Chùm truyện ngắn mini của Y Ban (II)

(Nghệ thuật mới) - Y Ban đã dồn những vấn đề lớn trong một số chữ khiêm tốn. Phẫn nộ, chua chát, cay đắng, trào lộng… - tất cả mọi cung bậc tình cảm ấy đều có thể tìm thấy trong thứ “đặc sản” này của nhà văn. Đọc Y Ban, người ta như nhìn thấy chị mồn một ngoài đời - mạnh mẽ, quyết liệt, sâu sắc và cũng đôi khi bất lực… cười ra nước mắt.

Tiệc chiêu đãi hàng xóm

Một gia đình trí trức bán nhà trong phố ồn ào bụi bặm chuyển ra ngoại ô. Làng ngoại ô cũng đã thành phường mấy năm nhưng vẫn rặt quê. Cái “quê” thứ nhất là chưa có nước máy. Vẫn nhà nào nhà nấy một cái bể lọc, vàng quạch màu sắt.

Cái “quê” thứ hai là đường đổ bê tông nhưng không có cống thoát nước nên nước thải của các gia đình lênh láng ra mặt đường. Cái “quê” thứ ba là tiếng nhạc xập xình đinh tai nhức óc. Cái “quê” thứ tư là đám hiếu có hát sống, còn đám hỉ thì hát điện tử.

Cái “quê” thứ năm là những từ tục tĩu được dùng với cường độ dày đặc. Vì mới chuyển nhà đến đây được hơn một tháng nên nhà trí thức mới đúc kết được có năm điểm.

Nhà trí thức bàn với vợ thực hiện một bữa ăn, bán anh em xa mua láng giềng gần. Hai vợ chồng bàn tính nát nước xem làm những món gì để đãi hàng xóm. May mà chỉ có hai hàng xóm. Hàng xóm phía bên phải là nhà thuyền chài.

Hai vợ chồng mới ngoài ba mươi, có hai đứa con trai. Một hàng xóm mau mắn mồm miệng. Khi vợ chồng nhà trí thức vừa chuyển đến đã sang chào hỏi. Hôm sau thì sang biếu mớ cá lẹp tươi rói vừa cất ở sông lên.

Lại còn mời gia đình trí thức, đêm nào sáng trăng sẽ đưa đi đánh cá đêm. Hàng xóm phía bên trái là công nhân, gia cảnh khó khăn nhưng dứt khoát không chịu bán đi một phần đất để ăn.

Vợ trí thức bảo chồng:

- Em ngại làm cỗ bàn lắm. Ninh ninh nấu nấu. Gà gà qué qué. Ngại chết đi được. Đặt cỗ thì nó chả nhận làm hai mâm, không bõ.

Trí thức bảo vợ:

- Thì tự làm món gì đơn giản thôi.

- Em nghĩ rồi. Làm mì Ý với gà rán KFC. Đơn giản gọn nhẹ.

- Được đấy. Với thùng “Ken” nữa nhé. Nhớ mua cả nước ngọt cho trẻ con.

Nhà trí thức làm cái lầu Vọng nguyệt lợp lá gồi trên tầng 3. Bữa cơm mời hàng xóm được dọn trên lầu Vọng nguyệt vào đêm tối trời. Hai nhà hàng xóm ồn ã kéo sang. Bọn trẻ sà ngay vào món gà rán. Được vài miếng chúng nghủng nghỉnh.

Người lớn cũng có vẻ háo hức với món mỳ Ý. Cũng được dăm miếng thì bắt đầu gác đũa. Vợ chồng nhà trí thức đon đả mời:

- Các vị đừng khách sáo, ăn đi chứ.

Chồng thuyền chài nể hàng xóm đưa miếng mì vào mồm, duỗi cổ ra nuốt.

