'Chứng khoán hóa nợ xấu' - Liệu có khả thi?

Khi nợ xấu đang tiếp tục làm “đau đầu” các cơ quan chức năng, nhiều chuyên gia đã cùng góp ý để giải quyết triệt để nợ xấu. Bên cạnh chủ trương dùng ngân sách để xử lý, có một đề xuất khá táo bạo gây được sự chú ý, đó là chứng khoán hóa nợ xấu.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và PGS.TS Đặng Ngọc Đức, Chủ nhiệm đề tài Nhà nước về xử lý nợ xấu cho rằng, xử lý nợ xấu chỉ có thể được coi là triệt để và hiệu quả khi được bán cho các nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài để có dòng tiền thực sự trả cho các tổ chức tín dụng (TCTD).

Chỉ như thế, các TCTD mới có thể phục hồi được vị thế tài chính, khả năng cho vay, đồng thời mở ra khả năng giải chấp đối với tài sản đảm bảo và tiếp cận vay vốn của các doanh nghiệp (DN) đang có nợ xấu.

“Trong bối cảnh hiện nay, xử lý nợ xấu bằng ngân sách rất khó nhận được sự đồng thuận của xã hội. Do đó, phương án xử lý nợ xấu khả thi và hiệu quả nhất hiện nay là chứng khoán hóa nợ xấu thành trái phiếu chính phủ (TPCP) để đưa vào giao dịch trên thị trường chứng khoán. Đồng thời, sử dụng phiếu nợ chuyển đổi của các DN nợ xấu là tài sản đối ứng cho lượng TPCP đã phát hành” - TS. Nguyễn Đức Kiên đề xuất giải pháp.

Chứng khoán hóa có giải quyết được triệt để nợ xấu?

Ông Kiên phân tích: phương thức xử lý nợ xấu này là sự hợp tác của 3 chủ thể: Nhà nước, DN nợ xấu và các ngân hàng thương mại (NHTM), đồng thời chính là sự kết hợp của cả phương thức xử lý nợ xấu gián tiếp và trực tiếp qua thị trường, đảm bảo trách nhiệm đầy đủ của Nhà nước, các NHTM và DN nợ xấu.

Cụ thể, với phương án này, trách nhiệm của Nhà nước được thực hiện thông qua tiến hành chứng khoán hóa nợ xấu thành TPCP. Số lượng TPCP được phát hành ra căn cứ vào tổng giá trị nợ xấu và sẽ được đưa ra giao dịch trên thị trường chứng khoán và cả trên thị trường liên ngân hàng.

Trách nhiệm của DN có nợ xấu là phải phát hành phiếu nợ chuyển đổi làm tài sản đối ứng với lượng TPCP trên. Trách nhiệm của NHTM là tham gia nhận TPCP (và cũng có thể chấp nhận cả phiếu nợ chuyển đổi của DN - coi như đã nhận được khoản thanh toán nợ xấu). Để thu hồi tiền từ xử lý nợ xấu, các NHTM có thể bán TPCP trên thị trường cho nhà đầu tư trong và ngoài nước theo nhu cầu sử dụng vốn.

Thực tế, việc chuyển nợ xấu thành trái phiếu mà Chính phủ phát hành đã được thực hiện (trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành là một dạng). Tuy nhiên, ông Kiên cho rằng theo phương án mới này, thanh khoản sẽ cao hơn.

Đối với toàn bộ nền kinh tế, giải pháp trên sẽ giúp Chính phủ không phải phát hành thêm tiền để xử lý nợ xấu và có thể kêu gọi các nhà đầu tư tham gia. Với DN, đây là giải pháp “khoanh nợ” bằng phiếu nợ chuyển đổi và thực chất đã chuyển chủ nợ từ NHTM sang Chính phủ.

