Chúc thọ ngày xuân

Ngày xuân có nhiều hoạt động vui tươi, trong đó, tổ chức mừng thọ các cụ cao niên là nét đẹp, khơi dậy truyền thống 'kính lão, đắc thọ' của dân tộc ta. Tục chúc thọ đầu xuân không chỉ thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với bậc cao niên mà còn thể hiện sự kính trọng, lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Nét đẹp văn hóa đầu xuân ấy được nhân dân ta gìn giữ và lưu truyền từ đời này sang đời khác.

“Thuốc bổ” về tinh thần

Ngày xưa, lễ chúc thọ thường bắt đầu khi trong gia đình có người từ 60 tuổi trở lên. Ngày nay, khi đời sống phát triển, việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người cao tuổi (NCT) tốt hơn nên tuổi mừng thọ thường bắt đầu từ 70 tuổi trở lên. Theo đó, 70 tuổi gọi là chúc thọ, 80 tuổi là thượng thọ, 90 tuổi là thượng thượng thọ và 100 tuổi là bách tuế. Và việc mừng thọ cũng không còn giới hạn trong quy mô gia đình, dòng họ mà đã được toàn xã hội quan tâm.

“Trời thêm tuổi mới, người thêm thọ/Xuân khắp dương gian, phúc khắp nhà”, đối với nhiều gia đình, lễ mừng thọ, chúc thọ còn là dịp con cháu, dâu rể nội ngoại của các gia đình thể hiện lòng hiếu thảo, kính yêu các bậc sinh thành. Bởi thế, con cháu dù công tác xa xôi, hễ đến dịp này ai nấy đều thu xếp để về quây quần dự lễ mừng thọ cụ, ông bà, bố mẹ với niềm kính yêu xen lẫn tự hào dành cho đấng sinh thành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền thăm, chúc thọ và tặng quà cụ Nguyễn Thị Kiểu ở xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh tròn 90 tuổi - Ảnh: Như Nam

Xuân này, cụ Hà Thị Tần ở ấp 7, xã Tiến Hưng, TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước sang tuổi 101. Như nhiều NCT khác trong tỉnh, cụ Tần cảm thấy thật hạnh phúc bởi cụ là một trong số các cụ cao niên trong năm qua đã nhận được thiếp mừng, vải lụa của Chủ tịch nước và phần quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước trao tặng. Bên cạnh sự quan tâm của chính quyền các cấp, cụ còn đón nhận nhiều sự quan tâm, tình cảm tốt đẹp của con cháu, họ hàng, bà con lối xóm và địa phương.

Cụ Thị Me ở xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước năm nay cũng tròn 101 tuổi. Sức khỏe của cụ không được tốt, mọi hoạt động, sinh hoạt đều nhờ vào sự chăm sóc của con, cháu. Năm vừa qua, cụ đã được chính quyền tổ chức mừng thọ, được Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo huyện, xã tới thăm. Đó là niềm động viên tinh thần rất lớn để cụ sống lâu hơn cùng con cháu.

Cụ Nguyễn Thị Kiểu ở xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh năm nay tròn 91 tuổi. Cụ sống một mình và vẫn tự nấu ăn, tự chăm sóc bản thân, chưa phải phụ thuộc nhiều vào các con. Năm 2023, cụ được địa phương và gia đình tổ chức mừng thọ, cụ phấn khởi lắm. Tấm áo mới, chiếc khăn, bức tranh, câu đối đỏ, bức trướng… mang ý nghĩa gửi gắm trong đó tấm lòng, sự kính trọng đối với thế hệ đi trước tặng cụ. Cũng thông qua việc tổ chức chúc thọ, NCT như cụ Kiểu cảm thấy hạnh phúc hơn vì mình đông con, nhiều cháu lại hiếu thảo, lễ nghĩa.