Rồi bữa ăn cũng kết thúc. Vợ trí thức dọn dẹp bát đũa mà tiếc đứt ruột. Tám đĩa mì, đĩa nào cũng còn thừa quá nửa. Trộn nháo nhào lên thế kia chỉ có nước đổ đi. Đĩa mì này ngoài quán bán rẻ cũng hơn trăm bạc. Nhưng thôi, đã đãi hàng xóm thì chả tiếc.

Vợ trí thức mang món tráng miệng lên. Hai loại dưa đỏ và dưa vàng, kèm cả bát muối ớt. Trẻ con lại tụm vào trước. Mỗi đứa bốc một miếng dưa rồi chấm vào bát muối ớt. Chúng khoái trí mút mát món muối ớt hơn là dưa.

Người lớn cũng mỗi người một miếng dưa, ăn cho phải phép. Bỗng dưng chồng thuyền chài phát hiện ra cây dâu da nhà công nhân đua sang nhà trí thức. Chồng thuyền chài bẻ một cành lá, bứt lấy mấy cái lá, lấy tay chùi chùi, rắc mấy hạt muối vào, gói lại, cho vào mồm nhai.

Trí thức quan sát vẻ mặt của chồng thuyền chài khi nhai lá dâu da với muối. Nó đầy vể thích thú và mãn nguyện. Không biết vị ngon của nó ra sao mà anh ta lại thích thú và mãn nguyện đến vậy.

Anh ta vừa nuốt xong miếng lá dâu da đầu tiên thì cả trẻ con lẫn người lớn trong bữa ăn, tất nhiên là trừ vợ chồng trí thức, đều tụm vào cành dâu da, bốn đôi tay người lớn và tám đôi tay trẻ con, đưa ra một lượt đã vặt trụi cả lá.

Không khí ăn lá dâu da thật say mê. Vợ trí thức nhìn vào bát muối ớt thấy hết, bèn xuống dưới nhà lấy thêm. Khi lên, hình ảnh đập ngay vào mặt làm thị muốn nổ con ngươi là chồng thị, một quí ông tiến sỹ, cũng nhăm nhăm mấy lá dâu da.

Thị còn thấy chồng lấy tay chùi lá rồi quệt vào quần. Bát muối ớt vợ trí thức đưa lên được những bàn tay cùng xúm vào kín cả miệng bát. Vợ trí thức quan sát chồng. Trí thức bỏ miếng lá dâu da vào mồm, nhắm mắt lại nhai, ban dầu cơ mặt hơi rúm lại, sau dãn dần dãn dần, đầy vẻ khoái trá.

Bữa cơm kết thúc trong sự vui vẻ của cả trẻ con lẫn hàng xóm. Mọi người ồn ào chào nhau ra về.

Đêm, vợ trí thức hỏi chồng:

- Này, lá dâu da ăn có ngon không, sao thấy anh có vẻ mãn nguyện thế?

- Vậy chứ em không ăn miếng nào à?

- Không.

- Vậy mai em phải thử ăn đi. Thật tuyệt. Không thể tả được đâu. Có một dạo đói dài, lá dâu da là món ăn ngon nhất của bọn trẻ con. Giờ ăn lại anh vẫn nhớ cái vị ngon tuyệt của nó.

Ta mua một cành đào thẩm mĩ hơi bị tởm

Tết nhất thì phải mua sắm nhiều thứ lắm, toàn những thứ quốc hồn quốc túy, đại sự cả. Có muốn ngồi nhà cũng không được, chân cứ muốn nhảy ra đường. Thôi thì ra đường. Ra ngắm phố ngắm phường, ngắm người giàu lắm tiền mua sắm.

Ta phận nghèo, có muốn sắm cũng đâu có tiền. Ra phố ngắm no mắt những hàng hóa. Ngắm no mắt những bông hoa. Trời rét đậm rét hại hàng tháng trời mà những bông hoa vẫn mơn mởn khoe sắc khoe hương.