Dĩ nhiên, với giải pháp này, DN vẫn chịu trách nhiệm trả nợ cho chủ thể nắm giữ phiếu nợ chuyển đổi. Còn với NHTM, ngân hàng được thanh toán số tiền nợ xấu bằng TPCP (thay vì phải đấu thầu mua TPCP), hoặc mua phiếu nợ chuyển đổi của DN nợ xấu. So với bán nợ cho VAMC và nhận về trái phiếu đặc biệt, giải pháp này giúp NHTM chủ động hơn về giá cả, quy mô dòng tiền và thời điểm sử dụng vốn.

Khi đổi nợ xấu thành TPCP, các ngân hàng vẫn được trả lãi đồng thời giảm được gánh nặng trích lập dự phòng rủi ro như với trái phiếu đặc biệt và bất kỳ khi nào cần vốn có thể bán lại số trái phiếu đặc biệt này cho các NHTM khác, bán trên thị trường hoặc chiết khấu tại NHNN. Rủi ro nhất của giải pháp này là DN nợ xấu phát hành phiếu nợ chuyển đổi để xử lý nợ xấu bị phá sản trước khi đáo hạn. “Không có giải pháp nào là hoàn hảo, song đây là phương án khả thi nhất hiện nay”, TS. Nguyễn Đức Kiên nhận định.

Cũng đi tìm giải pháp xử lý nợ xấu hiệu quả nhất, chuyên gia tài chính - ngân hàng - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc xử lý nợ xấu bằng ngân sách có thể khả thi, nhưng phải làm rõ vấn đề để tránh bị hiểu nhầm.

Hiện nay, nhiều người cho rằng dùng ngân sách tức là Chính phủ sẽ đứng ra trả nợ cho DN. Nhưng hoàn toàn không phải thế, chỉ là Chính phủ tạm ứng và sẽ thu về.

Ví dụ DN A vay NH B 100 tỷ và rơi vào nợ xấu. B sẽ bán nợ đó cho VAMC. Vì đây là món nợ quá xấu nên nó sẽ mất giá, chỉ còn khoảng 50%. Chính phủ sẽ bơm tiền, thông qua VAMC mua số nợ 100 tỷ đó với giá 50 tỷ đồng. Lúc này, câu chuyện nợ sẽ phát sinh trực tiếp giữa Chính phủ (trực tiếp là VAMC) với DN.

Dù Chính phủ mua nợ giá 50 tỷ, nhưng thực chất DN vẫn nợ Chính phủ con số thực tế phải trả là 100 tỷ.

Lúc này, sẽ có 3 cách giải quyết như sau: thứ nhất là VAMC sẽ tìm kiếm đối tác D, và bán lại cho D với giá 70 tỷ, lãi được 20 tỷ. Việc của D là tìm cách thu về 100 tỷ nợ thực tế.

Cách thứ 2 là trong trường hợp DN có khả năng phục hồi, thì VAMC sẽ bơm thêm vốn cho DN A để DN phát triển, sau đó sẽ trả vốn và lãi cho VAMC (Chính phủ). Trong trường hợp cả 2 cách trên đều không khả thi, thì VAMC sẽ thay mặt Chính phủ đứng ra thanh lý, đảm bảo DN dùng khi vay vốn. Số tiền thanh lý này sẽ thu hồi về cho Chính phủ, trả vào ngân sách.

Với cách làm này, tức là khi ứng tiền, không phải Chính phủ trả nợ thay DN, mà chỉ tạm ứng tiền để giải quyết. “NH không phải “ôm” nợ xấu theo kiểu bỏ thì thương, vương thì tội, mà phía DN cũng sẽ được giải quyết dứt điểm: hoặc tiếp tục tồn tại phát triển, hoặc phá sản. Khi giải quyết được cục nợ xấu của NH và DN tức là giúp cho nền kinh tế được khơi thông, có cơ hội phát triển”, ông Hiếu phân tích.

Lệ Thúy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tai-chinh-ngan-hang/chung-khoan-hoa-no-xau-lieu-co-kha-thi-414960/