Chương trình 04-CTr/TU giúp nông nghiệp, nông thôn Hà Nội ngày càng đi vào chiều sâu

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá, Chương trình 04-CTr/TU đã giúp nông nghiệp, nông thôn Thủ đô ngày càng đi vào chiều sâu; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao;...

Ngày 21/4, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, giai đoạn 2021 - 2025”.

Các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội

15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới

Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 04-CTr/TU cho biết, từ năm 2021 đến nay, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU đã tiến hành kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình tại các huyện, thị xã; tổ chức họp giao ban hàng quý để đánh giá tiến độ, kết quả chỉ đạo và tổ chức thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, ban hành các thông báo kết luận tại cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU và kiểm tra thực tế tại cơ sở để giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành thực hiện…

Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình số 04, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình số 04-CTr/TU được chuyển biến rõ rệt. Kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; các hoạt động văn hóa - xã hội, thể thao có chuyển biến tiến bộ. Người dân nông thôn có đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú. Bản sắc văn hóa được giữ gìn, tạo sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững; chính trị - xã hội và quốc phòng - an ninh được đảm bảo; an sinh xã hội được chăm lo, đời sống của nhân dân được cải thiện…

Chương trình số 04-CTr/TU có 33 chỉ tiêu. Đến nay, đã có 23/33 chỉ tiêu vượt kế hoạch, hoàn thành kế hoạch hoặc đảm bảo lộ trình đạt kế hoạch. Có 8 chỉ tiêu đã vượt kế hoạch giai đoạn 2021 - 2022 và hoàn thành so với mục tiêu của Chương trình năm 2025 gồm: Tỷ lệ các xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ; Tỷ lệ các thôn được phủ sóng di động 3G/4G/5G hoặc internet băng rộng; Cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của Thành phố; Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Sản phẩm OCOP được công nhận; Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ; Tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải.

Hà Nội hiện có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 111 xã nông thôn mới nâng cao, 20 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Ngoài ra, có 10 chỉ tiêu đạt kế hoạch giai đoạn 2021 - 2022 và dự kiến đảm bảo lộ trình đạt kế hoạch giai đoạn đến năm 2025; 2 chỉ tiêu cơ bản hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2021 - 2022 và dự kiến đảm bảo lộ trình đạt kế hoạch giai đoạn đến năm 2025.

Còn lại 3 chỉ tiêu dự kiến đảm bảo lộ trình đạt kế hoạch giai đoạn đến năm 2025 gồm: Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% các huyện, các xã đạt chuẩn nông thôn mới; 20% huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đặc biệt, đến nay, Hà Nội có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 4 huyện (Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì) đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND Thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Toàn Thành phố cũng có 111 xã nông thôn mới nâng cao, 20 xã nông thôn mới kiểu mẫu...

Tốc độ tăng giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân hàng năm 3,03%. Thành phố cũng có 149 chuỗi liên kết được duy trì và phát triển, trong đó, có 57 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc từ sản phẩm chăn nuôi, 92 chuỗi có nguồn gốc từ sản phẩm trồng trọt.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 56,3 triệu đồng/người/năm. Toàn Thành phố cũng còn 3.612 hộ nghèo, tỷ lệ 0,16% và 30.176 hộ cận nghèo, tỷ lệ 1,38%. Có 3 huyện không còn hộ nghèo theo chuẩn mới: Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức.

Hơn 2 năm, tổng huy động nguồn lực thực hiện Chương trình 04-CTr/TU là 46.778 tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách Thành phố là 22.129 tỷ đồng, chiếm 47,3%; nguồn ngân sách huyện là 19.951,7 tỷ đồng, chiếm 42,7%; ngân sách xã là 1.955,7 tỷ đồng, chiếm 4,2%; vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước là 2.741,6 tỷ đồng, chiếm 5,8%. Ngoài ra, có 9 quận đã hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí là 469,5 tỷ đồng.

Trải qua hơn 2 năm triển khai, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệm quý giá để có định hướng chỉ đạo phù hợp trong bối cảnh mới.

Hà Nội đang dẫn đầu về số lượng hợp tác xã

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá, Chương trình 04-CTr/TU đã giúp nông nghiệp, nông thôn Thủ đô ngày càng đi vào chiều sâu; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao; cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch tích cực; nông sản phát triển theo hướng tích hợp đa giá trị...