Các cụ vui mừng, hạnh phúc vì con cháu trưởng thành, hiếu thuận, có nhiều cống hiến cho xã hội... Con cháu cảm thấy tự hào về ông bà, cha mẹ của mình, cũng như truyền thống của gia đình. “Sự quan tâm của chính quyền và con cháu là niềm hạnh phúc đối với NCT. Đó là liều thuốc bổ nhất để chúng tôi sống khỏe” - cụ Kiểu bộc bạch.

Để mừng thọ luôn là nét đẹp văn hóa ngày xuân

Theo quan niệm của người Việt Nam, NCT sống thọ và gia đình có NCT là có được phúc lớn. Vì có phúc nên mới sống lâu, có con cháu đề huề, sum vầy báo hiếu, mừng thọ cho các cụ là mừng cái phúc ấy. Con cháu được mừng thọ ông bà, cha mẹ là có thêm niềm vui, niềm tự hào. Hạnh phúc lớn nhất của đời người là được vui vầy cùng con cháu.

Ở tỉnh Bình Phước, lễ mừng thọ được tổ chức vào dịp tết Nguyên đán và Ngày quốc tế NCT (1-10). Trong những ngày này, lãnh đạo tỉnh, huyện tổ chức thăm, tặng quà, chúc tết, chúc thọ các cụ. Năm 2023, toàn tỉnh có 7.314 NCT được chúc thọ, mừng thọ với 3,3 tỷ đồng. Ở cấp tỉnh, có 492 NCT tròn 90 tuổi được Chủ tịch UBND tỉnh chúc thọ, 64 NCT tròn 100 tuổi được Chủ tịch nước chúc thọ.

Sau khi được chính quyền tổ chức mừng thọ, nhiều gia đình tổ chức mừng thọ cha mẹ, ông bà, người thân vào dịp tết Nguyên đán. Ngày xuân, trong lễ mừng thọ, người Việt thường chúc các cụ “Phúc như Đông Hải, thọ tỷ Nam Sơn”, nghĩa là chúc cho các cụ có được phúc lộc dồi dào như nước biển Đông, sống lâu như núi Nam.

Tuổi thọ cao là mơ ước của mọi người. Muốn vậy, theo các cụ cao niên, ngoài cuộc sống đầy đủ về vật chất, tinh thần, thì ngay khi còn trẻ cần biết sống điều độ, hay làm việc thiện, biết đủ, biết vừa, không sân si để vui sống. Chúng ta cần nhớ lời khuyên của tiền nhân: Phải biết kính già, yêu trẻ, vì “Yêu trẻ trẻ đến nhà, kính già già để tuổi cho”. Đó là một nét đẹp văn hóa truyền thống đầy ý nghĩa nhân văn của dân tộc ta.

Có thể nói, chúc thọ, mừng thọ là nét đẹp văn hóa, thể hiện truyền thống “kính lão, đắc thọ” của dân tộc ta đã và đang được các địa phương trong tỉnh tiếp nối và giữ gìn. Qua đó, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, của con cháu đối với NCT. Từ đó động viên NCT tiếp tục sống vui, sống khỏe và trường thọ bên con cháu; cổ vũ, động viên, dạy bảo con cháu học tập, lao động, sáng tạo xây dựng quê hương giàu đẹp, vững mạnh. Tuy nhiên, để việc mừng thọ trở nên ý nghĩa, các gia đình và chính quyền địa phương cần tổ chức tiết kiệm, tránh khoa trương.

“Tỉnh Bình Phước hiện có hơn 69.700 NCT. Trong công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT, cần chia ra các đối tượng để có chính sách phù hợp. Vào mỗi dịp lễ, tết, hoạt động thăm, tặng quà, chúc thọ NCT, đặc biệt là các cụ 90, 100 tuổi của các cấp chính quyền đã thể hiện nét đẹp truyền thống “kính lão, đắc thọ” của dân tộc ta; động viên NCT sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc bên gia đình và con cháu”.

Ông NGUYỄN CÔNG SỞI, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh Bình Phước

Hiền Lương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/153652/chuc-tho-ngay-xuan