Chụp được vật thể vũ trụ chưa từng thấy: 'Thây ma' 2 khuôn mặt

Dữ liệu mà một đài thiên văn Mỹ ghi nhận về Janus - thây ma vũ trụ mang tên vị thần hai mặt của La Mã - khiến các nhà thiên văn hoàn toàn bối rối.

Janus là một sao lùn trắng. Gọi sao lùn trắng là "thây ma" bởi nó là tàn tích của ngôi sao đã cạn năng lượng và "chết" một lần. Tuy nhỏ bé nhưng nó mang năng lượng lớn và vẫn có thể hoạt động theo một số cách, bao gồm "ăn thịt" bạn đồng hành và thậm chí bảo lưu các hành tinh con nếu có.

Janus gây hoang mang khi xuất hiện trong quá trình quét bầu trời bằng thiết bị ZTF của Đài thiên văn Palomar thuộc Viện Công nghệ California (Caltech- Mỹ) với hai bán cầu hoàn toàn khác biệt.

Sao lùn trắng 2 khuôn mặt Janus trong hình ảnh đã được đồ họa thông qua dữ liệu mà các kính viễn vọng ghi nhận được - Ảnh: K. Miller, Caltech/I PAC

Thây ma vũ trụ này nằm cách chúng ta 130 năm ánh sáng trong chòm sao Ngưu Lang, mới 100 triệu năm tuổi, có khối lượng bằng 1,35 lần khối lượng Mặt Trời dù bán kính chỉ 2.140 km.

Nó gây chú ý từ lâu bởi sự thay đổi đột ngột về độ sáng. Vì vậy, nhà thiên văn học Ilaria Calazzo từ Caltech đã quyết định điều tra thêm bằng các thiết bị quan sát CHIMERA và HiPERCAM của Đài thiên văn Palomar, cũng như HiPERCAM của Kính viễn vọng lớn Canarias ở Ý.

Sử dụng quang phổ kế, họ có thể phân tích thành phần hóa học của vật thể và nhận thấy một mặt của nó chỉ toàn hydro, mặt kia chỉ toàn heli, thay vì kết hợp giữa hai loại như các ngôi sao bình thường.

Các tác giả thừa nhận họ gặp khó khăn trong việc đưa ra giả thuyết khả thi về sự "hai mặt" của Janus.

Một giả thuyết cho rằng sự hai mặt này thật ra là một giai đoạn tiến hóa hiếm gặp và chỉ là tình trạng tạm thời.

"Không phải tất cả, nhưng một số sao lùn trắng chuyển đổi thứ chiếm ưu thế trên bề mặt của nó từ hydro sang heli. Chúng tôi có thể đã bắt gặp một cái như vậy" - TS Caiazzo nói.

Theo lý thuyết phổ biến nhất về sao lùn trắng, các nguyên tố nặng hơn chìm xuống lõi ngay khi chúng được hình thành, trong khi thứ nhẹ nhất là hydro nổi lên bề mặt. Nhưng qua thời gian, các nguyên tố bắt đầu trộn lẫn với nhau khi thây ma này nguội đi.

Giả thuyết thứ hai là do từ trường của sao lùn trắng này không cân đối, một bên mạnh hơn bên kia dẫn đến sự phân bố vật chất không đồng đều, cụ thể là một đại dương toàn hydro ở nơi từ trường mạnh nhất.

Các phát hiện vừa được công bố trên tạp chí Nature, tuy nhiên nhóm tác giả cho rằng cần tìm hiểu thêm vì họ vẫn chưa chứng minh rõ ràng được cả hai giả thuyết.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khoa-hoc/chup-duoc-vat-the-vu-tru-chua-tung-thay-thay-ma-2-khuon-mat-20230721085306986.htm