Chương trình giáo dục phổ thông mới khó chồng khó

Chương trình giáo dục phổ thông mới khi triển khai đến Đăk Lăk, ngoài khó khăn do nội dung được cho là khá nặng, dàn trải còn là sự thiếu đồng bộ trong cách thức giảng dạy khi trang thiết bị đồ dùng học tập, khó càng chồng khó.

Sau hơn 1 tháng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới dành cho học sinh khối lớp 1, tại Đăk Lăk, bên cạnh những khó khăn về nội dung chương trình học được đánh giá là nặng thì sự thiếu đồng bộ trong các thiết bị hỗ trợ giảng dạy đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình truyền tải kiến thức đến các em

Một tiết học Tiếng Việt theo chương trình giáo dục phổ thông mới ở trường tiểu học Lê Lợi, huyện Cư Mgar, tỉnh Đăk Lăk.

Hơn 5 tuần học đã trôi qua, nhưng nhiều học sinh lớp 1 trường tiểu học Lê Lợi, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư Mgar, tỉnh Đăk Lăk vẫn không thể nhớ mặt chữ hoặc nhầm lẫn giữa các chữ cái với nhau. Số học sinh quên mặt chữ tỉ lệ thuận với số tiết học ngày càng tăng.

Theo cô Hồ Thị Tịnh, giáo viên lớp 1A, dù đã có sự cân nhắc rất kỹ trong quá trình chọn lựa sách giáo khoa theo năng lực học sinh tại địa phương nhưng nội dung chương trình mới khá nặng đã không thể đáp ứng được yêu cầu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra.

“Phần đưa vào cho học sinh đọc câu, đọc tiếng, đọc đoạn văn rất sớm so với khả năng của các em. Từ đó tạo cho các em khó khăn trong việc học. Có những em nhìn vào đoạn văn ngay ở mấy tuần đầu các em bị ngợp trong quá trình học tập. Giá như đưa các em đi dần dần, từ từ từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp để các em điều chỉnh cách học tập từ từ sẽ tốt hơn”, cô Tịnh nói.

Tại trường tiểu học Trần Quốc Toản, thị trấn Ea Pốc, huyện Cư Mgar nơi có 100% học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số. Việc triển khai chương trình sách giáo mới được đặc biệt chú trọng.

Chương trình giáo dục phổ thông mới khi triển khai đến Đăk Lăk, ngoài khó khăn do nội dung được cho là khá nặng, dàn trải còn là sự thiếu đồng bộ trong cách thức giảng dạy khi trang thiết bị đồ dùng học tập, khó càng chồng khó.

Cô Hoàng Thị Cúc, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A cho biết, trước khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cô cùng nhiều giáo viên trong trường đã được tập huấn kỹ về nội dung, phương pháp giảng dạy mới.

Khi chọn sách giáo khoa, ban giám hiệu nhà trường cùng hội cha mẹ học sinh đã thống nhất chọn sách Tiếng Việt giảng dạy tại trường là Bộ “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”. Đây là bộ sách được đánh giá là nhẹ nhàng và phù hợp nhất so với 4 bộ sách còn lại dành cho học sinh của trường.

Tuy nhiên, qua hơn 1 tháng giảng dạy, rất nhiều khó khăn đang hiển hiện khi những gì cô được tập huấn lại khác xa với thực tế. Nhất là cơ sở vật chất và thiết bị dạy học không đáp ứng được theo chương trình phổ thông mới.

“Trong tập huấn có đồ dùng đầy đủ cho các thầy các cô, còn ở đây các cô không có. Các cô chỉ dạy chay thôi, nhìn vào trong sách đưa sách lên để học sinh nhìn vào đó học thôi. Cho nên một tiết học như vậy 3-4 âm học sinh mới học âm này lại qua âm khác rất khó cho các em còn cứ để các em luyện thì các cô dạy không kịp”, cô Hoàng Thị Cúc cho biết.

Năm học 2020-2021, với chương trình sách giáo khoa mới, học sinh lớp 1 được thực hiện đầy đủ các kỹ năng: Nghe - nói - đọc - viết thông qua các hoạt động giúp phát triển năng lực. Các môn học được tổ chức theo không gian mở, sáng tạo và linh hoạt.

Vì vậy, để chương trình thực sự hiệu quả ngoài sự nỗ lực của giáo viên đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn từ phụ huynh và sự đồng bộ trong thiết bị giảng dạy. Nhưng hiện nay ngoài 1 số cơ sở giáo dục có điều kiện xã hội hóa thì hầu hết các trường tiểu học ở Đăk Lăk khó đáp được các điều kiện này.

Bà Phạm Thị Thúy, Hiệu Trưởng trường tiểu học Lê Lợi, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư Mgar, tỉnh Đăk Lăk cho rằng: Tôi nghĩ phải có sự khảo sát lại từ Bộ cho đến chính quyền địa phương phải quan tâm để giúp cho phòng ốc, trang thiết bị bên trong được đảm bảo, đồng bộ, cơ sở trường học có đủ điều kiện để các con tiếp cận được chương trình này.

Có thể thấy, chương trình giáo dục phổ thông mới khi triển khai đến Đăk Lăk, ngoài khó khăn do nội dung chương trình được đánh giá là khá nặng, dàn trải còn là sự thiếu đồng bộ trong cách thức giảng dạy khi trang thiết bị đồ dùng học tập đi kèm không đảm bảo đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc truyền tải kiến thức cho các em. Từ đó chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai tại Đăk Lăk được xem là khó càng chồng khó. /.

Hương Lý/VOV- Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-kho-chong-kho-784575.vov