Chuyện cổ tích đương đại của nhà thiết kế thời trang mù

(TuanVietNam) - Trải qua một tuổi thơ nhiều giông tố và mất đi đôi mắt, Mason Ewing vẫn kiên cường theo đuổi ước mơ của mẹ và của chính mình.

Trong thành công của Cyril Elong (tên thật của Mason Ewing) với vai trò là một nhà thiết kế thời trang có một trở ngại rất lớn là việc anh bị mù cả hai mắt. Nhưng nhà sáng tạo ra thương hiệu thời trang theo phong cách đường phố này đã tạo dựng được tiếng tăm vì anh có thể tích hợp được chữ nổi Braille vào những thiết kế của mình. Một trở ngại khác trên con đường đẫn đến thành công của Elong là anh đã bị lạm dụng thân thể khi mới nhập cư vào đất Pháp. Mason Ewing. Ảnh: Les Enterprises Ewing Năm 2004, anh làm nhân chứng chống lại ông bà nuôi của mình trước tòa vì tội ngược đãi trẻ vị thành niên. Khi anh tè dầm, đạt kết quả học tập kém, hay mắc phải những lỗi thông thường, họ thường trừng phạt anh bằng cách chà đầu vào bồn tắm, cho hạt tiêu vào mắt và vùng kín. Elong đã phải chịu đựng trong suốt 5 năm trời sống với họ và làm đủ mọi công việc nhà. Chính trong khoảng thời gian này, anh đã chịu một chấn thương vĩnh viễn: mù cả hai mắt khi mới 15 tuổi sau khi trải qua ba tuần hôn mê bắt nguồn từ một cơn động kinh. Dù Elong bị chính những người ruột thịt ngược đãi và những người thân khác không hề có phản ứng gì để giúp anh, nhưng anh không ghét họ. Anh đã có thể ngồi than trách và khiến những kẻ vô tâm kia càng thấy mình quan trọng, nhưng Elong đã chọn cách bình thản trước những bộ mặt đạo đức giả đó. “Tôi đã xóa bỏ hình ảnh của họ trong cuộc đời tôi. Đối với tôi, họ không còn tồn tại”, nhà thiết kế 27 tuổi kể lại. Vươn lên từ quãng thời gian đen tối đó, Elong thành lập công ty riêng và đổi tên thành Mason Ewing. Logo trên mỗi chiếc áo T-shirts mà anh thiết kế là hình ảnh một em bé đa văn hóa tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau như trượt ván hoặc chơi golf. Có những dòng chữ nổi Braille được viết bên dưới giúp người khiếm thị nhận biết được em bé đang làm gì và màu sắc của chiếc áo. Trở thành nhà thiết kế thời trang là cách mà Elong, giờ đây dưới cái tên Ewing, đến gần hơn với người mẹ quá cố và nối tiếp giấc mơ của bà. Mẹ anh cũng là một nhà thiết kế kiêm người mẫu ở Cameroon nhưng đã mất khi anh mới lên 4 tuổi. Đến bây giờ Ewing theo đuổi giấc mơ của chính anh là làm việc trong bộ môn nghệ thuật thứ bảy - điện ảnh. Anh đang phát triển tập đầu tiên cho một show truyền hình lấy cảm hứng từ một show ăn khách khác của Mỹ Malcolm in the Middle, với tham vọng làm một cái gì đó mới mẻ chưa từng có ở nước Pháp. “Tôi ư, tôi không bao giờ bỏ cuộc”, Ewing tâm sự trong căn hộ của anh cách Paris khoảng 40 km. “Tôi không nao núng, tôi luôn chiến đấu với một sức mạnh phi thường”. Mẹ là người truyền lại niềm đam mê nghệ thuật cho Mason. Ảnh: GlobalPost Sinh ra tại Douala, Cameroon, Ewing được đưa tới nước Pháp năm 1989, ba năm sau khi mẹ mất để sống với bà cô của mẹ anh, Jeanette Ekwalle và người chồng Lucien. Từ đây bắt đầu một chuỗi ngày cơ cực khi cậu bé Ewing phải giặt quần áo bằng tay, với những trận đòn nhừ tử bằng khóa dây lưng, đồng thời cả những lạm dụng về