Chùa Yên Phú: Ngôi chùa cổ nhất Việt Nam

Chùa Yên Phú còn có tên gọi là Thành Vân Cổ Tự, thuộc xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì là một trong những ngôi chùa có niên đại rất sớm thuộc loại cổ nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Tương truyền chùa có từ thời Hai Bà Trưng, do sư bà Phương Dung, con gái ông Trương Công và bà Phùng Thị Huệ làm trụ trì.

Trong lịch sử, ngôi chùa có những sự tích gắn với chiến công chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Năm 40 trước Công nguyên, khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa chống giặc Phương Bắc, sư bà Phương Dung cùng hai chàng trai có tên là Trương Vũ và Đài Liệu hưởng ứng lời hiệu triệu của Hai Bà Trưng chiêu mộ hàng ngàn tráng binh tham gia khởi nghĩa, trong đó đã chọn 25 tráng binh của làng Yên Phú làm gia thần giúp việc quân cơ và kéo về Hát Môn hòa vào nghĩa quân chống giặc Tô Định (Đông Hán). Thắng trận Hai Bà Trưng phong tặng Phương Dung làm công chúa, Trung Vũ làm chỉ huy sứ Tả tướng quân và Đài Liệu làm Hữu tướng quân, ban cho dân Yên Phú 300 mẫu ruộng, miễn phí thu tạp dịch cho nhân dân trong nhiều năm. Vào đầu năm Kỷ Dậu 1789, trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh, vua Quang Trung đã chọn Yên Phú làm điểm tập kết của nghĩa quân Tây Sơn để đánh đồn Ngọc Hồi góp phần làm nên chiến thắng Đống Đa, giải phóng thành Thăng Long. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ của dân tộc chùa Yên Phú là cơ sở hoạt động bí mật của chi bộ Đảng ở địa phương, nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng. Vì đã có những đóng góp cho nền độc lập của dân tộc, chùa Yên Phú đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng huân chương kháng chiến hạng Nhất. Năm 1989, chùa được Bộ Văn Hóa công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Hiện trong chùa còn lưu giữ khá nhiều những hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa khảo cổ. Đó là Thần phả ghi chép sự tích của Phương Dung công chúa, tướng quân Trung Vũ, Đài Liệu do Hàn lâm đại học sỹ Nguyễn Bính soạn năm 1572 gồm 23 đạo từ thời vua Lê Trung Hưng cho tới nhà Nguyễn, trong đó có 18 đạo sắc của các triều vua Lê, 5 đạo của triều nhà Nguyễn…ngoài ra còn có tượng pháp, chuông đồng, hoành phi câu đối, các đồ thờ tự có giá trị tín ngưỡng rất lớn. Thể theo nguyện vọng của các tăng ni, phật tử Thủ đô và cả nước, chùa Yên Phú đang được xây mới có khuôn viên rộng 4.152m2, với kiến trúc độc đáo, quy mô hai tầng và một tầng trệt đáp ứng nhu cầu hoạt động tín ngưỡng, văn hóa của hàng ngàn người. Nhân dịp hướng tới 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, sáng ngày 21-8, chùa Yên Phú đã long trọng tổ chức Đại lễ đúc tượng Vua Quang Trung và tổ chức lễ Vu Lan báo hiếu trước sự chứng kiến của lãnh đạo Thành phố, địa phương và hơn 1000 tăng ni, phật tử Thủ đô, Ninh Bình, Nghệ An. Thượng tọa Thích Thọ Lạc, trụ trì chùa Yên Phú nói: Việc đúc tượng vua Quang Trung phải dùng đến 400 kg đồng đỏ nguyên chất được nung chảy trong 3 tiếng liên tục với sự góp mặt của 10 nghệ nhân làng nghề đúc đồng thủ công Vạn Điểm thuộc huyện Ý Yên, Nam Định trực tiếp làm. Dự kiến, sau khi hoàn thành bức tượng sẽ được đặt tại khuôn viên chùa để cầu cho quốc thái, dân an, là nơi tưởng nhớ các anh hùng, nghĩa quân Tây Sơn, các liệt sỹ, các cán bộ cách mạng đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc từ thời Hai Bà Trưng cho đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Đây sẽ là một công trình kiến trúc, nghệ thuật độc đáo, tạo điểm nhấn cho cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội. Phượng Nguyễn - Phóng sự ảnh: Hoàng Long

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=16356&menu=1437&style=1