Chuyển đổi số báo chí góp phần phục vụ hiệu quả hoạt động của ngành tư pháp

Chiều 29/11, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo với chủ đề 'Thúc đẩy chuyển đổi số báo chí góp phần phục vụ hiệu quả hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp'.

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý báo chí, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu để Bộ Tư pháp tiếp thu, tham khảo phục vụ việc xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số báo chí của Bộ Tư pháp và triển khai thực hiện thành công nhiệm vụ chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số báo chí nói riêng.

Nhà báo Vũ Hoài Nam, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam phát biểu tại Hội thảo "Thúc đầy chuyển đổi số báo chí góp phần phục vụ hiệu quả hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp". Ảnh: Hoàng Vũ

Phát biểu tham luận tại hội thảo, bà Đặng Thị Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin & truyền thông cho biết một số kết quả bước đầu chuyển đổi số báo chí và chiến lược chuyển đổi số báo chí. Bà Thảo đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số báo chí của Bộ Thông tin & Truyền thông và một số giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số báo chí cần quan tâm triển khai trong thời gian tới…

Nhà báo Ngô Việt Anh - Phó Trưởng Ban điện tử Báo Nhân dân chia sẻ, để chuyển đổi số báo chí tại Báo Nhân dân có hiệu quả trong thời gian qua, Báo Nhân dân đã tập trung vào báo chí đa phương tiện, đa nền tảng và báo chí chuyên sâu kết hợp công nghệ. Ngoài ra, mô hình tòa soạn hội tụ Nhân dân điện tử cũng là một yếu tố không thể thiếu để Báo Nhân dân thành công trong chuyển đổi số báo chí...

Phát biểu tại hội nghị, nhà báo Vũ Hoài Nam - Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam khẳng định, báo chí không thể nằm ngoài công cuộc chuyển đổi mang tính đột phá này. Thời gian qua, Đảng, nhà nước đã hết sức quan tâm đến công cuộc chuyển đổi số quốc gia nói chung, chuyển đổi số báo chí nói riêng. Nhiều văn bản đã được ban hành nhằm triển khai hiệu quả cuộc cách mạng này, và gần đây nhất, Ngày 6/4/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định số 348/QĐ-TTg, phê duyệt chiến lược "Chuyền đổi số báo chí đến năm đến năm 2025, dịnh hướng đến năm 2030.

Theo Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, các cơ quan báo chí, với tư cách là các cơ quan thông tin, tuyên truyền của Đảng, nhà nước cần phải ý thức trách nhiệm cao với đất nước và cũng vì chính sự tồn tại và phát triển của mình trong kỷ nguyên công nghệ 4.0. Nhiều cơ quan báo chí đã sớm nhận thức đây là một cơ hội để phát triển và tích cực vào cuộc. Nhờ vậy mà thời gian qua có thể nói công cuộc chuyển đổi số đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ.

Hội thảo "Thúc đẩy chuyển đổi số báo chí góp phần phục vụ hiệu quả hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp". Ảnh: Hoàng Vũ

"Tuy nhiên, cũng tại các tham luận hôm nay, chúng ta có thể nhìn thấy bức tranh chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí còn rất nhiều bất cập, tồn tại từ nhận thức về chuyển đổi số đến nguồn nhân lực, cơ sở vật chất... Không ít các nhà quản lý báo chí, cơ quan báo chí chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số cũng như là nhận thức về con đường, lối đi, cách đi trong chuyển đổi số báo chí. Đây là những vấn đề cần khắc phục nhanh để công cuộc chuyển đổi số đạt hiệu quả như mong muốn", nhà báo Vũ Hoài Nam nói.

Vũ Phong

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chuyen-doi-so-bao-chi-gop-phan-phuc-vu-hieu-qua-hoat-dong-cua-nganh-tu-phap-post274467.html