Chung tay chống kẻ thù chung khủng bố

Cho dù chưa có kết luận điều tra khẳng định thủ phạm của vụ tấn công khủng bố tại nước Nga ngày 22-3, nhưng vụ khủng bố đẫm máu này thêm một lần nữa cho thấy chủ nghĩa khủng bố là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với hòa bình và an ninh quốc tế, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải tiếp tục các nỗ lực để ngăn chặn và đẩy lùi.

Ai là thủ phạm đứng đằng sau vụ khủng bố tại Nga?

Trong diễn biến mới nhất, 4 nghi phạm trực tiếp tham gia vào vụ tấn công Nhà hát Crocus City Hall ở ngoại ô Thủ đô Matxcơva của Nga khiến ít nhất 137 người thiệt mạng và 182 người khác bị thương đã lần đầu tiên xuất hiện tại Tòa án quận Basmanny ở Matxcơva vào ngày 24-3, tức chỉ 2 ngày sau vụ khủng bố đẫm máu. Cả 4 nghi phạm này, gồm Dalerdzhon Mirzoyev, Saidakrami Rachabalizoda, Shamsidin Fariduni và Muhammadsobir Fayzov, đều có nguy cơ đối mặt với án tù chung thân - mức án cao nhất tại Nga hiện nay (Nga đã loại bỏ án tử hình).

Hình ảnh 4 nghi phạm trực tiếp tham gia vào vụ tấn công khủng bố tại nước Nga khiến ít nhất 137 người thiệt mạng

Theo tuyên bố của các nhà điều tra Nga, 3 trong số 4 nghi phạm khủng bố xuất hiện trước tòa ngày 24-3 đã thừa nhận hành vi phạm tội. Trong khi đó, Hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin, nghi phạm Dalerdzhon Mirzoyev đã thừa nhận là công dân Tajikistan, 3 nghi phạm còn lại đều là người nước ngoài nhưng phía Nga chưa công bố quốc tịch.

Cũng theo thông tin mới nhất từ các cơ quan chức năng của Nga, vụ tấn công khủng bố ngày 22-3 vừa qua đã khiến 137 nạn nhân thiệt mạng và 182 người khác bị thương; số nạn nhân thiệt mạng còn có nguy cơ tăng thêm bởi nhiều nạn nhân bị thương rất nặng. Đến nay, cơ quan chức năng của Nga đã bắt giữ 11 nghi phạm liên quan đến vụ tấn công khủng bố đã bị bắt giữ, trong đó có 4 nghi phạm trực tiếp thực hiện hành vi giết người.

Cơ quan điều tra của Nga cũng chưa chính thức thông tin tổ chức khủng bố đứng đằng sau cũng như nguyên nhân của vụ tấn công khủng bố được cho là đẫm máu nhất trong hơn 20 năm qua tại nước này. Dù rằng, tổ chức khủng bố khét tiếng toàn cầu có tên Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vào ngày 23-3, thông qua kênh mạng xã hội Telegram, đã tuyên bố đứng ra nhận trách nhiệm vụ tấn công vào Nhà hát Crocus City Hall. Tổ chức khủng bố này còn công bố hình ảnh của 4 nghi phạm và một đoạn clip dài khoảng 1 phút rưỡi cho thấy cận cảnh một trong những tay súng nổ súng vào các nạn nhân.

Trong diễn biễn đáng chú ý liên quan, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cùng giới chức Nhà Trắng ngày 24-3 đã cùng lên tiếng khẳng định, IS là thủ phạm duy nhất của vụ tấn công khủng bố tại Nga và là “kẻ thù chung phải bị đánh bại ở bất kỳ đâu”. Cơ sở nhận định của phía Mỹ dựa trên một sự việc cách đây hai tuần, khi đó Đại sứ quán Mỹ tại Nga đã cảnh báo về âm mưu khủng bố tại Matxcơva của “những kẻ cực đoan”.

Thông báo này lại được đưa ra vài giờ sau khi Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) tuyên bố đã ngăn chặn một cuộc tấn công vào giáo đường Do Thái ở Thủ đô Matxcơva bởi một nhánh của tổ chức khủng bố IS tại Afghanistan có tên “Tỉnh Khorasan của Nhà nước Hồi giáo”, hay còn gọi là ISIS-K. Đây cũng chính là tổ chức đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố và công bố đoạn clip dài 1 phút rưỡi trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, cho tới nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng FSB và các nhà điều tra Nga vẫn chưa đưa ra bất kỳ cáo buộc nào đối với IS hay một tổ chức, nhóm khủng bố nào cụ thể. Nhà lãnh đạo Nga chỉ xác định chung chung rằng, kẻ thù là “khủng bố quốc tế” và cảnh báo tất cả thủ phạm, những người tổ chức và ra lệnh thực hiện đều sẽ bị trừng trị.