“Hà Nội đang dẫn đầu về số lượng hợp tác xã. Những làng nghề truyền thống đa dạng bản sắc ngày càng phát triển, không chỉ giúp cải thiện đời sống cho người dân mà còn gìn giữ văn hóa. Nông thôn Thủ đô đã và đang khơi gợi sức sống mới, năng động và ngày một văn minh hơn...”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, dư địa của phát triển nông nghiệp Hà Nội vẫn còn rất lớn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, dư địa của phát triển nông nghiệp Hà Nội vẫn còn rất lớn, và Thành phố cần khai quật tiềm năng riêng có của mình trên cơ sở đổi mới tư duy. Đặc biệt, nông nghiệp nếu được tổ chức hài hòa trong đô thị sẽ giúp tối ưu hóa chi phí vận chuyển; tăng khả năng cung cấp tại chỗ, giảm chi phí và góp phần bảo đảm tiêu dùng tại chỗ.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đồng hành cùng Hà Nội kiến tạo những không gian phát triển mới mẻ hơn cho nông nghiệp, nông thôn…”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Về mục tiêu của Chương trình số 04 giai đoạn 2023 - 2025, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Hà Nội cần kích hoạt đời sống cộng đồng nông thôn, nhưng không tạo xung đột giữa hiện đại và bản sắc; nâng cao năng lực cộng đồng, dần hình thành đội ngũ nông dân mới; tạo không gian rộng mở phục vụ sản xuất.

Đồng thời, cần tính đến hình thành các cụm liên kết ngành nông - công nghiệp hài hòa đầu vào - đầu ra; các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp và chuỗi ngành hàng.

Thành phố Hà Nội cũng cần thúc đẩy phát triển các mô hình “bất động sản nông nghiệp”, để vừa ở vừa sản xuất nông nghiệp quy mô gia đình, là nơi cung cấp thực phẩm và thư giãn cuối tuần để có thể trải nghiệm… Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thí điểm cơ chế đặc thù về mô hình “sàn cho thuê đất nông nghiệp”, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hà Nội có thể liên kết các hợp tác xã, thí điểm hợp nhất để tạo ra những hợp tác xã có quy mô lớn hơn; hướng tới nền kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Nếu có các liên hiệp hợp tác xã mạnh, Hà Nội có thể tạo ra hình thái mới cho phát triển nông nghiệp…

Hà Nội phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2025

Kết luận Hội nghị, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, Thành ủy Hà Nội luôn xác định Chương trình xây dựng nông thôn mới có tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn và thời gian thực hiện lâu dài, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, Thành phố phấn đấu, đến năm 2025, sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế, Thành phố phấn đấu, đến năm 2025, sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 100% huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…

Để thực hiện được mục tiêu đó, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo từ Thành phố đến cơ sở cùng các ban ngành chức năng, MTTQ và các đoàn thể cần tiếp tục rà soát, bám sát các định hướng, mục tiêu, Nghị quyết của Trung ương và Thành phố.

Tập trung xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ theo tiêu chí đô thị; môi trường xanh, sạch, đẹp; đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải gắn với không gian di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; bảo vệ các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc cao đẹp.

Bà Nguyễn Thị Tuyến đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, thực chất hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn. Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên đất, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững các hệ sinh thái. Chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp và an toàn cho nhân dân.

Hà Nội đặt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, thực chất hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn trong thời gian tới.

Trong giai đoạn 2023 - 2025, Hà Nội sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái. Thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy lưu ý đến công tác bảo vệ môi trường nông thôn, phát triển các mô hình thôn xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn và văn minh làm tiền đề cho phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn Thành phố về lâu dài. Đồng thời, bảo tồn được hồn cốt văn hóa nông thôn của Thủ đô, cũng như hình thành các vành đai xanh sinh thái, bao bọc cho vùng trung tâm Thủ đô.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện xây dựng nông thôn mới ở các cấp, các ngành, nhằm phát hiện mô hình mới, cách làm sáng tạo, để chỉ đạo phổ biến nhân rộng; đồng thời, phát hiện những khó khăn, vướng mắc, những hạn chế, khuyết điểm để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ...

Chương trình số 04-CTr/TU được Thành ủy Hà Nội ban hành ngày 17/3/2021 và là một trong 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội khóa XVII.
Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU, do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy làm Trưởng Ban.
Thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 11/10/2021, cụ thể hóa nhiệm vụ cho từng năm, từng địa phương, từng sở, ngành kèm theo kinh phí để thực hiện.
HĐND Thành phố Hà Nội cũng đã ban hành 2 Nghị quyết bố trí vốn cho các dự án thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022 và năm 2023…

Hồng Minh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chuong-trinh-04-ctrtu-giup-nong-nghiep-nong-thon-ha-noi-ngay-cang-di-vao-chieu-sau-d188226.html