tinh thần. Ewing đã chạy trốn nhiều lần để báo với cảnh sát nhưng vô vọng, họ lại gửi trả anh về nhà hai ông bà ở ngoại ô Paris. Ewing kể: “Tôi chẳng khác gì nô lệ của họ”. Sau đó Ewing được nhận làm con nuôi nhưng chính trong khoảng thời gian này, anh đã phải chịu đựng một cơn đau khủng khiếp do lúc còn bé nhiều lần bị đánh vào đầu khi chưa đủ cứng cáp. Sau khi tỉnh lại trong bệnh viện, anh đã không còn khả năng nhìn nữa. Năm 18 tuổi, sau một nỗ lực tự tử không thành bằng cách cứa vào động mạch ở cổ tay, Ewing được đưa vào bệnh viện tâm thần chữa trị trong vài tháng. Trong những cuộc gặp gỡ với một bác sĩ tâm thần, Ewing đã kể lại những điều kinh hoàng anh đã phải trải qua. Anh đã rất ngạc nhiên vì cuối cùng cũng có người lắng nghe anh, tin vào những gì anh nói và động viên anh theo đuổi vụ kiện vì thời hạn 10 năm theo luật vẫn chưa hết. Anh đã tìm cách liên lạc với Ủy ban phản đối nô lệ hiện đại, nơi đảm trách xử lý những vụ việc như thế này. “Tôi không mong muốn bất cứ ai phải chịu đựng những gì tôi đã trải qua. Nhưng sẽ không ai có thể hiểu cặn kẽ dù tôi có nói nhiều đến bao nhiêu đi chăng nữa”, Ewing tâm sự. Mason Ewing và những thiết kế có chữ nổi Braille của mình. Ảnh: GlobalPost Nhưng anh thừa nhận rằng những cuộc trò chuyện với các nhà báo đến từ nhiều nơi trên thế giới như Mexico, Thụy Sĩ, Bỉ đã mở ra những cơ hội nghề nghiệp cho anh. Những công ty danh tiếng như L’Oreal và các ngôi sao ở Pháp đã hỗ trợ cho những dự án của anh. Giám đốc hiện tại của Ủy ban phản đối nô lệ hiện đại, bà Sophia Lakhdar (người nhậm chức sau khi vụ việc của Ewing được giải quyết) cho rằng các nạn nhân chọn các cách khác nhau để tiếp tục cuộc sống sau khi trải qua những ngày tháng đen tối. Rất nhiều người chọn cách im lặng không lên tiếng. Thành công đối với mỗi nạn nhân cũng là một khái niệm tương đối. Với một số người, được đi xe điện ngầm hoặc có một công việc ổn định đã có thể coi là thành công. Ewing với câu chuyện của mình đã có thể trở thành tâm điểm của giới truyền thông, nhưng anh đã chọn cách thành đạt một cách giản dị mà không kém phần giá trị. Một phản ứng cũng thường gặp ở các nạn nhân là sự ảo tưởng của họ về tính nghiêm minh của hệ thống luật pháp. Trên thực tế có rất nhiều hình phạt không tương xứng cho những kẻ gây ra tội ác. Trong trường hợp của Ewing, ông bà trẻ của anh chỉ bị kết án hình thức, bị ghi tiền án tiền sự nhưng không phải ngồi tù, mặc dù bà Jeanette đã phải ở trong trại giam vài tháng trước khi phiên tòa được mở. Bà Lakhdar cho biết Ủy ban phản đối nô lệ hiện đại đang có kế hoạch phát hành một nghiên cứu về những trường hợp đã được xét xử, trong đó có kiến nghị các thẩm phán về việc tuyên án. “Đó là một cách để chiến đấu”, Ewing giải thích việc anh đưa vụ ngược đãi ra tòa, để công chúng quan tâm hơn đến vấn đề nô lệ hiện tại cũng như giúp họ hiểu thêm về nỗi khổ của những người khuyết tật và góp sức đấu tranh chống lại sự kì thị với họ. “Ở Pháp, chúng tôi chậm hơn so với thế giới rất nhiều trong những cuộc cách mạng về những vấn đề này”. Quỳnh Anh (dịch từ Global Post)

Nguồn TuanVietNam: http://tuanvietnam.net/vn/nhanvattrongngay/7694/index.aspx