Chứng bệnh thường gặp của người mới yêu nhưng ít khi nhận ra

Nhiều người bắt đầu một mối quan hệ lãng mạn và biến mất khỏi nhóm bạn của mình. Theo The Washington Post, hiện tượng này được gọi là bệnh 'vì tình bỏ bạn'.

Chanakya Ramdev, một doanh nhân 32 tuổi ở Ontario (Canada), bắt đầu hẹn hò với mối tình đầu ở tuổi 20. “Tôi nghĩ cô ấy thật hoàn hảo và tuyệt vời. Lúc đó tôi chỉ muốn dành toàn bộ thời gian của mình cho cô ấy”, Ramdev chia sẻ.

Theo nam doanh nhân, anh gần như chỉ biết đến người yêu của mình cho đến khi nhìn thấy một bài đăng của bạn bè trên Instagram. Lúc đó, anh nhận ra bản thân đã bỏ rơi gần như toàn bộ các mối quan hệ xã hội của mình.

“Khi cả hai đang nồng cháy trong tình yêu, bạn sẽ không nhận ra điều đó. Nhưng khi nhìn lại, bạn sẽ nghĩ ‘Mình đang làm cái quái gì vậy?’”, nam doanh nhân kể.

Hiện tượng "vì tình bỏ bạn" được gọi là "bệnh đắm đuối người yêu". Ảnh minh họa: The Washington Post.

Theo The Washington Post, hiện tượng trên được gọi là “bệnh đắm đuối người yêu” và xảy ra ở mọi giới tính và khuynh hướng tính dục. Các chuyên gia cho biết bệnh "vì tình bỏ bạn" gây khó chịu cho những người bạn bị “ra rìa” sau khi bạn mình theo chân người yêu.

Tuy nhiên, căn bệnh này thường chỉ xảy ra trong giai đoạn đầu của các mối quan hệ. Những người “vì tình bỏ bạn” sẽ sớm quay lại cuộc chơi sau vài tháng, dù có người yêu hay không.

Tại sao người ta hay "vì tình bỏ bạn"?

Amir, phó giáo sư tâm thần học của Đại học Colombia, cho biết khi một người bắt đầu một mối tình, họ sẽ kích hoạt “cơ chế gắn bó” của não. Mặc dù tình bạn vẫn quan trọng nhưng khi bắt đầu một mối tình, bộ não của người mới yêu sẽ hoạt động nhiều hơn để gắn kết với người yêu.

Levine, đồng tác giả sách Attached: The New Science of Adult Attachment and How it Can Help You Find - and Keep - Love (Khoa học về sự thân thiết của người lớn và cách nó giúp bạn tìm thấy và giữ gìn tình yêu - PV), cho biết: “Con người có nhiều mối quan hệ khác nhau nhưng hầu hết đều có một người đứng đầu trong hệ thống các mối quan hệ. Nếu có điều gì tồi tệ xảy ra với bạn, bạn sẽ phải gọi cho một người. Đó là cơ chế an toàn của não”.

Hai người yêu nhau cũng phải bỏ ra nhiều thời gian hơn để trở thành 'vùng an toàn' của nhau. Ảnh minh họa: Freepik.

Khi vừa yêu, Levine chia sẻ, người ta phải làm quen với một người lạ và thân thiết với họ đủ lâu để họ đi đến vị trí cao nhất trong hệ thống các mối quan hệ và trở thành nơi trú ẩn an toàn. “Phải mất rất nhiều thao tác xáo trộn và nối lại mạch thần kinh để biến người hoàn toàn xa lạ này trở thành một người quan trọng”, Levine nói.

Đây là quá trình đòi hỏi cả hai phải dành nhiều thời gian cho nhau, chẳng hạn như hẹn hò, nhìn vào mắt nhau và ở bên nhau. Điều này sẽ kích hoạt não của người đang yêu, khiến họ cảm thấy thỏa mãn khi có mặt người yêu và đau khổ khi phải xa nhau.

