Chứng khoán Mỹ tụt điểm sau phát biểu của Chủ tịch Fed, giá dầu gượng tăng

Các chỉ số chạm đáy của phiên sau khi ông Powell có ý nói rằng Fed còn nhiều việc phải làm để kéo lạm phát xuống...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (9/11), kết thúc chuỗi phiên tăng dài nhất 2 năm, sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu cứng rắn về chính sách tiền tệ. Giá dầu thô tăng trở lại sau đợt bán tháo tuần này, với giá dầu Brent chốt phiên trên ngưỡng 80 USD/thùng.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,81%, còn 4.347,35 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,94%, còn 13.521,45 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 220,33 điểm, tương đương giảm 0,65%, còn 33.891,94 điểm.

Các chỉ số chạm đáy của phiên sau khi ông Powell có ý nói rằng Fed còn nhiều việc phải làm để kéo lạm phát xuống cho dù sự giảm tốc gần đây của lạm phát là tín hiệu đáng khích lệ đối với các nhà hoạch định chính sách.

Fed “cam kết đạt tới một trạng thái chính sách tiền tệ đủ thắt chặt để dần đưa lạm phát về mức 2%. Chúng tôi chưa dám chắc là đã đạt tới trạng thái như vậy hay chưa”, ông Powell nói trong một bài phát biểu được chuẩn bị trước tại một sự kiện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Phiên giảm này của giá cổ phiếu ở Phố Wall diễn ra đồng thời với sự gia tăng trở lại của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm tăng hơn 12 điểm cơ bản lên mức 4,634%. Lợi suất của kỳ hạn 30 năm tăng 11 điểm cơ bản, lên 4,772%.

“Biến động lãi suất vẫn đang chi phối thị trường chứng khoán. Đó là những gì mà chúng ta đã và đang chứng kiến”, chiến lược gia trưởng Michael Arone của State Street Global Advisors nhận định với hãng tin CNBC. “Tôi cho rằng chúng ta sẽ có một kết thúc tốt cho một năm tốt của thị trường. Nhưng tôi cũng cho rằng biến động lãi suất sẽ quyết định thị trường sẽ đi về đâu kể từ bây giờ”.

Trước phiên giảm này, S&P 500 đã có chuỗi 8 phiên tăng liên tiếp, dài nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Nasdaq cũng có chuỗi phiên tăng dài nhất 2 năm, với 9 phiên tăng không nghỉ. Dow Jones tăng liền 7 phiên, chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 7.

Động lực tăng gần đây của thị trường là một vài số liệu cho thấy kinh tế Mỹ yếu đi, bao gồm báo cáo việc làm tháng 10. Nhà đầu tư cũng lạc quan hơn khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm sâu dưới mức đỉnh của 16 năm là 5% thiết lập hồi cuối tháng trước. Lợi suất giảm nhờ kỳ vọng cho rằng Fed sẽ không tăng lãi suất nữa.

Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng Peter Cardillo của công ty Spartan Capital Securities cho rằng ông Powell “lại đưa ra quan điểm cứng rắn” trong bài phát biểu ngày thứ Năm. “Ông ấy đang nhắc lại với thị trường rằng Fed chưa thắng trong cuộc chiến chống lạm phát và nếu điều kiện kinh tế cho phép, Fed sẽ không ngại tăng lãi suất thêm”, ông Cardillo nói với hãng tin Reuters.

“Thông điệp rút ra từ bài phát biểu là ông Powell đang nói rằng thị trường không nên quá tự mãn. Điều này sẽ gây áp lực lên giá cổ phiếu”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Báo cáo hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ ngày thứ Năm cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua giảm nhẹ còn 217.000 - một dấu hiệu cho thấy việc sa thải chưa được đẩy mạnh dù thị trường việc làm đã có những dấu hiệu yếu đi.

Phát biểu trong tuần này, một số quan chức khác của Fed cũng đưa ra quan điểm cứng rắn để đẩy lùi kỳ vọng về việc hạ lãi suất. Một số vị nhấn mạnh rằng Fed sẽ tiếp tục hành động dựa trên tình hình số liệu.

Hầu hết các nhà giao dịch đều đang đặt cược Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong năm nay, ngay cả sau bài phát biểu của ông Powell, nhưng cho rằng việc bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm 2024 sẽ diễn ra muộn hơn - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME.

Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,47 USD/thùng, tương đương tăng 0,59%, chốt ở mức 80,01 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,41 USD/thùng, tương đương tăng 0,54%, chốt ở mức 75,74 USD/thùng.

Giới phân tích cho rằng dầu hồi giá vì đã giảm sâu trong đợt bán tháo liên tiếp vào tuần này, trong bối cảnh nhà đầu tư không còn lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông do chiến tranh Israel-Hamas. Thay vào đó, thị trường đang bất an về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu - nhân tố có thể gây suy giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

“Chiến tranh Israel-Hamas lúc đầu đã gây biến động giá dầu, nhưng đến nay chưa gây ảnh hưởng gì đến các yếu tố căn bản của thị trường dầu. Giá dầu đang thấp hơn so với ở thời điểm cuối tháng 9, trước khi cuộc tấn công của Hamas nổ ra. Các yếu tố nền tảng đang chi phối thị trường dầu hơn bất kỳ nỗi sợ nào khác nào ở thời điểm này”, Phó chủ tịch Jim Burkhard của công ty S&P Global Commodity Insights nhận định với hãng tin Reuters.

So với mức đỉnh hồi tháng 9, giá dầu hiện giảm gần 20 USD/thùng.

Số liệu từ Trung Quốc ngày 9/11 cho thấy áp lực giảm phát gia tăng - một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang chật vật hồi phục. Tín hiệu cứng rắn từ Chủ tịch Fed cũng không có lợi cho giá dầu.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-tut-diem-sau-phat-bieu-cua-chu-tich-fed-gia-dau-guong-tang.htm