Chung tay phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em

Vào mùa hè, nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ em tăng cao. Đây cũng là thời điểm những nguy cơ rình rập, đe dọa sức khỏe, tính mạng của trẻ nếu người lớn lơ là, chủ quan.

Nỗi đau người ở lại

Nhắc về em Nguyễn Thị Yến Thư, bà Trần Thị Nho (bà ngoại em Thư, ngụ ấp Nguyễn Lộc, xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) rưng rưng nước mắt và tự trách mình lơ là, chủ quan, không trông cháu cẩn thận để té ao, đuối nước dẫn đến tử vong cách đây 2 năm.

Bà Nho nghẹn ngào kể: “Mùa hè năm 2021, mẹ Thư đi làm ăn xa nên đưa con về gửi ngoại. Hôm đó, tôi đi công việc và dặn chồng ở nhà giữ mấy đứa nhỏ. Chồng tôi ra vườn chăm sóc mít, 2 đứa cháu ngoại ra sau vườn chơi, không may cháu Thư té ao. Thấy em gái té ao, anh của Thư chạy đi kêu ông ngoại nhưng khi ra tới, cháu đã tử vong. Thời điểm đó, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên cha mẹ Thư dù có nóng ruột về gặp mặt con lần cuối cũng mất 4 ngày mới tới nhà”.

Bà Trần Thị Nho thường đem ảnh em Nguyễn Thị Yến Thư ra xem rồi khóc, vì trách bản thân không trông cháu cẩn thận

Em Nguyễn Hữu Minh (4 tuổi, ngụ xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa) tử vong do tai nạn giao thông để lại niềm tiếc thương cho gia đình và người thân. Ông Hà Văn Hạnh (ông ngoại của Minh) cho hay: “Từ ngày cháu Minh mất, gia đình con gái tôi cứ lục đục hoài. Nguyên nhân là con gái tôi khóc vì nhớ con, còn con rể thì tự trách vì gián tiếp gây ra vụ tai nạn giao thông. Chịu không nổi không khí căng thẳng trong gia đình, con rể tôi bỏ đi hơn 1 năm qua. Hiện tại, chi phí sinh hoạt trong gia đình chỉ dựa vào số tiền làm công nhân ít ỏi của con gái. Thương con, xót cháu, tôi đem 2 đứa cháu ngoại về nuôi dù hoàn cảnh gia đình cũng không mấy khá giả”.

Chị Hà Thị Tố Nguyên (mẹ của Minh) trải lòng: “Hôm đó, chồng tôi chở cháu Minh đi chợ nhưng trên đường về không may bị té. Thấy con không bị trầy xước nên 2 cha con về nhà. Sau đó, Minh mê man trong nhiều giờ, vợ chồng tôi chở đi bệnh viện cấp cứu nhưng đến nơi, con đã không qua khỏi. Kể từ ngày con mất, hàng ngày, tôi ra thăm mộ 2 lần, nhiều đêm nhớ con mà không kìm được nước mắt”.

Ông Hà Văn Hạnh (bên trái) kể về chuyện em Nguyễn Hữu Minh bị tai nạn giao thông tử vong

Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2022, toàn tỉnh xảy ra gần 800 vụ tai nạn thương tích trẻ em, trong đó, có 9 trẻ tử vong. Đa số các vụ tai nạn thương tích xảy ra ở nhà. Các loại tai nạn thương tích ở trẻ thường là ngã, tai nạn giao thông, súc vật cắn, đuối nước,... Tuy nhiên, số vụ trẻ bị tai nạn thương tích chỉ là con số nổi trong “tảng băng chìm”, vì thực tế tai nạn thương tích còn rất nhiều.

Những nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn thương tích cho trẻ em, gồm: Sự thiếu kiến thức, bất cẩn của người lớn; các trang thiết bị an toàn cho trẻ em chưa được sử dụng phổ biến; môi trường xã hội vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn thương tích trẻ em tại gia đình và cộng đồng; kinh phí thực hiện công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em ở địa phương còn hạn chế;... Do đó, việc thực hiện các giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em là rất cần thiết, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa ba môi trường: Gia đình, nhà trường và xã hội.

