Chuyện chưa kể về mộ gió của các chiến sĩ Trung đoàn 207 ở Long An

Ngày 3/10/1973, nhằm ngày 8/9 âm lịch, tại đây đã từng diễn ra trận đánh vô cùng ác liệt và bi tráng của Trung đoàn 207. Với lực lượng chủ yếu là sinh viên Đại học Xây dựng Hà Nội vừa nhập ngũ, các cán bộ chiến sĩ trung đoàn đã bị địch tập kích và kiên cường chiến đấu trong một trận chiến không cân sức với gần 200 người đã anh dũng hy sinh.

Khu tưởng niệm Liệt sĩ Trung đoàn 207, Quân khu 8 tọa lạc tại ấp Đá Biên (xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) với diện tích khoảng 5.000m2 là nơi ghi dấu sự hy sinh oanh liệt của hơn 100 chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 207 trong trận đánh ngày 3/10/1973.

Sáng 22/10 (8/9 âm lịch), chính quyền và nhân dân tỉnh Long An đã tổ chức lễ giỗ lần thứ 50 cho các chiến sĩ Trung đoàn 207. Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự lễ giỗ.

Ông Phạm Tùng Chinh, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa (Long An) đã ôn lại truyền thống, lịch sử đấu tranh và sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ Trung đoàn 207.

"Trong thời gian qua, Đoàn thanh niên địa phương cũng tuyên truyền cho các bạn thanh niên, người dân trên địa bàn và người dân trong, ngoài địa phương biết và tìm đến khu di tích, giới thiệu về lịch sử Trung đoàn 207 anh hùng. Đồng thời cũng phối hợp với ngành giáo dục tổ chức cho thanh niên, học sinh các chương trình hành trình về địa chỉ đỏ Trung đoàn 207", chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Bí thư Huyện Đoàn Thạnh Hóa chia sẻ.

"Tôi không thuộc đơn vị Trung đoàn 207. Tôi thuộc tiểu đoàn 269, đánh ở chiến trường Mộc Hóa, tiếp quản vòng xoay Mỹ Tho. Đây là lần đầu tiên tôi tham gia cùng đoàn cựu chiến binh thuộc tỉnh Thanh Hóa vào đây để viếng đồng đội. Tuy không cùng đơn vị nhưng cùng chiến trường, cùng chung một lý tưởng", ông Bùi Văn Lễ xúc động đặt nhành hoa lên mộ gió của các chiến sĩ.

Các chiến sĩ năm xưa đi qua cuộc chiến quay về với nhiều ký ức, bồi hồi bên mộ gió của đồng đội.

Bà Võ Thị Việt Nga, Phó Chủ tịch thường trực Hội Phụ nữ Thanh lịch Sài Gòn bùi ngùi tưởng nhớ các chiến sĩ hy sinh khi chỉ mới vừa rời ghế nhà trường. "Chúng tôi chuẩn bị kỹ trang phục và các tiết mục văn nghệ để dâng lên anh linh các anh, các chú lời ca tiếng hát. Ngày xưa, trong rừng thì chỉ có lời ca, tiếng hát để khích lệ, động viên nhau vững tay súng chiến đấu", bà Nga bộc bạch.

Những đồng đội cũ gặp lại nhau trong ngày giỗ các chiến sĩ Trung đoàn 207

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Lưỡng bồi hồi chỉ vào bia tưởng niệm các liệt sĩ, năm xưa là sinh viên Đại học Xây Dựng đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời mới đôi mươi.

"Trong thời kỳ 1972 - 1973, tôi là Tỉnh đội phó, Tham mưu trưởng tiền phương tỉnh Mỹ Tho, chiến trường trọng điểm của Quân khu 8. Trung đoàn 207, Trung đoàn 24, Trung đoàn 320 cùng về thành lập Sư đoàn 8, chuẩn bị chiến dịch cuối năm 1972. Thời điểm đó, lực lượng hầu hết là sinh viên, Trung đoàn 207 vượt Trường Sơn, tham gia chiến dịch Tây Nguyên, nhưng di chuyển về địa hình sông nước thì vẫn chưa được thuần thục. Điều đó, khiến anh em gặp bất lợi khi địch dùng không quân và pháo binh. Đơn vị chúng tôi sau đó bằng sự quyết tâm rất cao đánh quyết liệt vào vùng phía Nam Long An, uy hiếp đường 4, thu hút địch về hướng này để mở đường cho bộ đội chủ lực. Sau đó, Trung đoàn 207 đánh, tiêu diệt yếu khu Ngã 6, hiện là xã Mỹ Trung, (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Bia tưởng niệm này là vị trí đánh mở màn vì giáp ba tỉnh thời đó, gồm: Kiến Tường, Kiến Phong, Mỹ Tho", cựu chiến binh Nguyễn Văn Lưỡng nhớ lại.

Bạn Phạm Trúc Vy (sinh năm 2006, Đoàn thanh niên xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa) cảm thấy tự hào khi nghe các chú các bác ôn lại lịch sử hào hùng của Trung đoàn 207.

