Chương trình mới đáp ứng đa dạng nhu cầu học tập

Từ thực tế làm công tác quản lý giáo dục ở địa phương, ông Hà Huy Giáp - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Bắc Giang - chia sẻ những nhận định về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Trong đó, nêu rõ những ưu điểm nổi bật của dự thảo chương trình và một số góp ý giúp hoàn thiện dự thảo.

5 ưu điểm nổi bật

Theo ông Hà Huy Giáp, dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã bám sát quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 29-TW/NQ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đó là chuyển từ giáo dục tiếp cận nội dung sang hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất người học và xây dựng nền giáo dục theo hướng mở.

Điều này được thể hiện rõ trong mục tiêu giáo dục, bố trí và sắp xếp các môn học, kế hoạch, nội dung, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục của các cấp học. Riêng đối với cấp tiểu học, dự thảo đã thể hiện rõ các nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất, Chương trình giáo dục quy định rõ yêu cầu cần đạt của học sinh về các phẩm chất là: yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm; các năng lực là: tự chủ và tự học; giao tiếp và hợp tác; giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Các phẩm chất, năng lực nhằm giúp học sinh trở thành người phát triển hài hòa về thể chất và tình thần; tích cực, tự tin, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hóa, cần cù, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới.

Thứ hai, dựa trên nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông, các trường được tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục riêng cho trường mình một cách linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của địa phương, bảo đảm mục tiêu và chất lượng giáo dục.

Thứ ba, chương trình định hướng rõ các nhà trường được chủ động lựa chọn không gian tổ chức hoạt động giáo dục ở trong và ngoài khuôn viên nhà trường thông qua một số hình thức chủ yếu như học lý thuyết, thực hiện bài tập, thí nghiệm, trò chơi, đóng vai, dự án nghiên cứu, tham quan, cắm trại, đọc sách, sinh hoạt tập thể, phục vụ cộng đồng.

Thư tư, Chương trình quy định các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn đáp ứng được đa dạng nhu cầu học tập của học sinh và phát huy hết tiềm năng của mỗi cá nhân.

Thứ năm, Chương trình chỉ quy định những nguyên tắc, định hướng chung về yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục, không quy định quá chi tiết; để tạo điều kiện cho tác giả sách giáo khoa và giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình.

Một số góp ý

Từ thực tế giáo dục ở địa phương, ông Hà Huy Giáp cho rằng, thời gian mỗi tiết học ở tiểu học nên thống nhất, cụ thể là từ 30 đến 40 phút.

Tên môn học "Cuộc sống quanh ta" ở lớp 1, 2, 3 nên đổi tên thành môn "Tìm hiểu tự nhiên và xã hội" để liên thông với môn học "Tìm hiểu tự nhiên" và môn học "Tìm hiểu xã hội" của lớp 4, 5.

Bên cạnh đó, trong phần "Biểu hiện về năng lực chuyên môn của học sinh", một số biểu hiện chưa nêu cụ thể mức độ của các năng lực. Ví dụ:

Năng lực tìm hiểu tự nhiên: "Có một số kiến thức cơ bản ban đầu về sự đa dạng của thế giới tự nhiên xung quanh; về sự cần thiết phải bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu" nên sửa thành "Nhận biết ban đầu, đơn giản về sự đa dạng của thế giới tự nhiên xung quanh; về sự cần thiết phải bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu" thì nên sửa thành".

Năng lực tính toán: "Có những kiến thức và kỹ năng toán học cơ bản ban đầu về: Số học (số tự nhiên, phân số, số thập phân) và thực hành tính toán với các số...." nên sửa thành "Biết thực hiện những kỹ năng toán học cơ bản ban đầu về: Số học (số tự nhiên, phân số, số thập phân) và thực hành tính toán với các số,....".

Ông Hà Huy Giáp cũng bày tỏ băn khoăn về việc triển khai các môn học tăng thêm như Ngoại ngữ, Tin học (trước đây là môn học tự chọn nay trở thành các môn học bắt buộc) vì khó khăn liên quan đến số lượng và chất lượng giáo viên chưa đảm bảo, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học dành cho 2 môn học này ở các nhà trường còn nhiều khó khăn. Mặt khác, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày chưa cao nên khó sắp xếp thời lượng cho 2 môn học.

Khẳng định hoạt động trải nghiệm sáng tạo là nội dung hết sức quan trọng trong việc hình năng lực, phẩm chất cho học sinh. Tuy nhiên, theo ông Hà Huy Giáp, khi triển khai hoạt động này với tư cách là một môn học bắt buộc, các nhà trường sẽ có một số khó khăn, thách thức như: Nội dung, hình thức tổ chức liên quan đến nhiều môn học; học sinh cần phải có nhiều kỹ năng khi tham gia hoạt động; giáo viên chưa được đào tạo; sắp xếp thời gian học phù hợp; cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn; kinh phí tổ chức còn hạn hẹp; sự ủng hộ, phối hợp của phụ huynh và cộng đồng còn hạn chế.

Cuối cùng, ông Hà Huy Giáp cho rằng, để có thể triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2018 - 2019, Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành quyết định về Chương trình giáo dục phổ tổng thể để các cơ sở giáo dục có căn cứ chuẩn bị các điều kiện thực hiện chương trình mới một cách tốt nhất.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/chuong-trinh-moi-dap-ung-da-dang-nhu-cau-hoc-tap-3223947-v.html