Chung tay bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp

Những năm qua, thực trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh. Trước thực tế đó, người dân, doanh nghiệp, các tổ chức cùng chính quyền địa phương đồng hành thực hiện nhiều hoạt động, mô hình, việc làm thiết thực, góp phần tạo sức lan tỏa trong cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp…

Bài 1: Vấn nạn rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường

Cùng với sự tăng trưởng kinh tế và dân số, các sản phẩm từ nhựa được sử dụng rộng rãi trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần “vô tội vạ” làm phát sinh khối lượng lớn chất thải nhựa gây ô nhiễm môi trường, phá hủy hệ sinh thái tự nhiên. Vì vậy, việc bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp là nhiệm vụ bức thiết, lâu dài và cần sự chung tay của cả cộng đồng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển bền vững…

Tại các chợ, tiểu thương và người dân thường sử dụng túi nilong đựng thực phẩm

Ô nhiễm rác thải nhựa từ thói quen hàng ngày

Thời gian qua, Đồng Tháp đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, tuy nhiên, thực trạng sử dụng rác thải nhựa phần nào ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và hệ sinh thái tự nhiên.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, các sản phẩm nhựa nói chung và túi nilong nói riêng trở thành sản phẩm thông dụng trong đời sống sinh hoạt với ưu điểm tiện dụng và giá thành thấp. Qua số liệu thống kê, trung bình, mỗi người sử dụng ít nhất 30kg/năm các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa. Điều đáng chú ý là tâm lý người dân dù biết rõ mối nguy hại từ rác thải nhựa nhưng vẫn sử dụng thiếu kiểm soát sản phẩm đồ nhựa dùng 1 lần được xem là những mối nguy hại lớn, tác động tiêu cực đến môi trường.

Từ thói quen sinh hoạt, nhiều năm nay, mỗi sáng đi chợ, bà Lê Thị Tuyết ở xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc thường không mang theo giỏ xách vì hàng hóa được tiểu thương đựng vào túi nilong. Chỉ trong 1 buổi đi chợ, trên xe bà Tuyết có đến hàng chục túi nilong đựng các loại rau, hành, khô, thịt, cá... Bà Lê Thị Tuyết chia sẻ: “Tôi biết dùng nhiều túi nilong khi đi chợ là không tốt cho môi trường nhưng do tiện lợi nên dần dần trở thành thói quen chưa thay đổi được”.

Chị Nguyễn Thị Xuân Mai ngụ Phường 3, TP Sa Đéc, cho biết: “Những năm qua, bản thân cũng nghe thông tin khuyến cáo của cơ quan chức năng về nói không với việc hạn chế sử dụng túi nilong vì các sản phẩm này rất khó phân hủy, ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, bản thân không có sự lựa chọn khác, vì hầu như tiểu thương chỉ dùng túi nilong sử dụng 1 lần để đựng thực phẩm”.

Đáng quan tâm, sản phẩm nhựa dùng 1 lần được các hộ kinh doanh, mua bán, thực phẩm mang về sử dụng khá nhiều. Bà Ngô Thị Bé Mười - chủ quán nước giải khát ở Phường 3, TP Cao Lãnh cho biết: “Thời gian qua, gia đình tôi sống bằng nghề kinh doanh nước giải khát. Thông thường, khách chọn hình thức mua mang về nên tôi chọn sử dụng ly nhựa cho thuận tiện, nhanh chóng”.

Các tiểu thương kinh doanh tại chợ vẫn chưa ý thức tốt việc phân loại rác thải tại nguồn

Khó khăn thu gom, phân loại, xử lý rác thải

Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Cao Lãnh, thời gian qua, việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải chưa trở thành thói quen sinh hoạt hàng ngày của người dân. Thực tế cho thấy, vẫn còn tình trạng vứt rác bừa bãi không đúng nơi quy định; người dân chưa nêu cao trách nhiệm trong việc phân loại rác tại nguồn. Cùng với đó, các đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn chưa đảm bảo về điều kiện, phương tiện, năng lực để thu gom rác thải phân loại nên mô hình phân loại rác tại nguồn... Điều này gây khó khăn cho công tác bảo vệ môi trường, nhất là phòng, chống rác thải nhựa của địa phương.

TP Sa Đéc là địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao, tuy nhiên, việc thu gom chất thải rắn tại khu vực thành thị và nông thôn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, đối với chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 115 tấn/ngày. Đối với khu vực đô thị tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đạt trên 95%. Đối với khu vực nông thôn tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đạt trên 75%, phần còn lại được tổ chức thu gom từ nguồn xã hội hóa của địa phương...

Ông Trương Minh Hùng ngụ ấp Phú Hòa, xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc thường xuyên vớt rác trên dòng kênh thuộc khu vực sinh sống nhằm bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp

Ông Bùi Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Sa Đéc, cho biết: “Thời gian qua, địa phương triển khai nhiều giải pháp nâng cao công tác thu gom, phân loại thu gom rác thải tại nguồn. Song vẫn còn đó nhiều vấn đề khó khăn vì cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và chưa có sự phối hợp tốt từ người dân. Vì vậy, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, động viên người dân thực hiện thói quen phân loại rác thải ngay tại nhà để tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, diện tích đất chôn lấp, hạn chế ô nhiễm đất, nguồn nước ngầm, không khí nhưng kết quả mang lại chưa đạt như mong đợi”.

Ông Hồ Thanh Phương - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Tháp, cho biết: “Rác thải nhựa tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người cùng các loài sinh vật khác. Rác thải nhựa tồn tại hàng trăm, điều này làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm đất không giữ được nước và dinh dưỡng... Ngoài ra, nếu vứt các chất thải nhựa xuống ao, hồ, sông ngòi sẽ làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch. Khi đốt rác thải nhựa trong tự nhiên sản sinh ra nhiều chất thải độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, rác thải nhựa là những nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thách thức nhân loại trong tương lai...”.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính riêng trong năm 2022, khối lượng chất thải nhựa phát sinh của cả nước lên tới 2,9 triệu tấn. Trong đó, khối lượng chất thải nhựa phát sinh ở đô thị là 1,6 triệu tấn; số còn lại 1,3 triệu tấn ở nông thôn. Việc phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa còn hạn chế. Lượng chất thải nhựa và túi nilong ở Việt Nam, chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt. Nhưng chỉ có khoảng 11-12 % số lượng chất thải nhựa, túi nilong được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.

Tại Đồng Tháp, theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Tháp, đến hết năm 2022, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp khoảng 924,16 tấn/ngày, Trong đó, tỷ lệ thu gom trung bình tại khu vực đô thị đạt khoảng 90,2%, khu vực nông thôn đạt 69,57%. Mỗi ngày, trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 90 tấn chất thải nhựa và túi nilong.

(còn tiếp)

Khánh Phan

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/moi-truong/chung-tay-bao-ve-moi-truong-xanh-sach-dep-116915.aspx