Cách đây tròn 50 năm, vào tháng 10/1973, Trung đoàn 207, nhận nhiệm vụ luồn sâu xuống Đồng Tháp Mười đi ngang qua ấp Đá Biên, sau đó tập kết tại huyện Cai Lậy, tỉnh Định Tường để chuẩn bị lực lượng cho mùa khô năm 1974, thành lập Sư đoàn 8 và đánh căn cứ Ngã 6, Ngã 4 Thanh Mỹ.

Ngày 1/10/1973, từ căn cứ Mỏ Vẹt thuộc tỉnh Svây Riêng – Cam-pu-chia, Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn 207 hành quân đến sông Vàm Cỏ Tây. Tại đây, đoàn quân được đưa qua sông. Nhưng sau khi vượt sông thì trời sáng nên phải ém lại, đợi đến tối sẽ tiếp tục hành quân.

Chiều 2/10/1973, đoàn quân xuất phát, dự định đến Gò Nôi, xã Hậu Thạnh, huyện Tân Thạnh ngày nay nhưng vì hành quân vào mùa nước nổi, các chiến sĩ Trung đoàn 207 sau một đêm lội nước, đến 1 giờ 30 phút sáng thì đuối sức nên dừng lại nghỉ ngơi tại khu vực rạch Bắc Bỏ, không vượt lộ 12 như dự tính ban đầu. Đây là một khu rừng tràm nhỏ, khoảng 2 công đất (2.000 m2) thuộc ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa ngày nay, cách lộ 12 (Quốc lộ 62 bây giờ) khoảng 3km, cách trung tâm thị xã Kiến Tường khoảng một ngày đi bộ.

Do hành quân bộ suốt đêm giữa đồng nước nên bộ đội mệt rã rời, rừng tràm lại nhỏ, thưa thớt không đủ che giấu đoàn quân. Các chiến sĩ phần lớn là tân binh mới nhập ngũ, xuất thân là sinh viên mới được bổ sung về đơn vị, chưa quen chiến trường Đồng Tháp Mười vào mùa nước nổi, chưa có kinh nghiệm chiến đấu, đã giăng võng, phơi quần áo lên cây tràm nên địch dễ dàng phát hiện.

Sáng ngày 3/10/1973, máy bay trinh thám địch phát hiện nơi trú quân của Tiểu đoàn. Ngay lập tức, địch huy động pháo 105 ly từ thị xã Kiến Tường đến lộ 12 (nay là Quốc lộ 62, khu vực cầu 7 Thước) cùng khoảng 20 chiếc trực thăng để bắn phá. Do địa hình vào mùa nước nổi rất khó di chuyển, bất lợi cho triển khai chiến đấu, lại bị tập kích bất ngờ nên các chiến sĩ Trung đoàn 207 phần lớn đã hy sinh.

Ba ngày sau trận đánh, 13 chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 207 được tìm thấy trong tình trạng bị thương nặng, sau đó được giao liên đưa về căn cứ ở Ba Thu an toàn. Những đêm sau đó, khi tình hình đã tạm yên ắng, Ban cán sự vùng 6, cán bộ Trung đoàn 207, cán bộ trinh sát đơn vị đặc công Kiến Tường, cùng với lực lượng địa phương đã vào trận địa tìm xác đồng đội. Lực lượng tìm kiếm thương binh, tử sĩ chia làm nhiều cánh bơi xuồng len lỏi giữa cánh đồng mênh mông nước. Do hy sinh đã nhiều ngày, lại bị ngâm trong nước, nên đồng đội phải dùng mùng để kéo, gom lại được khoảng 60 liệt sỹ, cột vào thân cây tràm để đến mùa khô quay lại lấy cốt. Vài ngày sau thì tìm được 15 liệt sĩ nữa, số còn lại do đêm tối và cây, cỏ um tùm nên không tìm thấy.

Sau ngày giải phóng, nhiều hài cốt liệt sĩ được tìm thấy đã được chính quyền đưa về an táng chung một mộ tập thể tại nghĩa trang huyện Mộc Hóa. Đất nước bình yên, vùng đất này được người dân khai hoang trồng lúa. Trong quá trình cày đất làm ruộng, thỉnh thoảng người dân tìm thấy các hiện vật còn sót lại như nón cối, bình toong đựng nước, cà mèn … Để tưởng nhớ đến các chiến sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do chính tại mảnh đất này nên vào năm 1991, ông Nguyễn Văn Tờ (gọi là tư Tờ) và gia đình lập miếu Bắc Bỏ để thờ cúng các liệt sĩ

Hàng năm cứ vào ngày mùng 8/9 âm lịch, nhân dân ấp Đá Biên (xã Thạnh Phước) và các vùng xung quanh lại tổ chức lễ giỗ cho các liệt sĩ với tấm lòng của những người dân nghèo. Đám giỗ rất đơn sơ, bà con ai có gì thì mang đến cúng các chiến sĩ thứ ấy, có khi là vài con cá, con lươn hoặc chỉ vài ba lít rượu. Riêng công trình tưởng niệm được khánh thành vào năm 2012 và được UBND tỉnh Long An trao bằng công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh (Quyết định số 3241/QĐ-UBND, ngày 16/10/2012).

Phạm Nguyễn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chuyen-chua-ke-ve-mo-gio-cua-cac-chien-si-trung-doan-207-o-long-an-post1580350.tpo