Chuyện có thật mà tưởng như đùa!

Mới đó đã 12 năm. 12 năm đối với một tỉnh mới chia tách như Quảng Nam cũng lắm điều phải bàn đến. Đó là chuyện thiên tai, dịch bệnh, chuyện tỉnh trở mình theo nhịp độ tăng trưởng kinh tế. Đó là chuyện vui buồn của nhà nhà, người người trong bao sự đổi thay của một tỉnh từ nông nghiệp sang phát triển kinh tế công nghiệp. Đó là chuyện đoàn kết cộng đồng, dòng tộc...

Ngẫm lại 12 năm gắn bó với Mặt trận, với công tác vận động quần chúng mới thấy được “Nghề mặt trận” cũng lắm điều hay. Từ chuyện tham gia hòa giải ở cơ sở đến hiệp thương bầu cử các cơ quan công quyền theo luật định; chuyện xây nhà cho người nghèo, chuyện trợ cấp khó khăn khi đồng bào gặp thiên tai, hoạn nạn; xây dựng môi trường văn hóa từ trong mỗi gia đình, dòng tộc, cơ quan, đơn vị... Chuyện gì cũng có Mặt trận tham gia. Lời dặn dò của một vị Chủ tịch Mặt trận đáng kính (giờ đã nghỉ hưu) vẫn như còn vang vọng đâu đây: “Làm Mặt trận phải biết nhiều việc và chuyên sâu việc mình đảm trách”. Vui buồn của cán bộ Mặt trận gắn liền với nhiệm vụ được phân công. Là cán bộ công chức, ai cũng tâm niệm phục vụ nhân dân, phục vụ tổ quốc là niềm vinh hạnh và kiêu hãnh của mình. Dẫu vậy, đối với cán bộ mặt trận cơ sở (khu dân cư, tổ đoàn kết), những việc họ làm không thể đo đếm được. Có mấy ai biết rằng, đi qua những khó khăn thường nhật bên nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” cho gia đình mình, họ vẫn “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Niềm vui được nhân lên khi mọi người trong cộng đồng dân cư gọi tên thân mật “anh Mặt trận, chị đoàn kết”. Được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, được đến gần hơn với những người nghèo khó mỗi khi họ gặp khó khăn đột xuất...cũng là niềm tự hào khi được làm Mặt trận. Vận động, thuyết phục vốn là nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận. Ấy vậy mà đôi khi thuyết phục người thân trong gia đình mình lại gặp khó khăn hơn. Đã có lần trò chuyện với một cán bộ Mặt trận ở miền núi, anh trăn trở chuyện mẹ già ở quê bị thiệt hại nặng sau lũ nhưng không biết sẽ vận động, tài trợ từ nguồn nào để giúp đỡ mẹ, nhất là khi việc vận động ấy đem về nhà mình. Một lần khảo sát nhà tạm hộ nghèo để đề nghị MTTƯ cấp “Bằng ghi công” mới hay ngôi nhà tạm bợ hiện còn trên địa bàn thôn ấy là của Trưởng ban công tác Mặt trận. Chuyện có thật mà tưởng như đùa! Lê Như Thủy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=17987&menu=1396&style=1