Chúng ta ai cũng khao khát được nhập bọn

Cộng hưởng là một lý thuyết của lãnh đạo không quyền lực, phương pháp được cho là khoa học quản lý của thế kỷ 21.

Ảnh minh họa. Nguồn: IMDB.

Cộng hưởng là siêu năng lực có thể giúp bạn và mọi người thực hiện những điều phi thường, tuyệt vời. Năng lượng đó có sẵn trong ta. Tất cả chúng ta, bất kể chức danh, đều có thể làm một nhà lãnh đạo tốt hơn, gắn kết hơn, hiệu quả hơn, có tầm ảnh hưởng nhiều hơn.

Những ai trong chúng ta đi đầu áp dụng cộng hưởng như phương châm sống sẽ có lợi thế rất lớn. Điều này đúng với mọi ngành nghề, tại mọi cấp bậc trong chính quyền, cũng như trong các tổ chức phi lợi nhuận, trong trường học, bệnh viện. Tôi rất tự tin trong vòng năm đến mười năm tới, tổ chức nào không đón nhận những cách làm mới này sẽ gặp nhiều khó khăn để giữ được tính đương thời. Nếu bạn vẫn còn mắc kẹt trong cách làm cũ, thì kim đồng hồ đang gõ nhịp. Một cơn địa chấn dữ dội để xoay chuyển văn hóa tổ chức và thay đổi những con người đang làm việc trong đó.

Nhà tương lai học Ray Kurzwell viết rằng tác động thật sự của thay đổi công nghệ theo thời gian diễn ra theo cấp lũy thừa, chứ không phải theo một đường thẳng, "thế nên ta sẽ không trải qua 100 năm tiến bộ trong thế kỷ 21, mà thực tế sẽ là 20.000 năm tiến bộ (theo tốc độ của hiện nay)".

Những năm tiếp theo sẽ chứng kiến nhiều phá hủy mang tính chất thay đổi hình dạng mà ta chưa thể hình dung hết. Đây là một giai đoạn sống cực kỳ hấp dẫn thú vị. Tác giả Peter Diamandis đã viết rằng tương lai sẽ phồn thịnh. Ông viết, công nghệ là "một cơ chế giải phóng nguồn lực. Nó có thể biến những gì từng hiếm hoi trở thành dư dả". Dư dả, dưới quan điểm của Peter, không phải là mang đến cho mọi người cuộc sống xa hoa. Theo ông, "Dư dả là mang đến cho mọi người nhiều khả năng trong cuộc sống".

Peter hiện là nhà một nhà khoa học và doanh nhân nổi tiếng thế giới, nhà sáng lập và chủ tịch Quỹ XPRIZE, đồng sáng lập Đại học Singularity, nơi tôi đang giảng dạy bộ môn khoa học hành vi. Tôi thật may mắn được là người bạn thân thiết và cộng sự của ông, và ông luôn xem tôi là người phối hợp khai thác vấn đề chuyển đổi.

Tầm nhìn về một tương lai mà Peter dự báo với bộ óc thiên tài như thế sẽ không thể có được nếu không có sự dịch chuyển hành vi theo hướng cộng hưởng trong công việc và trong mối quan hệ qua lại với nhau. Theo ông, nếu muốn tận hưởng cuộc sống, có nhiều tiềm năng giữa một thực tế thay đổi "những gì từng hiếm hoi giờ thành dư dả", ta phải chấp nhận từ bỏ những hành vi bám víu vào sự khan hiếm, củng cố bằng những thành trì cứng nhắc và chuỗi mệnh lệnh trong thế giới cũ. Peter trông chờ vào tôi để khởi phát sự thay đổi của hành vi đó.

Tôi dùng cụm từ "làm việc theo trọng lực" để ám chỉ những tác động căn bản của bản chất bên trong con người chúng ta. Chúng ta ai ai cũng khao khát được nhập bọn. Chính nhu cầu này là cơ hội lớn nhất cho bất kỳ nhà lãnh đạo nào, đi kèm hay không kèm quyền lực. Từ thuở xa xưa, lý do người ta gia nhập một cộng đồng, một bộ lạc là sinh tồn, cho cá nhân và cho tập thể. Cuộc sống của ta được cải thiện khi ta đóng góp vào an sinh chung của bộ lạc, khi ta cộng hưởng. Nó đã là một phần trong ADN của ta.

Keith Ferrazzi/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ly-thuyet-lanh-dao-khong-quyen-luc-post1419852.html