Chúng em muốn được chia sẻ…

Làm thế nào để các con yêu thích việc học, có động lực vươn trong cuộc sống cũng như biết yêu thương chia sẻ, biết quý trọng những gì mình đang có…là băn khoăn, mong muốn của không ít các bậc làm cha, làm mẹ.

Buổi giao lưu, tặng quà cho các bạn

làng trẻ SOS Việt Trì đã để lại nhiều kỷ niệm

Chia sẻ với sự lo lắng đó, rất nhiều trường học đã thực hiện lồng ghép môn học Kỹ năng sống vào các tiết học chính khóa. Thế nhưng, qua thực tế giảng dạy, một số thầy cô giáo cũng cho rằng dạy lồng ghép chưa mang lại hiệu quả cao vì thời gian dành cho giáo dục kỹ năng sống không nhiều, nếu sa đà quá một chút sẽ lại ảnh hưởng đến môn học chính. Đó là chưa kể môn học đó cần hài hòa, nhẹ nhàng, thú vị mới giúp các em có hứng thú học và tiếp thu có hiệu quả…

Nhiều năm đứng trên bục giảng cô Nguyễn Thị Nguyệt – giáo viên chủ nhiệm lớp 7H - Trường THCS Phan Chu Trinh (Hà Nội) thuộc lòng tâm tính của từng đứa học trò. Cô hiểu, căn nguyên tạo nên bệnh vô cảm ở lớp trẻ ngày nay là thói vị kỷ, thích hưởng thụ và do được cưng chiều quá mức. Nhiều bậc cha mẹ thương con theo kiểu "thích gì được đấy”, rồi "mọi việc cứ để mẹ làm cho”… khiến các em tự cho mình được cái quyền được hưởng thụ và chúng dần trở nên vô cảm khi cho rằng những đứa trẻ bị đẩy ra đường để tự kiếm sống (mà bố mẹ thường nêu ra để làm gương) là "tại vì nó ở quê”, rằng người thành phố đương nhiên phải được hưởng thụ như thế…

Hiểu được điều đó, nên kết thúc học kỳ II của năm học 2012-2013 này, cô giáo Nguyệt đã phải mất cả tuần làm tư tưởng cho các con, để thay vì có một buổi liên hoan với đầy ắp những món ăn hay một chuyến picnic, xem phim, bơi lội…cô và trò lớp 7H sẽ có một buổi sinh hoạt ngoại khóa, tặng quà, giao lưu với các bạn làng Trẻ em SOS Việt Trì (Phú Thọ).

Cô giáo Nguyệt chia sẻ niềm vui với các con

Hôm ấy, đúng 5 giờ 30 sáng, 45 học sinh của lớp 7H đã tập trung đầy đủ tại sân trường, nhanh nhẹn, chỉn chu sắp xếp lại những thùng quà để tặng cho các bạn Làng trẻ em SOS. Có lẽ đây là lần đầu tiên các em được tự tay làm một việc có ý nghĩa, bởi mỗi phần quà này sẽ mang lại nhiều niềm vui cho các bạn có hàn cảnh khó khăn hơn mình.

Khi xe ôtô vừa dừng ở cổng làng SOS Việt Trì, nhìn ánh mắt háo hức, chờ đợi của các bạn chủ nhà, cả cô và trò đều rưng rưng xúc động. Qua một vài phút ngượng ngập làm quen, không cần các thầy cô phải giới thiệu, các em tự hòa lẫn vào nhau, xóa nhòa mọi khoảng cách xa lạ. Yến Vi, cô học trò được mệnh danh là "chảnh” nhất lớp, hôm nay như lột xác hoàn toàn, cô bé nhiệt tình, chủ động xóa bỏ đi sự rụt rè, e ngại của các bạn chủ nhà. "Chúng mình chụp chung một kiểu ảnh làm kỷ niệm nhé” hay "dẫn bọn tớ về nhà của các cậu chơi đi; "cho mình xem góc học tập của bạn nào”...

Cả khu làng trẻ em SOS Việt Trì hôm đó rộn rã tiếng nói cười. Nhìn những "hot girl”, "hot boy” của lớp 7H trao từng món quà - là những bộ quần áo mới được gấp phẳng phiu, những tập sách vở, những túi bóng da và nguyên cả con lợn đất vừa đập ra sau một học kỳ chắt chiu… cho các bạn trong làng trẻ SOS kèm những lời hỏi thăm, chia sẻ rất tự nhiên, cô giáo Nguyệt như lặng đi vì xúc động. Với cô, đây có lẽ là một tiết học về kỹ năng sống hiệu quả và thiết thực nhất. Những tấm gương vượt khó vươn lên trong học tập, sự sẻ chia giúp đỡ nhau như anh em ruột thịt của nhũng đứa tre không cùng huyết thống nhưng có cùng hoàn cảnh mà các e đã được gặp gỡ, giao lưu hôm nay như bồi đắp thêm tình yêu thương, sự sẻ chia, tinh thần và động lực mới trong học tập.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=64994&menu=1434&style=1