Bởi những hoa đó được mang từ nơi khác về. Chỉ có một loài hoa bản xứ: hoa đào. Nó đã cùng người nông dân vật vã cả tháng trời trong cái giá rét để đơm nụ cho xuân. Nhưng không thể thắng được trời. Hai sáu hai bảy tết mà trời vẫn rét buốt.

Trong chợ hoa những cành đào trông như cành củi khô, thảng hoặc mới có cành trổ hoa. Những cành có nụ có hoa được hét với giá trên trời. Cái giá đó làm cho trời đất co lại rét buốt.

Ta chỉ hỏi giá có hai lần. Ta không muốn làm ta thêm thất vọng. Ta đi ra khỏi chợ hoa mà không mua được gì. Phía trước ta có một người đàn bà nhỏ thó cầm trên tay một cành đào bé hin. Cành đào chỉ bé bằng ngón tay trỏ, có một cái hoa nở, ba cái nụ bụ bẫm và khoảng chục cái nụ tấm.

Cành đào còi chẳng có gì hớp dẫn nhưng cái cách người đàn bà nâng nó lên ngang mặt, vừa đi vừa nhún nhẩy khiến ta chú ý. Ta hỏi:

- Cành đào này chị mua bao nhiêu tiền vậy?

Người đàn bà nhìn ta với cái nhìn rạng rỡ rồi trả lời:

- Gu thẩm mĩ của mình hơi bị tởm đấy. Nhà mình nghèo, tiền đâu ra mà mua của đắt tiền. Hôm qua, 26 tết, một trăm nghìn mình còn mua được 4 đồng bánh chưng cho con. Hôm nay bằng ấy tiền chỉ mua được 3 đồng bánh chưng.

Này gu thẩm mĩ của mình hơi bị tởm đấy. Ngày tết mà lại không có cành hoa đào cắm lên bàn thờ tổ tiên, nghe nó tủi thân lắm. Cành to đến mấy triệu bạc thì làm gì có tiền mà mua. Mình chọn ra 3 cành, trong đó có cái cành này mình ưng ý nhất.

Mình quay sang thằng bé bán đào bên cạnh. Mình hỏi nó: theo cháu cành nào đẹp nhất. Nó chỉ cành này. Thế là mình mua. Gu thẩm mĩ của mình hơi bị tởm đấy.Từ đầu chợ đến chỗ này mà bao nhiêu người hỏi giá rồi. Bốn mươi nghìn đồng đấy.

Chia tay người đàn bà, ta như vừa ngộ ra được một điều. Cái cách người đàn bà tự khen mình và hài lòng với thân phận của mình đã như một điều thiền trong cuộc sống. Ta sờ vào túi áo.Trong đó còn hơn một trăm nghìn đồng. Ta thầm nhủ ta sẽ đi mua một cành đào. Một cành đào thẩm mĩ hơi bị tởm.

Nhưng ngày 28 tết ta đi chợ mà không mua được. Ngày 29 trời vẫn lạnh giá, đào không đâm lộc, ta vẫn không mua được. Ba mươi tết trời hửng nắng. Ta làm cơm cúng tất niên xong, lại thong dong ra chợ. Một gánh đào vừa đỗ xuống.

Chợ chiều ba mươi tết người hớt hơ hớt hải.Ta chọn một cành chi chít nụ tấm, ba cái nụ to và một bông hoa đã nở. Người bán đào bảo, năm mươi ngàn đồng một cành muốn lấy cành đào nào thì lấy. Ta trả người bán đào bốn mươi ngàn đồng.

Người bán đào đồng ý. Thế là ta mua được cành đào thẩm mĩ hơi bị tởm.Ta cho cành đào vào giỏ xe. Như cái cách của người đàn bà ta đã gặp mấy hôm trước, ta mãn nguyện đạp xe về trong niềm hạnh phúc tự ban cho mình.

Nguồn ĐS&PL: http://phunutoday.vn/xi-nhan/nghe-thuat-moi/201204/Chum-truyen-ngan-mini-cua-y-Ban-ii-2147696/