Chuyện chưa kể làm 3 tuyến cao tốc hoàn thành dịp 30/4

Những hạng mục cuối của 3 dự án cao tốc Mai Sơn-QL45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây đang bứt tốc hoàn thiện để khánh thành dịp 30/4.

Để đưa dự án về đúng hạn là những nỗ lực vượt khó của không ít người, trong đó có những chuyện chưa bao giờ kể.

Nửa đêm ký hồ sơ, đêm ngủ mơ về máy móc

Ông Phạm Quốc Huy (ngoài cùng bên phải) kiểm tra công trường thi công buổi tối tại gói thầu XL4 dự án đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Ảnh: Tạ Hải

Đầu tháng 4/2023, trong bữa cơm tối tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, chiếc điện thoại của ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc Ban điều hành réo chuông liên tục. Vừa dứt cuộc gọi này chưa kịp nhấc đũa, cuộc gọi khác lại đến.

“Là nhà thầu Phúc Lộc báo cáo giải pháp đẩy nhanh tiến độ thảm bê tông nhựa gói thầu XL3 theo chỉ đạo của Bộ trưởng”, vừa nói, ông Huy vừa ăn vội bát cơm rồi nhanh chóng chạy vào phòng làm việc ký xác nhận nghiệm thu cho đơn vị thi công, tư vấn đã trực chờ sẵn.

20 phút ký tá với sự tập trung cao độ, đôi mắt của vị Giám đốc Ban điều hành đảo liên tục qua các trang hồ sơ khối lượng công việc.

Giữa căn phòng 15m2 với 4 người ngồi đó, không ai nói với ai nửa lời, không gian tĩnh lặng đến nỗi người ta có thể cảm nhận được từng tiếng lật dở trang giấy trên bàn làm việc và tiếng thở dài của người nào đó khi một ngày dài làm việc chưa thể kết thúc.

20h45, bước lên chiếc xe bán tải đã nổ máy, ông Huy lại cùng một cán bộ ban điều hành tức tốc ra gói thầu XL4, nơi nhà thầu đang chong đèn rải thảm để hoàn thành những km bê tông nhựa cuối cùng.

Việc ký xác nhận muộn ở dự án này diễn ra như cơm bữa. Có những ngày anh em chưa lên kịp hồ sơ, đến nửa đêm (23h), lãnh đạo ban điều hành vẫn đợi để ký.

“Nếu ký kịp ngày hôm trước, sáng hôm sau, hồ sơ sẽ được chuyển đến phòng chức năng của Ban QLDA 7. Chiều cùng ngày, hồ sơ có thể nằm ở kho bạc và sáng ngày kế tiếp, công trường sẽ có tiền để tiếp tục triển khai. Nếu để sáng hôm sau mới xem xét xác nhận, khả năng xoay vòng tài chính của nhà thầu sẽ bị ảnh hưởng”, ông Huy nói.

Tối ưu thời gian xử lý thủ tục trong phòng làm việc, ở hiện trường, quỹ thời gian cũng được chắt chiu hết mức có thể.

Theo ông Huy, áp lực về tiến độ những ngày cuối cùng yêu cầu các dây chuyền thảm phải khởi động ngay từ sáng sớm. Thế nhưng, để có được mẻ bê tông nhựa đầu tiên lúc 6h sáng, ngay từ 3h, cán bộ ban điều hành đã phải xuất phát ra trạm bê tông nhựa cùng với tư vấn.

Bất cứ khi nào nhà thầu có kế hoạch triển khai thi công, ban điều hành đều phải hiệp đồng tác chiến, không kể sớm - muộn, ngày - đêm.

Cũng nhờ sự chắt chiu này, ngay trong ngày 4/4, nhà thầu Vinaconex đã lập kỷ lục tại gói thầu XL4 với 5.000 tấn thảm/ngày thay vì 3.000 - 4.000 tấn như trước.

2 năm 4 tháng gắn bó với dự án Phan Thiết - Dầu Giây, những ngày này, sản lượng dự án đã đạt hơn 90% giá trị hợp đồng, phần việc tại hơn 10km tuyến chính đảm nhận dần gói gọn, song ước mơ được chút thảnh thơi của kỹ sư Trần Văn Sơn, Chỉ huy trưởng gói thầu 2-XL cũng chưa thể thành hiện thực.

“Cũng là khối lượng này, thông thường thời gian thực hiện khoảng 3 năm thì dự án Phan Thiết - Dầu Giây chỉ được khoảng 24 tháng”, ông Sơn nói và cho biết, tiến độ gấp rút, các đầu việc diễn ra dồn dập, sáng ở công trường, tối lại ngồi rà toàn bộ báo cáo ngày, đánh giá hiệu quả kế hoạch đặt ra.

Đều đặn trước 20h hàng ngày, các chỉ huy công trường phải báo cáo tổng giám đốc, hạng mục nào đạt, hạng mục nào không, hướng xử lý ngày hôm sau ra sao…

“Không ít đêm cứ thiếp đi lại mơ màng đến công trường, máy móc, thậm chí, cả lời đôn đốc của lãnh đạo cũng vang vọng bên tai”, ông Sơn tâm sự.

Bạc tóc tính phương án giải nguy

Một đoạn tuyến Phan Thiết - Dầu Giây thuộc cao tốc Bắc - Nam sắp về đích chụp từ trên cao. Ảnh: Tạ Hải

Mỗi gói thầu từng phải thay đến 2 - 3 đời chỉ huy trưởng, tư vấn trưởng là câu chuyện thường xuyên được nhắc mỗi khi đến hai dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.