Trách nhiệm không của riêng ai

Nhằm đồng hành với Đảng và Nhà nước thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, những năm qua, Câu lạc bộ (CLB) Lân Sư Rồng Nhà Thiếu nhi tỉnh là “ngôi nhà chung”, góp phần xây dựng sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ. Ông Ôn Quan Huy (Chủ nhiệm CLB Lân Sư Rồng Nhà Thiếu nhi tỉnh) cho hay: “Năm 2013, tôi thành lập CLB Lân Sư Rồng Nhà Thiếu nhi tỉnh với trên 20 thanh, thiếu niên tham gia. Tôi truyền nghề miễn phí cho thanh, thiếu niên; đồng thời, định hướng các em nào còn đi học thì tiếp tục học, em nào nghỉ học thì phải phụ giúp kinh tế gia đình, không được tụ tập bạn bè ăn chơi, nhậu nhẹt, nhất là phải học được cái nghề để tự nuôi sống bản thân, không sa vào các tệ nạn xã hội”.

Từ ngày tham gia Câu lạc bộ Lân Sư Rồng Nhà Thiếu nhi tỉnh, em Nguyễn Phúc Lộc (thứ 2, phải qua) có sân chơi lành mạnh, bổ ích, tránh xa các tệ nạn xã hội

Em Nguyễn Phúc Lộc (16 tuổi, ngụ thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) theo học múa lân sư rồng được 2 năm. Trước khi tham gia sinh hoạt CLB, Lộc thường chơi điện thoại, nhất là xem các loại phim, clip bạo lực làm ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách, hành động. Tuy nhiên, từ ngày tham gia CLB, Lộc không chỉ ít xem điện thoại mà còn có sân chơi lành mạnh, bổ ích, tránh tai nạn thương tích.

Phòng, chống tai nạn thương tích, gia đình là lá chắn đầu tiên. Xác định được vấn đề này, vào mùa hè, chị Võ Đình Ngọc Hạnh (xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa) chăm sóc 3 đứa cháu để các em của mình an tâm làm việc. Chị Hạnh trải lòng: “Hai đứa em tôi đều bận công việc, ít có thời gian chăm sóc con, nhất là vào mùa hè. Do đó, tôi thường đưa các cháu về chăm sóc và trông coi, bởi trẻ rất hiếu động, nhốt trong nhà đóng cửa cũng rất nguy hiểm. Tôi thường nhắc nhở các cháu không được chơi các vật sắc, nhọn, không ra gần sông,…”.

Các cháu của chị Võ Đình Ngọc Hạnh (xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa) được vui chơi trong môi trường an toàn, lành mạnh

Tỉnh là địa bàn đặc thù sông nước, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn đuối nước cho trẻ. Vì vậy, nhiều phụ huynh chủ động đăng ký các lớp phổ cập bơi cho con em mình. Anh Trần Thanh Hải (xã Long Hòa, huyện Cần Đước) cho hay: “Nghe những vụ trẻ em bị tử vong do đuối nước, tôi cũng sợ. Do đó, khi con nghỉ hè, tôi liền đăng ký cho con học bơi. Đến nay, con tôi không chỉ biết bơi mà còn có kỹ năng bảo vệ bản thân trước những tai nạn nguy hiểm dưới nước”.

Trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ, chăm sóc

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai chia sẻ: “Tháng hành động Vì trẻ em năm 2023 với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” nhằm hướng đến xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, bảo đảm trẻ em phát triển toàn diện. Đây được xem là đợt cao điểm tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, giáo viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ trong việc thực hiện Luật Trẻ em, chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em; phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị tai nạn thương tích; tích cực lắng nghe và giải quyết các vấn đề của trẻ em. Sở đề nghị các địa phương quan tâm bảo vệ trẻ em tránh khỏi tai nạn thương tích, nhất là tai nạn do đuối nước, tai nạn giao thông và những nguy cơ từ môi trường Internet, bảo đảm cho trẻ một mùa hè an toàn, lành mạnh”.

Với sự chung tay, góp sức của toàn xã hội sẽ góp phần hạn chế các vụ tai nạn thương tích, tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần./.

Lê Ngọc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chung-tay-phong-chong-tai-nan-thuong-tich-tre-em-a157460.html