Chung tay loại bỏ căn nguyên của khủng bố

Cho dù ai, tổ chức nào đứng đằng sau, chủ mưu, lên kế hoạch và tổ chức vụ tấn công khủng bố ngày 22-3 tại Nga khiến ít nhất 137 người thiệt mạng thì cũng không hề giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của chủ nghĩa khủng bố đối với người dân và nước Nga nói riêng, người dân và các quốc gia trên toàn thế giới nói chung. Những kẻ khủng bố, cực đoan và chủ nghĩa khủng bố luôn là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với hòa bình và an ninh quốc tế.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngay khi hay tin đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố, gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân, người dân và Chính phủ Nga. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng lên án “vụ tấn công khủng bố tàn ác và hèn nhát đã gây ra cái chết đau thương cho hàng chục sinh mạng”, đồng thời khẳng định “chủ nghĩa khủng bố là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với hòa bình và an ninh quốc tế”. Tổ chức chịu trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh đa phương lớn nhất thế giới này nhấn mạnh,“các thủ phạm, những kẻ tổ chức, tài trợ cho hành động khủng bố ghê tởm này phải chịu trách nhiệm và phải bị đưa ra trước công lý”.

Sau sự kiện tấn công khủng bố vào nước Mỹ ngày 11-9-2001 làm gần 3.000 người thiệt mạng và khoảng 6.000 người bị thương, chủ nghĩa khủng bố nổi lên như là một thách thức, đe dọa nghiêm trọng hàng đầu với hòa bình, ổn định và an ninh của nhiều quốc gia cũng như thế giới. Nước Mỹ cùng các đồng minh sau đó phát động cuộc chiến tranh nhằm vào Afghanistan, quốc gia mà tổ chức Al Qaeda của “trùm khủng bố số 1 thế giới” Osama Bin Laden ẩn náu, lên kế hoạch tổ chức vụ tấn công khủng bố vào nước Mỹ ngày 11-9-2001.

Cuộc chiến chống khủng bố diễn ra quyết liệt và rộng khắp thế giới sau đó đã triệt phá, làm suy yếu đáng kể các tổ chức khủng bố khét tiếng, từ Al Qaeda cho đến tổ chức IS sau này. “Trùm khủng bố số 1 thế giới” Osama Bin Laden cùng nhiều trùm khủng bố thế giới khác bị tiêu diệt hay bắt giữ.

Các nhóm, các tổ chức khủng bố lớn trên thế giới suy giảm khả năng lên kế hoạch và tổ chức các vụ tấn công khủng bố quy mô như sự kiện khủng bố 11-9-2001. Song không phải vì thế mà chủ nghĩa khủng bố, các tổ chức khủng bố và cực đoan không còn là mối đe dọa với an ninh, ổn định và cuộc sống bình yên của người dân trên thế giới. Điều quan trọng hàng đầu là vẫn còn đó những căn nguyên sâu xa của chủ nghĩa khủng bố. Đó là nền tảng nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố không phải chỉ ở những quốc gia nơi các nhóm khủng bố hình thành, mà là những mạng lưới toàn cầu và xuyên quốc gia nảy sinh từ những vấn đề mang tính toàn cầu như đói nghèo, bất bình đẳng, bất ổn và xung đột… Mối đe dọa của các tổ chức khủng bố cũng ngày càng tinh vi khi chúng sử dụng các nền tảng xuyên biên giới kết nối internet để lan truyền tư tưởng, hành vi cực đoan.

Việc thế giới phải dồn lực ứng phó với đại dịch Covid-19 hoành hành trên toàn cầu cùng các cuộc xung đột quân sự quy mô cùng diễn biến phức tạp khó lường của tình hình thế giới… là những yếu tố khiến chủ nghĩa khủng bố có thể trỗi dậy bất cứ lúc nào và ở đâu. Vì thế, luôn cần sự cảnh giác cao độ cùng quyết tâm và hành động quyết liệt của mỗi quốc gia và cả cộng đồng quốc tế trong nỗ lực chống khủng bố.

Chủ nghĩa khủng bố, cực đoan là kẻ thù chung và đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố vì thế phải là trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế. Các quốc gia, tổ chức quốc tế cần chung tay ngăn chặn các các cuộc tấn công khủng bố, đồng thời kiên trì những nỗ lực để loại bỏ những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến sự ra đời của chủ nghĩa khủng bố, hành vi khủng bố trên toàn cầu.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chung-tay-chong-ke-thu-chung-khung-bo-post571141.antd