Ngược dòng thời gian gần 7 tháng trước, ông Phạm Quốc Huy không thể quên thời điểm phát động phong trào thi đua 120 ngày đêm thông xe kỹ thuật 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam (tháng 9/2022) đúng lúc nhà thầu đang rơi vào đáy khủng hoảng kinh tế, tình trạng cạn kiệt tài chính xảy ra, có khi đi một đoạn tuyến dài 5 - 7km không có mũi thi công nào.

“Áp lực khi ấy rất lớn, lòng nóng như lửa đốt, có khi 4 - 5 đêm mất ngủ cũng không thể tìm cách nào về đích. May sao, những cơ chế kiểm soát hiệu quả đã được Chính phủ, Bộ GTVT đưa ra kịp thời.

Sau lễ phát động, quyết tâm của các nhà thầu được cụ thể hóa bằng chữ ký vào bản cam kết. Lượng máy móc, thiết bị huy động về công trường nhanh chóng tăng gấp đôi để vực dậy những đoạn tuyến dang dở”, ông Huy kể.

Với kỹ sư Trần Bá Luân, Chỉ huy trưởng gói thầu 2-XL thuộc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành tại dự án Phan Thiết - Dầu Giây, kỷ niệm với công trường là thời điểm vào dự án nhận nhiệm vụ, khối lượng công việc còn quá lớn: 300.000 tấn bê tông nhựa cần tiếp tục thảm; Trong 5 đồi đá thuộc phạm vi thi công, đồi 32 khó nhất còn tới 320.000m3 chưa được nổ phá.

Chưa kể, quá trình thi công đồi còn có rất nhiều chuyện không may xảy ra, 3 - 4 người phụ trách, người gặp chuyện gia đình, người xảy ra va chạm, người lại gặp chuyện làm ăn, người suýt nữa ngã từ trên xuống dưới. Không ít kỹ sư, công nhân bị ảnh hưởng tâm lý.

“Nhiều cuộc họp thông đêm thường xuyên diễn ra để tìm giải pháp. Tất cả lao vào thi công như tham gia một chiến dịch. Có những tháng cao điểm, khối lượng nổ lên tới 100.000m3, khi trước đó chỉ đạt 50.000 - 60.000m3/ngày. Thời gian phá đá thông đường chỉ mất 3,5 tháng thay vì 8 tháng so với biện pháp thi công thông thường”, ông Luân chia sẻ.

Đọng lại trong ký ức của vị chỉ huy trưởng còn là thời gian tăng ca từ 22h - 4h sáng, anh em lái máy chẳng buồn về nhà tắm rửa, ngủ ngay ở máy trên công địa vì quá mệt. Trên mỗi đoạn thảm còn là những công nhân ăn cơm ngoài đường, ngủ ở rãnh nước…

Tại dự án đoạn Mai Sơn - QL45, theo một cán bộ Ban Điều hành dự án, căng thẳng nhất đối với tất cả cán bộ, kỹ sư, công nhân tại dự án chính là thời điểm sau chuyến thị sát của Bộ trưởng Bộ GTVT. “Tối hậu thư” được Bộ trưởng đưa ra là tuyến chính phải được cơ bản hoàn thành, thông xe kỹ thuật trước ngày 31/12/2022.

Khi ấy, không ai dám nghĩ mục tiêu này có thể hoàn thành bởi khối lượng công việc còn quá lớn. Không ít cán bộ, chỉ huy phải bạc tóc suy nghĩ giải pháp thi công sao cho khả thi nhất và khấn cầu sao cho trời thôi đổ mưa triền miên.

Hơn 1 tháng từ chuyến đi của Bộ trưởng, các mũi thi công tiếp tục được duy trì “3 ca, 4 kíp”. Đều đặn hàng ngày các gói thầu bắt đầu ca làm việc từ sáng sớm đến 23h. Bữa trưa tranh thủ tại công địa, 18h chiều mỗi người thêm bữa ăn nhẹ, lại chiến đấu đến nửa đêm…

Để đẩy nhanh tiến độ các hạng mục hầm chui, nhà thầu còn gọi công nhân lành nghề từ khắp nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến và chấp nhận trả lương cao để thu hút lao động. Ban điều hành thậm chí còn động viên, thưởng tiền trực tiếp để khích lệ công nhân bám công trường, tăng năng suất. Nhà thầu làm đến đâu sẽ được thanh toán cuốn chiếu đến đó.

Tính đến nay, sản lượng thi công dự án đoạn Mai Sơn - QL45 (dài 63,37km) đạt khoảng 90%. Trong đó, hạng mục bê tông nhựa C12,5 đạt 90%, hệ thống ATGT đạt 70%.

Dự án đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (dài 99km) đạt sản lượng hơn 91%. Trong đó, bê tông nhựa C12,5 đạt hơn 98%, bê tông nhựa tạo nhám (lớp cuối cùng) đạt gần 57%; Lắp đặt dải phân cách đạt 98%, thi công tôn hộ lan đạt 67%.

Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết (dài 100,8km) đạt sản lượng hơn 82%. Công tác thảm bê tông nhựa dự kiến hoàn thành trước ngày 20/4, hạng mục ATGT hoàn thành trước ngày 25/4.

Đây là 3 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Nam Khánh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chuyen-chua-ke-lam-3-tuyen-cao-toc-hoan-thanh-dip-304-d587884.html