Chút tím Huế giữa ngày thường Đà Nẵng

Đà Nẵng, bạn bè tôi đủ mọi nghề nghiệp, tuổi tác, nhưng để tìm ra một chút "tím Huế - thơ Huế" quả thật không nhiều nếu không muốn nói là hiếm hoi. Dường như thời hiện đại, người ta dễ thường ngại một tâm hồn tim tím buồn thương, hoài cổ sẽ làm chậm chạp bàn chân đua bơi "tốc độ". Thế rồi có một lần tình cờ tôi gặp được một "mái hiên" - Một địa chỉ văn nghệ giữa lòng Đà Nẵng mà nồng nàn mùi hương của Huế: Quán em Hương Vỹ Dạ/ Mẹ đùa, chẳng vừa đâu (Lê Thị Ái Niệm).

Chính tại địa chỉ này, tôi gặp khá nhiều nhà thơ, nhà văn, nhiều văn nghệ sĩ. Cây cao bóng cả cũng có, mà thơ mơ trai tráng phong trần cũng có. Lúc sinh thời nhà thơ Khương Hữu Dụng, trong một đêm thơ nào đó đã góp mặt nơi này. Tôi còn nhớ, hình như vào đúng cái giờ phút men thơ đã xây thành sương khói, thành niềm hoan lạc cho hạnh phúc lên tiếng, thi sĩ đã hào hứng giới thiệu về mình bằng một câu nói hóm hỉnh tươi rói màu thanh xuân: "Ngồi quanh đây mình là người trẻ tuổi nhất, chỉ mới vừa đôi tám". Năm ấy nhà thơ vừa đúng 88 tuổi. Đi cùng ông đêm đó còn có nhà văn Bội Tỉnh. Và rồi tiếp tục bao cuộc thơ khác với những: Trinh Đường, Hạc Thành Hoa, Đàm Phi Vũ... Chưa hết, còn khá nhiều những gương mặt từng nức tiếng "giang hồ vặt" như: Đinh Vũ Ngọc, Hà Nguyên Dũng... Đạo mạo chân tu như Nguyễn Đông Nhựt cũng đã hào sảng véo von cùng tôi một lần nơi đây: "Có em bỗng đỡ nhớ quê nhà"!

Có một người khách khá đặc biệt, mà khi ngồi gần bà, ta có cảm tưởng như chạm được linh hồn thi sĩ Hàn Mặc Tử: "Một mai kia ở bên khe nước ngọc/ Với sao sương anh nằm chết như trăng...". Vâng, đấy là cụ Mai Đình. Không, gọi là chị Mai Đình mới đúng. Người yêu của nhà thơ tài ba mệnh bạc Hàn Mặc Tử đang ngồi cạnh chúng tôi đây, chị đọc thơ mình và của Hàn thi sĩ con tim sướt mướt một nỗi buồn nhuốm màu huyết lệ cổ sử. Ấy vậy mà đã hơn năm năm rồi, cho dù người quên kẻ nhớ, nơi đây vẫn tiếp tục đốt lên bao lần ngọn nến chong đỏ một tình yêu thơ ca mãnh liệt, một món nợ chẳng vay bao giờ mà phải trả. Đời đã được bao lần lụa mà tơ ấy cứ rút ruột nhả mải mê cùng anh em bạn bè mười phương. Cho dẫu bây giờ đa số văn nhân thi sĩ ấy đã thuộc về thế giới "những người muôn năm cũ".

Viết về "một chút tím Huế" sao tôi lại nói toàn chuyện đâu đâu.

Vâng, tại vì nó "tím Huế - thơ Huế"! Không như thế thì làm gì có chuyện tiễn người đi, ngóng người về. Dần hồi sau bao cuộc hội ngộ, chia tay, chúng tôi gọi nơi này là một "ga lẻ, ga nhỏ". Xin có đôi lời trần tình nơi đây để tránh những ngộ nhận như ta thường thấy cuộc nọ, cuộc kia, tung hô ồn ã. Chủ nhân của cái ga lẻ này chẳng khuôn vàng thước ngọc, cũng chưa hề sáng danh nhà nọ nhà kia. Đơn giản chị là một phụ nữ Huế, rất Huế, âm thầm lặng lẽ giữa ngày thường Đà Nẵng.

Em vẫn đi về vai áo chợ/ Ngậm ngùi đen trắng cõi người ta (Lê Thị Ái Niệm).

Thường vẫn một "thực đơn" được bày biện cho mọi cuộc gặp mặt chỉ toàn thơ đến thơ. Hào hứng lắm có khi phụ họa ít rượu gạo. Ngần đó thôi, vừa đủ cho bao năm bạn bè phương xa mỗi lần lưu lại Đà Nẵng đều bịn rịn một tấm lòng Huế không dứt: "Quán em Hương Vỹ Dạ".

