Chung tay bảo vệ 'vàng trắng'

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu và nạn săn bắt trái phép chim yến đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, làm suy giảm quần thể đàn chim yến - được ví là vàng trắng của Việt Nam

Tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức hội thảo "Bảo vệ và phát triển quần thể chim yến đảo Khánh Hòa và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ" với sự tham gia của hàng chục chuyên gia đến từ các bộ Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) để tìm giải pháp gìn giữ quần thể đàn chim yến.

Đàn chim yến liên tục giảm

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), chim yến chính thức được coi là động vật khác trong chăn nuôi, được hướng dẫn quản lý trong Luật Chăn nuôi và các văn bản dưới luật. Đồng thời, sản phẩm của yến được đưa vào định hướng trong Chiến lược phát triển chăn nuôi 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Cục Chăn nuôi cho biết trong khoảng 10 năm trở lại đây, nghề này đã phát triển nhanh với nhiều loại hình và quy mô khác nhau. Cả nước có 42/63 tỉnh, thành có nuôi chim yến, trong đó năm 2017 với tổng số trên 8.300 nhà yến thì đến năm 2022 hơn 23.600 nhà yến. Địa phương có số lượng nhà yến tăng nhanh nhất là Kiên Giang, Khánh Hòa và Lâm Đồng. Tỉnh có số lượng nhà yến lớn nhất là Kiên Giang với gần 3.000 nhà yến. Riêng tỉnh Khánh Hòa với điều kiện tự nhiên thuận lợi, là tỉnh có ngành nghề yến sào phát triển mạnh, đặc biệt là yến đảo thiên nhiên.

Sản lượng tổ yến (yến sào) của Việt Nam đạt khoảng trên 130-150 tấn/năm. Thị trường nhập khẩu chính tổ yến của nước ta là Hồng Kông, Trung Quốc, cộng đồng người Hoa ở các nước Mỹ, Úc, New Zealand. Để phục vụ cho xuất khẩu, Hiệp hội Nhà yến Việt Nam đã phối hợp với Công ty Đông Nam Yến Đô - TP Hạ Môn (Trung Quốc) xây dựng Trung tâm Kiểm định tổ yến. Sản phẩm tổ yến chủ yếu được các công ty xuất khẩu, thu về khoản ngoại tệ khoảng 200-300 triệu USD/năm. Đây thực sự là một nghề quan trọng và có hiệu quả kinh tế cao trong ngành chăn nuôi.

Tuy nhiên, theo thạc sĩ Trần Nguyên Tú, Công ty TNHH Lâm sản Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), số lượng tổ và sản lượng yến sào khai thác hang yến tự nhiên trên địa bàn tỉnh hằng năm liên tục giảm, năm sau giảm từ 10% đến hơn 36% số lượng tổ và sản lượng yến so với năm trước. Đặc biệt ở một số hang, chim yến không còn làm tổ. Nguyên nhân được xác định là do sự phát triển mạnh số lượng nhà nuôi yến ở khu vực đất liền, nạn săn bắt chim yến trái phép, tốc độ đô thị hóa nhanh, các khu công nghiệp hình thành vùng ven biển, tình trạng khai thác thiếu khoa học, nạn chặt phá rừng làm ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn của chim yến, đặc biệt là tình trạng biến đổi khí hậu.

Tương tự, ông Nguyễn Anh Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Yến sào Khánh Hòa, cho biết từ năm 2019 đến nay, tình trạng săn bắt chim yến khiến đàn chim yến tỉnh này suy giảm mạnh. Trung bình mỗi năm, công ty phát hiện hơn 50 vụ bắt, bẫy chim yến, giải cứu hơn 3.000 con chim yến. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, Phòng Quản lý bảo vệ của công ty đã 20 lần xử lý các hành vi này. "Tình trạng săn bắt chim yến tận diệt không chỉ làm suy giảm chim yến trong nhà mà còn gây nguy hại cho quần thể chim yến đảo thiên nhiên" - ông Hùng nói.

Chim yến đang bị săn bắt trái phép ở Khánh Hòa, Bình Định gây tình trạng suy giảm “vàng trắng”. Ảnh: KHÁNH HÒA

Xây dựng hương ước bảo vệ chim yến

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đề nghị bên cạnh việc thu thập thông tin về bảo vệ và phát triển quần thể chim yến đảo, các tỉnh cùng xây dựng chiến lược phát triển bền vững ngành nghề chim yến đảo. Từ các nguyên nhân làm suy giảm quần thể chim yến đảo trong thời gian qua, cần đề xuất cách bảo tồn, lưu giữ nguồn gien quý hiếm, đưa ra giải pháp bảo vệ và phát triển bền vững quần thể chim yến đảo ở nước ta.

PGS-TS Nguyễn Lân Hùng Sơn, Trưởng Khoa Sinh học - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng cần nghiên cứu, tăng cường các giải pháp kỹ thuật bảo vệ và mở rộng môi trường làm tổ trong hang yến, bảo vệ khu vực làm tổ của chim trong hang. Đồng thời, cần đưa ra giải pháp khai thác tổ yến thích hợp, quy hoạch duy trì các vùng kiếm ăn cho chim yến đảo và chủ động tạo thức ăn bổ sung cho chim.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa, kiến nghị UBND tỉnh, thành cần thành lập hội bảo vệ chim yến, tập trung tuyên truyền, vận động người dân không săn bắt, tiêu thụ chim yến, kịp thời tố giác những hành vi săn bắt chim yến trái phép. Đồng thời thường xuyên tổ chức lực lượng kiểm tra, ngăn chặn, tháo dỡ, thu hồi các phương tiện, dụng cụ bẫy, bắt, xử lý nghiêm các hành vi săn bắt, bẫy, vận chuyển, tiêu thụ chim yến trái pháp luật, tổ chức triệt phá dứt điểm các tụ điểm buôn bán chim yến trái pháp luật trên địa bàn.

"Các địa phương cần xây dựng hương ước bảo vệ chim yến để người dân sống trong vùng có chim yến tham gia bảo vệ loài chim quý này. Có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển chim yến đảo, gắn với phát triển kinh tế biển và bảo vệ quốc phòng, an ninh; thực hiện và kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường trong các vùng nuôi chim yến" - ông Hải nói.

Phạt 15 triệu đồng nếu săn bắt trái phép

Nghị định 14/CP, ngày 1-3-2021, của Chính phủ quy định cụ thể mức xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi, săn bắt chim yến trái phép. Theo đó, tại điều 27, khoản 3 của nghị định này đã quy định mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi săn bắt, dẫn dụ chim yến để sử dụng vào mục đích khác ngoài mục đích nuôi chim yến để khai thác tổ yến hoặc nghiên cứu khoa học.

KỲ NAM

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/chung-tay-bao-ve-vang-trang-20230719185223297.htm