuyển đổi số để nâng cao chất lượng giáo dục

Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, giảng dạy, học tập của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã dần thay đổi phương pháp giảng dạy, học tập từ truyền thống sang phương pháp giảng dạy tích cực, giúp người dạy và người học phát huy được khả năng tư duy sáng tạo, chủ động, hiệu quả, là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng GD&ĐT.

Trường THCS Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập.

Nâng cao chất lượng từ chuyển đổi số

Hiện nay, các trường học trên địa bàn tỉnh đang triển khai, ứng dụng CNTT trong giảng dạy, giúp phương pháp truyền đạt của giáo viên đến người học trở nên sinh động, sáng tạo hơn, học sinh tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu... Tại Trường THPT Cẩm Khê, xác định công tác chuyển đổi số góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, giúp người dạy và người học phát huy được khả năng tư duy sáng tạo, sự chủ động, tích cực, nhà trường đã đầu tư trang bị hạ tầng CNTT, tiên phong ứng dụng các phần mềm trong quản lý cũng như dạy học.

Thầy giáo Tạ Minh Đức - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Chúng tôi sử dụng phần mềm SMAS để quản lý, với phần mềm này có thể lưu trữ, xử lý linh hoạt các dữ liệu, đáp ứng được mọi nhu cầu quản lý thông tin của nhà trường. Ngoài ra, trường cũng đã sử dụng học bạ điện tử, sổ điểm điện tử, chữ ký số. Tất cả các phòng làm việc của lãnh đạo nhà trường đều được trang bị máy vi tính có kết nối mạng Internet, Phòng trực Ban quản lý học sinh có đầu kết nối hình ảnh hệ thống camera các lớp học... Bằng việc ứng dụng CNTT trong quản lý, chúng tôi đã nắm bắt thông tin kịp thời, phân tích dữ liệu nhanh, khoa học, đưa ra những giải pháp, quyết định phù hợp, trong công tác dạy và học, giáo viên thường xuyên khai thác thông tin, ngữ liệu, số liệu… trên mạng Internet để xây dựng kế hoạch bài dạy, sử dụng phương tiện máy chiếu, tivi trong các giờ dạy, đem lại nhiều tín hiệu tích cực.

Được biết, giáo viên nhà trường thường xuyên sử dụng phần mềm để kiểm tra, đánh giá học sinh như: Phần mềm goole form, azota, QM. Học sinh cũng được hướng dẫn và khuyến khích khai thác kho học liệu, sách mềm, tham gia một số lớp học online phù hợp với từng đối tượng, qua đó giúp học sinh chủ động hơn trong việc tìm tài liệu, giúp người thầy không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Hưởng ứng Cuộc thi xây dựng video bài giảng dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình cấp tỉnh năm học 2021-2022 do Sở GD&ĐT tổ chức, nhà trường có bốn thầy cô có video đạt giải.

Bên cạnh đó, thực hiện đổi mới phương pháp trong ôn thi tốt nghiệp, các thầy, cô giáo đã tăng cường ứng dụng CNTT, sử dụng phần mềm dạy học, phần mềm kiểm tra đánh giá hỗ trợ đắc lực trong giảng dạy, giúp học sinh tự giác, chủ động, nêu cao vai trò tự học. Các thầy cô giáo tích cực hướng dẫn học sinh học tập trên truyền hình, khai khác có hiệu quả kho học liệu và bài giảng E-Learning, tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực, thi thử tốt nghiệp THPT online nhằm củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng làm bài dưới sự định hướng của thầy cô.

Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt thực hiện việc chuyển đổi số với việc đổi mới mô hình dạy - học trong các cơ sở giáo dục (lớp học thông minh, nhóm học tương tác, tự học với trợ lý ảo) phù hợp với điều kiện đơn vị, đối tượng học sinh. Đồng chí Phạm Ngọc Diễm -Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hạ Hòa nhận định: Việc triển khai các ứng dụng CNTT sẽ phát huy hiệu quả tích cực, hỗ trợ đắc lực cho công tác chỉ đạo, quản lý điều hành, hoạt động chuyên môn. Thực hiện chuyển đổi số đối với ngành Giáo dục, đặc biệt tại các trường học thay đổi mạnh mẽ về phương pháp dạy học, áp dụng CNTT vào dạy và học, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục.