Quá trình làm quen này có thể mất một vài tháng. Tuy nhiên, khi đã có đủ thời gian để gắn kết và hiểu rằng đối phương sẽ không biến mất nếu người yêu đi chơi với bạn bè, họ sẽ quay lại với các mối quan hệ trước đây của mình.

Levine lưu ý rằng các cặp đôi có xu hướng muốn chia sẻ các mối quan hệ xã hội với nhau khi yêu đủ lâu. Đây là giai đoạn tiếp theo của mối tình: “Tôi muốn bạn gặp bạn bè và gia đình tôi”.

Tâm trạng của những người bị “ra rìa”

Charlotte Fox Weber, nhà trị liệu tâm lý và tác giả quyển Tell Me What You Want: A”, cho biết nhiều người trong các mối quan hệ mới rơi vào cái được gọi là “giai đoạn giới hạn”, tức là sự mê đắm sâu sắc và “hoàn toàn bận tâm” với người kia.

“Nó có thể lan tỏa khắp cuộc sống, đặc biệt nếu bạn là loại người bị ám ảnh và cho rằng tình yêu có thể chinh phục tất cả”, Weber nhấn mạnh trải nghiệm này có thể gây đau đớn cho những người bạn ở lại.

Theo cô, điều này có thể mang lại cảm giác bị đe dọa và mất mát cho những người bạn bị “ra rìa”. Tình yêu lãng mạn, dù tuyệt vời, nhưng tình bạn cũng quan trọng đối với sức khỏe tinh thần, hạnh phục và bản sắc cá nhân.

Nói chung, một cặp đôi gắn bó với nhau và tạm thời biến mất khỏi những cuộc chơi là lành mạnh và bình thường. Tuy nhiên, nếu những người bạn mới yêu biến mất trong thời gian quá lâu thì cũng là một vấn đề đáng lưu ý. “Nếu bạn cảm thấy người yêu mình đang cố gắng cô lập bạn khỏi gia đình và bạn bè thì đó lại là một mối quan hệ không lành mạnh”, Levine nói.

Đa số những người mắc "bệnh đắm đuối người yêu" đều trở lại với nhóm bạn của mình sau vài tháng. Ảnh minh họa: Freepik.

Đối với một số người, việc bắt đầu một mối tình có thể khiến họ nhận ra lối sống không lành mạnh trước đây. Danny Groner, một cư dân 40 tuổi ở thành phố New York, nói rằng việc gặp người vợ hiện tại đã giúp anh trưởng thành hơn.

“Tôi gặp vợ ở tuổi 27, một người trưởng thành đầy đủ chức năng. Gặp cô ấy,tôi càng nhận ra rằng một số trò hề của tôi khi đi cùng với bạn bè để trở thành trung tâm của sự chú ý là thiếu chín chắn. Tôi nhận ra mình cần phát triển bản thân và trưởng thành nhanh hơn”, anh nói.

Groner đã bỏ đi những trò cười và tập trung vào mối tình của mình. Khi anh quay lại nhóm bạn cũ, mọi chuyện đã thay đổi. “Một số bạn bè của tôi nhớ về sự hài hước và những trò hề của tôi trước đây nhưng tôi thì không”, anh kể.

Nhiều người có thể tham gia lại nhóm bạn của mình sau khi khỏi bệnh “vì tình bỏ bạn”. Ramdew cũng quay lại nhóm bạn của mình sau “khoảnh khắc eureka” trên Instagram. “Tôi cảm thấy quý trọng họ nhiều hơn vì bạn bè tôi đã hỏi ‘Bạn đã ở đâu suốt thời gian qua vậy?’ khi tôi quay lại”, Ramdev chia sẻ.

Đông Tùng

Theo The Washington Post

Nguồn Znews: https://znews.vn/chung-benh-thuong-gap-cua-nguoi-moi-yeu-nhung-it-khi-nhan-ra-post1459948.html