Chung tay giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg, ngày 5/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ) đối với người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) trên địa bàn tỉnh đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm và hành động cụ thể của chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân. Tỷ lệ người CHXAPT tái phạm tội, vi phạm pháp luật thấp. Tình hình an ninh trật tự được giữ vững, ổn định.

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg, ngày 5/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ) đối với người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) trên địa bàn tỉnh đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm và hành động cụ thể của chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân. Tỷ lệ người CHXAPT tái phạm tội, vi phạm pháp luật thấp. Tình hình an ninh trật tự được giữ vững, ổn định.

Công an xã Dũng Phong (Cao Phong) gọi hỏi đối tượng trong diện quản lý.

Thời gian qua, Công an huyện Yên Thủy đã tổ chức giáo dục cá biệt cho gần 14 lượt người CHXAPT có tư tưởng bi quan, tiêu cực từ bỏ ý định tái phạm tội; 15 người THNCĐ tích cực tham gia phong trào phòng, chống tội phạm, cung cấp nhiều tin tức có giá trị giúp cơ quan điều tra làm rõ 8 vụ việc vi phạm pháp luật. Công an TP Hòa Bình, Công an huyện Lương Sơn tổ chức gặp gỡ, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ 108 lượt người CHXAPT trở về địa phương phòng ngừa tái phạm tội. Hội Nông dân thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy giúp đỡ 9 trường hợp hết thời hạn chấp hành án phạt tù trở thành hội viên; bảo lãnh vay vốn cho 7 người để phát triển kinh tế. Hội Nông dân huyện Cao Phong, Lạc Thủy bảo lãnh cho 10 người (Cao Phong 2, Lạc Thủy 8) vay vốn để sản xuất, kinh doanh ổn định cuộc sống, phòng chống tái phạm tội và vi phạm pháp luật.

Theo thống kê, tổng số người CHXAPT về địa phương sinh sống trong kỳ là 3.912 người, hiện đang quản lý 1.405 người. Tổng số người tái phạm tội, vi phạm pháp luật 462 người, chiếm 11,8% tổng số đối tượng quản lý.

Sở Tư pháp đã tiếp nhận, cập nhật thông tin lý lịch tư pháp (LLTP) về án tích 10.258 trường hợp; lập mới LLTP điện tử 1.857 trường hợp; cung cấp thông tin LLTP cho Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trong cả nước 207 trường hợp; cấp phiếu LLTP cho 7.421 trường hợp xác định không có án tích để người bị kết án phạt tù xin việc làm, giải quyết công việc cá nhân và phục vụ cho các đơn vị có liên quan kết thúc hồ sơ quản lý theo quy định.

Sở Lao động - Thương binh và xã hội chỉ đạo các đơn vị cấp huyện, xã phối hợp các đơn vị có liên quan giải quyết việc làm cho 4 người; tư vấn, hỗ trợ giới thiệu việc làm cho 979 người; hỗ trợ vay vốn cho 14 người đảm bảo phát huy hiệu quả, ổn định cuộc sống.

Công an tỉnh chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp các tổ chức đoàn thể chủ động nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng để đưa ra biện pháp quản lý hiệu quả. Các địa phương trực tiếp tư vấn, giúp đỡ người CHXAPT làm các thủ tục cấp căn cước công dân, khôi phục hộ khẩu, cấp giấy phép lái xe… và các thủ tục hành chính theo thẩm quyền.

Đến nay, toàn tỉnh duy trì hoạt động 23 mô hình về THNCĐ có những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, tiêu biểu như các mô hình: "Phối hợp quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi THNCĐ” của UBND xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn đã giúp đỡ THNCĐ cho 2 người CHXAPT về địa phương sinh sống; "Cảm hóa, giáo dục đối tượng CHXAPT” của Công an phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình đã cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ 27 lượt người CHXAPT về địa phương sinh sống...

Cùng với mô hình xuất hiện những cá nhân điển hình, cá nhân tiến bộ tiêu biểu như: anh Nguyễn Tiến Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình thực hiện tốt công tác THNCĐ, trực tiếp tạo việc làm cho 1 người THNCĐ; anh Bùi Thành Nam, trú tại tổ 13, phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình sau khi CHXAPT về địa phương kinh doanh sửa chữa điện thoại di động, tạo việc làm 5 lao động, thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng...

Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Thời gian tới, các ngành, địa phương tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người CHXAPT về địa phương sinh sống; tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề cho người CHXAPT; thành lập quỹ THNCĐ; nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến làm nòng cốt trong công tác THNCĐ. Tiếp tục nghiên cứu nhân rộng mô hình "Phiên chợ của tình người” để kết nối các công ty, doanh nghiệp với người CHXAPT giúp họ có thể tìm được việc làm. Đồng thời, tạo điều kiện cho người CHXAPT được tiếp cận nguồn vốn vay học nghề, sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm tội và vi phạm pháp luật.

Đinh Thắng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/188837/chung-tay-giup-do-nguoi-tai-hoa-nhap-cong-dong.htm