Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn góp phần phát triển kinh tế- xã hội vùng nông thôn

– Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010 diễn ra ngày 25/2, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định: "Sau 5 năm nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần cải thiện điều kiện sống, nâng cao nhận thức của người dân khu vực nông thôn, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế -xã hội của đất nước, đặc biệt là với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa."

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, Chương trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là một chương trình mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc. Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010 đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2010: 85% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh ; 70% số hộ gia đình sống ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; đảm bảo 70% số hộ nông dân chăn nuôi có chuồng, trại hợp vệ sinh; cố gắng tập trung để đến năm 2010 tất cả các nhà trẻ, trường học, trường mầm non, trạm xá, trụ sở xã ở nông thôn có đủ nước sạch và có đủ nhà tiêu hợp vệ sinh; từng bước giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm quy mô thôn, xã. Trong 5 năm qua, Chương trình cũng bị tác động đáng kể bởi biến đổi khí hậu cực đoan dẫn đến suy giảm nghiêm trọng nguồn nước; khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng như tình hình lạm phát tăng cao, ảnh hưởng tới kết quả thực hiện Chương trình. Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện, Chương trình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đến cuối năm 2010, mục tiêu cấp nước hợp vệ sinh cho người dân nông thôn đã cơ bản đạt được. Tổng số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là hơn 52 triệu người, tăng 13,2 triệu người so với cuối năm 2005; tỷ lệ số hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng từ 62% (năm 2005) lên 83%, trung bình tăng 4,2%/năm (tương đương với tốc độ tăng của giai đoạn (1999-2005). Một số địa phương cũng đã đạt được mục tiêu cấp nước sạch và có nhà tiêu hợp vệ sinh tại các trường học. Đã có khoảng 32 nghìn trường học phổ thông, nhà trẻ, mẫu giáo có nước sạch và công trình vệ sinh, số trường học có nước sạch và công trình vệ sinh tăng hơn 4 nghìn trường, trung bình tăng 2%/năm nâng tỷ lệ trường học có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 84%. Ngoài ra, các tỉnh như An Giang, Cà Mau, Vĩnh Long, Long An... đã có 100% trường học, trạm y tế có nước sạch và có nhà vệ sinh. Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng một số mục tiêu của Chương trình còn chưa đạt, nhất là các mục tiêu vệ sinh môi trường nông thôn. Đã có khoảng 11,5 triệu hộ gia đình có nhà tiêu, trung bình tăng 2%/năm, nâng tỷ lệ số hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh là 50% cuối năm 2005 lên 60% cuối năm 2010. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn thấp hơn 10% so với mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, vệ sinh môi trường nông thôn đã có cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn đang ngày càng gia tăng, việc thu gom rác thải, nước sinh hoạt còn chưa được quan tâm đúng mức. Phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những tồn tại này, Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 3 (2011-2015) đề ra mục tiêu sẽ có 95% số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 60% được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế, với số lượng ít nhất là 60 lít/người/ngày; 75% số gia đình ở nông thôn có nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn; 65% số hộ nông dân chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh, trong đó 30% chuồng trại được xử lý bằng hầm bi-ô-ga. Tất cả các trường học mầm non, phổ thông, trạm y tế xã, chợ, trụ sở xã ở nông thôn đủ nước sạch, nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn và được quản lý, sử dụng tốt; 60% số xã được thu gom rác thải sinh hoạt; tiếp tục giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải, nước thải sinh hoạt và các làng nghề. Bên cạnh đó, ít nhất 80% người dân nông thôn, nhất là hộ nghèo được tiếp cận với các thông tin thúc đẩy vệ sinh hộ gia đình, bao gồm các loại công trình nhà vệ sinh, cấp nước sạch và phương án tài chính phù hợp nhu cầu, sở thích và khả năng chi trả, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, giữ gìn vệ sinh môi trường. Chương trình cũng đặt mục tiêu hướng tới 100% học sinh các trường mầm non, phổ thông tham gia các hoạt động tại trường học thúc đẩy vệ sinh an toàn./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=447577&co_id=30179