Chữa thơ không dễ!

Những biên tập viên thơ giỏi thường rất thận trọng khi chữa bài người khác. Bởi, hơn ai hết họ hiểu rằng nếu biên tập không đúng thì vô tình mình sẽ làm hỏng bài thơ.

Mỗi bài thơ ra đời trong một hoàn cảnh riêng và xuyên suốt tác phẩm là cảm xúc và ý tưởng của người viết. Từng câu, từng chữ là sự cân nhắc chọn lựa của tác giả nhằm diễn đạt được tốt nhất cảm xúc và ý tưởng của mình. