Chuyển dần nuôi biển truyền thống sang công nghiệp

Hầu hết các cơ sở nuôi biển hiện nay ở tỉnh Bình Định đều ở quy mô hộ dân nuôi tự phát nên nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ lạc hậu, thiếu chuỗi liên kết. Những năm gần đây, tỉnh Bình Định mạnh dạn quy hoạch vùng nuôi thủy hải sản gần bờ, từng bước chuyển từ nuôi biển truyền thống sang nuôi biển công nghiệp.

Những ngày này, ông Phạm Thành Thệ, trú thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định tập trung chăm sóc lứa tôm hùm để kịp xuất bán vào tháng 4 âm lịch tới. Vụ tôm hùm này, gia đình ông Thệ nuôi 40 lồng, mỗi lồng rộng 9m2, cao 1,2m, tổng chi phí đầu tư tôm giống, thức ăn và lồng nuôi gần 1,5 tỷ đồng.

Trước đây, gia đình ông Thệ nuôi tôm ở khu vực biển thôn Hải Giang, xã Nhơn Hải sóng êm, nhưng vụ tôm này phải đưa lồng về thôn Hải Nam để nuôi thì sóng lớn, rủi ro cao. Ông Phạm Thành Thệ cho biết, dù có 20 năm lăn lộn với nghề nuôi tôm hùm nhưng vụ tôm này, ông cũng đành bất lực bởi chỉ trong thời gian ngắn, khoảng 40% số tôm nuôi trong các bè bị chết.

Sản xuất tôm giống ở Tập đoàn Việt Úc đóng tại huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.

Trước mắt, ông Thệ cố gắng gia cố lồng nuôi và theo dõi độ phát triển của tôm. Về lâu dài, ông Thệ mong muốn được ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định hỗ trợ thêm lồng nuôi hiện đại và nuôi công nghiệp để giảm rủi ro khi nuôi tôm ở vùng biển hở.

“Bây giờ tôi củng cố lồng sắt, lưới, neo, dây chằng rất là cứng, biển động mà không ăn thua gì. Từ con tôm trắng đến khi xuất đúng tiêu chuẩn là 1,5 năm” - ông Thệ chia sẻ.

Tỉnh Bình Định hiện có 60 ha mặt nước biển nuôi các loại hải sản bằng lồng bè tập trung ở vùng biển gần bờ. Hệ thống lồng bè làm bằng vật liệu gỗ không chịu được sóng gió. Nuôi biển ở tỉnh Bình Định tập trung vào các đối tương nuôi chính là tôm hùm, cá bớp, cá mú, mực lá, chủ yếu ở thành phố Quy Nhơn và huyện Phù Mỹ.

Người dân xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định nuôi tôm hùm.

Năm 2022, tỉnh này có hơn 2.900 lồng nuôi, sản lượng đạt hơn 200 tấn, tạo thu nhập ổn định cho 500 hộ gia đình. Với đặc điểm là vùng biển hở, chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió bão, đòi hỏi công nghệ nuôi hiện đại, vốn đầu tư cao nên nuôi biển tại Bình Định chưa được các tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định cho biết, mục tiêu của tỉnh Bình Định là phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái biển, trong đó có phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp. Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, tỉnh Bình Định đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nuôi biển tại khu vực vùng biển hở, ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi.

“Để nuôi được ở vùng biển hở phải có đầu tư rất lớn, chính vì vậy trong thời gian vừa qua cũng chưa thu hút được các doanh nghiệp, người dân để chuyển đổi từ nuôi truyền thống sang nuôi công nghiệp. Chúng tôi cũng đề nghị các nhà quản lý, các nhà khoa học nên nghiên cứu đề xuất với Chính phủ có những cơ chế chính sách hỗ trợ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp đầu tư công nghệ hiện đại hơn và nuôi trồng ở những vùng biển ngoài khơi” - ông Thanh nói.

Người dân nuôi hải sản ở khu vực biển Đề Gi, huyện Cát, tỉnh Bình Định.

Câu chuyện về nuôi biển và chuyển đổi nghề trong phát triển nuôi trồng thủy sản đã được đặt ra trong nhiều chương trình của ngành Nông nghiệp, trong bối cảnh trữ lượng khai thác thủy sản giảm sút.

Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương ven biển phải xác định rõ nuôi biển theo hướng công nghiệp là quy mô sản xuất lớn và áp dụng khoa học công nghệ. Ông Trần Đình Luân đề nghị, các địa phương cần tổ chức lại cơ sở nuôi biển nhỏ lẻ theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã và chuyển sang nuôi công nghiệp theo chuỗi với doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong chuỗi liên kết sản xuất.

“Để tăng trưởng, khai thác bền vững và phát triển nuôi trồng thủy sản thì nuôi biển được đánh giá có tiềm năng lợi thế hơn cả. Luật Thủy sản cũng đã rất rõ, từ 0 - 3 hải lý, 3 - 6 hải lý và ngoài 6 hải lý cấp nào có thẩm quyền được giao, giao thời gian bao lâu và thời gian gia hạn bao lâu. Hiện đang vướng quy hoạch không gian biển, đó là vùng biển ở phía ngoài. Chúng ta mong muốn để có các doanh nghiệp có thể đầu tư lớn được, vừa rồi Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã trình và tiếp tục hoàn thiện quy hoạch không gian biển” - ông Luân cho biết./.

Thanh Thắng/VOV-miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/chuyen-dan-nuoi-bien-truyen-thong-sang-cong-nghiep-post1003130.vov