'Chúng tôi thay nhau đánh quân địch và đã chiến đấu, chiến thắng ở đây'

Tiểu đội trưởng Phạm Bá Miều rưng rưng nhớ lại: 'Khi hoàn thành nhiệm vụ, Tiểu đội chỉ còn 5 đồng chí. Chúng tôi thay nhau đánh quân địch và đã chiến đấu, chiến thắng ở đây'.

Là một trong những chiến sĩ trực tiếp chỉ huy, chiến đấu cùng đồng đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Phạm Bá Miều, 94 tuổi – là Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 76, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 không khỏi xúc động khi nhớ lại thời khắc hào hùng khi giành chiến thắng sau 56 ngày đêm "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non. Gan không núng. Chí không mòn".

Các chiến sĩ Điện Biên thăm, viếng đồng đội đang an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1.

Ngày 4/5, ông Phạm Bá Miều cùng các chiến sĩ Điện Biên đang sinh sống tại tỉnh Điện Biên đã có mặt tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1 để thắp cho các Anh hùng, liệt sĩ nén nhang, ôm lấy phần mộ của các anh trong niềm tiếc thương vô hạn. Bởi đây là nơi an nghỉ của 644 chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 - đó là những đồng đội của ông Phạm Bá Miều.

Nhớ lại thời khắc khốc liệt nhất của Chiến dịch, ông Phạm Bá Miều nghẹn ngào: "Lúc bấy giờ, tôi phụ trách 1 Tiểu đội. Trong 56 ngày đêm, trận đánh mà Tiểu đội chúng tôi hy sinh nhiều nhất là ngày 4 và ngày 5/5/1954. Khi hoàn thành nhiệm vụ, giành chiến thắng thì Tiểu đội chỉ còn 5 đồng chí thôi".

Ông Phạm Bá Miều (bên phải) cùng đồng đội tìm tên của các Liệt sĩ của Tiểu đội mình phụ trách.

Tiểu đội trưởng Phạm Bá Miều khóe mắt cay cay nói thêm, tối 7/5/1954, các tiểu đội ngồi lại với nhau và ông có nói rằng "sống rồi, chúng ta sống rồi". Dù vui trong chiến thắng nhưng trong sâu thẳm trái tim tất cả đều cảm thấy đau thương lắm, bởi chỉ trong một Tiểu đội 11 đồng chí do ông phụ trách mà có tới 6 đồng chí đã hy sinh.

"Chưa có một trận chiến nào mà chúng tôi đau thương, mất mát như thế", Tiểu đội trưởng Phạm Bá Miều rưng rưng nói.

Tiểu đội trưởng Phạm Bá Miều thắp cho các đồng đội, đồng chí nén nhang dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ông Phạm Bá Miều cho biết thêm, các anh hy sinh, nằm xuống mà bản thân các anh cũng chưa kịp biết mình đã hy sinh. Dũng cảm đến như thế đấy. bởi tất cả đều không nghĩ đến sự sống, cái chết mà chỉ biết rằng nỗ lực quên mình để hoàn thành nhiệm vụ để chiến đấu, chiến thắng…

Chia sẻ thêm về thời điểm chiến đấu vô cùng khốc liệt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Tiểu đội trưởng Phạm Bá Miều nói, trận địa Điện Biên Phủ khác nhiều so với những trận địa khác. Nếu ở các trận địa khác, một đêm Tiểu đội có thể tấn công được 2 đồn giặc mà không mất mát đồng chí nào. Nhưng, ở Điện Biên Phủ trong 56 ngày đêm thì có hàng trăm trận.

"Chúng tôi thay nhau đánh quân địch và đã chiến đấu, chiến thắng ở đây", Tiểu đội trưởng Phạm Bá Miều nói.

Năm nào đúng vào dịp lễ ông Miều cũng có mặt tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1 để thắp cho các đồng đội nén nhang, ôm lấy phần mộ của các anh...

Nhớ lại lúc lập nghĩa trang, Tiểu đội trưởng Phạm Bá Miều kể lại: "Lúc bấy giờ sau khi nơi này được lựa chọn để làm nghĩa trang an táng các Anh hùng, liệt sĩ, chúng tôi đã đào 60 huyệt nhưng chỉ tìm được 58 thi thể. Có thi thể còn nguyên vẹn nhưng cũng có nhiều đồng đội, chiến sĩ không còn nguyên vẹn".

Chiến sĩ Phạm Bá Miều cho biết thêm, bản thân ông vẫn nhớ như in hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa tay chào các Anh hùng, liệt sĩ trước khi mai táng. "Đó là sự đau thương, mất mát vô cùng to lớn. Bởi, những đồng đội đã ngã xuống từng sẻ từng miếng cơm trong chiến hào, hứa hẹn nhau hoàn thành nhiệm vụ. Vừa hôm qua còn hứa hẹn mà hôm sau đã mất rồi…".

Chia sẻ thêm về Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Tiểu đội trưởng Phạm Bá Miều cho hay, năm nào đúng vào dịp lễ cũng có mặt tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1 để thắp cho các anh nén nhang, ôm lấy phần mộ của các anh...

Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1 là nơi yên nghỉ của 644 chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Sau 2 lần quy hoạch, đầu tư sửa chữa, nâng cấp, mở rộng (vào các năm 1994, 2013) Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1 trở thành công trình văn hóa-lịch sử, hội tụ tính trang nghiêm, bền vững, thẩm mỹ, có kiến trúc và quy mô hợp lý, phù hợp với tầm vóc của Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Video: Nước mắt thương nhớ đồng đội của Chiến sĩ Điện Biên khi tới Nghĩa trang Liệt sĩ A1.

Lê Bảo - Tuấn Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chung-toi-thay-nhau-danh-quan-dich-va-da-chien-dau-chien-thang-o-day-169240505082114364.htm