Trường THCS Gia Cẩm, thành phố Việt Trì ứng dụng chuyển đổi số, tạo môi trường giáo dục thông minh.

Chuyển đổi số là giải pháp đột phá

Để tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục đạt hiệu quả cần một chiến lược lâu dài, trong đó lấy người học và người dạy làm trung tâm; lấy lợi ích của người học, người dạy, người dân nói chung làm thước đo đánh giá. Thời gian qua, ngành GD&ĐT đã thực hiện tốt việc nâng cao nhận thức cho từng giáo viên, cán bộ quản lý của nhà trường để nắm được tầm quan trọng của chuyển đổi số, xây dựng văn hóa số trong giáo dục; bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong việc ứng dụng công nghệ cho toàn thể giáo viên, cán bộ quản lý nhà trường, hướng đến mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi số trong giáo dục; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo có kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin, an toàn thông tin cần thiết để tác nghiệp trên môi trường số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Ngành Giáo dục đã chú trọng triển khai hệ thống để chia sẻ dữ liệu đồng bộ trong giáo dục, từng bước chuyển đổi những tài liệu giấy qua văn bản điện tử để giúp thuận tiện hơn trong công tác quản lý; hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng đồng bộ, thiết bị công nghệ thông tin thiết thực phục vụ dạy - học, tạo cơ hội học tập bình đẳng giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau, ưu tiên hình thức thuê dịch vụ và huy động nguồn lực xã hội hóa cùng tham gia thực hiện; thúc đẩy phát triển học liệu số, hình thành kho học liệu số, học liệu mở dùng chung toàn ngành, đáp ứng nhu cầu tự học, học tập suốt đời, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.

Tiếp tục đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số, khuyến khích, hỗ trợ áp dụng các mô hình giáo dục đào tạo mới dựa trên các nền tảng số. Triển khai mạng xã hội giáo dục có sự kiểm soát và định hướng thống nhất, tạo môi trường số kết nối, chia sẻ giữa các cơ sở giáo dục, nhà trường, gia đình, giáo viên, học sinh; triển khai hệ thống học tập trực tuyến dùng chung toàn ngành phục vụ công tác bồi dưỡng giáo viên, hỗ trợ dạy học cho các vùng khó khăn. Hạ tầng mạng và trang thiết bị công nghệ được đổi mới, đặc biệt là khu vực có kết nối kém, giúp thu hẹp khoảng cách vùng miền.

Đồng chí Đỗ Thanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Chuyển đổi số trong giáo dục thực hiện bằng cách ứng dụng phần mềm quản lý chính là giải pháp được nhiều cơ sở áp dụng hiện nay. Các phần mềm được tích hợp tính năng vượt trội là giải pháp quản lý trường học hiệu quả, giúp các trường có thể tăng cường nghiệp vụ, quản lý hồ sơ học sinh cùng hồ sơ giảng dạy một cách nhanh chóng. Đồng thời, phát triển các khóa học trực tuyến, góp phần phục vụ công tác bồi dưỡng giáo viên hỗ trợ dạy học tại những nơi khó khăn.

Để ứng dụng thành công công nghệ số trong giáo dục cần sự nỗ lực có tính căn cơ, chiến lược dài hơi và tích cực triển khai mô hình giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học và nghệ thuật (giáo dục STEM/STEAM), phát triển tư duy lập trình, triển khai các chương trình về khoa học máy tính phù hợp; đưa nội dung phổ cập kỹ năng số và an toàn, an ninh mạng, các nền tảng mở, phần mềm nguồn mở vào chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học để hình thành sớm các kỹ năng cần thiết cho công dân số.

Hạnh Thúy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//giao-duc/chuyen-doi-so-de-nang-cao-chat-luong-giao-duc/191389.htm