Từ các CLB thơ ca ở Đà Nẵng, ít ai không biết đến cái tên Lê Thị Ái Niệm. Nhưng có một điều dường như ít ai biết đến, thơ chị từng có mặt trên tạp chí Văn học Sài Gòn vào những năm đất nước còn đang chiến tranh, nghĩa là đã hơn 40, 50 năm rồi. Thời gian đó, nói cho phong trần một chút - đã xanh rêu một tâm hồn thơ rất mực thủy chung của một "tín đồ" ngoan đạo. Cô gái mười tám, đôi mươi của một thời Đồng Khánh xa xưa ấy, đã mang theo chút hành trang "Huế tím" ăn ở mặn mòi cùng Đà Nẵng ngót tuổi thanh xuân của mình. Giờ đây "chút tím" ấy đã qua cái lớp thất thập. Cái giọng thơ ướt mềm sương khói ngày xưa giờ cũng đã khàn rồi, thế mà vẫn cứ còn mê mải... "Ngứa cổ hát chơi".

Khát khao là thế, mà chờ mãi đến khi qua khỏi năm 2000 chị Lê Thị Ái Niệm mới cho ra đời tập thơ đầu của mình. Tập thơ có tên gọi "Sang mùa". Và rồi sau đấy thơ chị tiếp tục xuất bản. Nhưng ấn tượng nhất có lẽ là giai phẩm Quán Văn đã dành hơn một nửa dung lượng cho thơ Lê Thị Ái Niệm.

Thực ra tên gọi "Sang Mùa", hoặc tên mùa màng nào khác có lẽ cũng chỉ là tượng trưng có tính ước lệ một thời gian không biên giới. Mùa xuân hay mùa hạ, mùa thu hay mùa đông? Mơ hồ hết thảy. Một giấc ngủ đi qua chợp mắt thức dậy đã thấy sang mùa. Một giấc mơ đánh thức những ngày gian lao cơm áo, bay lên hân hoan bắt gặp một tình yêu nào đó và gọi tên sang mùa. Mùa chợt đến chợt đi nên sự hiện hữu của nó là khát vọng, có khi là nỗi nhớ: Khi mai ta thức dậy/ Thấy sương mưa ngậm ngùi/ Đời như là giấc mộng/ Tri kỷ không tăm hơi (Sang mùa).

Dòng sông nào dừng lại, dòng sông đó tự xóa tên mình. Và dòng sông của Lê Thị Ái Niệm có cách chảy riêng cho mình. Xiết lũ can trường hay vỗ về một lần nguy biến: "Nếu anh bỏ em thì dòng sông vẫn chảy/ Thì thu mưa hạ nắng vẫn nồng nàn". Có vẻ như gần suốt một đời ăn ở cùng Đà Nẵng, tâm hồn chị có phần nào nhuốm màu phong vị của xứ sở "Đất chưa mưa đà thấm" chăng? Người ở phương Nam xa thăm thẳm/ Mà hồn tri kỷ vướng đâu đây/ Bao năm gió cuốn mây bay mãi/ Xao xuyến chiều lên nước sông đầy (Chiều Đà Nẵng).

Thơ Lê Thị Ái Niệm đôi khi là sự nối tiếp những con đường phuợng bay của một thời xa xưa ấy, cho đến sự chín mùi òa vỡ một niềm hạnh phúc bay bổng chon von chót vót một mình: "Tình như con hạc trắng/ Đời như cánh hoàng lan/ Trăm năm tinh khí đọng/ Đêm mãi mãi tân hôn" (Không đề).

Sao tôi yêu cái "Đêm mãi mãi tân hôn" đến như thế. Hình như với thơ, người yêu nó, say nó, luôn là những "đêm tân hôn". Cái đêm mà đôi chân xương thịt tựa hồ như mất dấu trên đường để nhẹ hẫng bay lên. Chính những khoảnh khắc nối tiếp khoảnh khắc như thế, người ta dễ dàng đánh mất tuổi tác, thời gian, ùa vào lòng thiên nhiên tìm nhau mà sinh thành, mà hợp hôn, mà mặc khải cùng đất trời tấm thân thi sĩ sinh ra là tận hiến. Và từ tâm thành đa mang hệ lụy ấy, những "mái hiên", những "ga lẻ" hiện ra trong đời nỗi ấm áp nỗi cô đơn thường hằng trong máu huyết của "loài chim lạ" xây tổ hát chơi. Và một trong những "chiếc tổ" mà tôi gặp vào sớm mai nào đó giữa ngày thường Đà Nẵng lại nhuốm màu tím Huế, có tên gọi "Sang mùa". Ơ hay, thì ra nó "Sang mùa" chính là nó đang tuần hoàn mùa lại mùa. Vẫn cái màu tím ấy tiềm ẩn trong thơ Niệm, không được rõ ràng cho lắm, nhưng thanh âm ấy không chối cãi vào đâu được. "Sông đầy nhưng máu người là biển. Chở mấy dòng sông trở lại nguồn. Em mơ một thuở dừng chân lại. Xõa tóc bên cầu để nhớ thương"... Dừng sao được mà dừng, hãy tím đến tận đầu nguồn cuối bể nhé Niệm ơi, Huế ơi!

NGUYỄN NHÃ TIÊN

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5433/202304/chut-tim-hue-giua-ngay-thuong-da-nang-3943329/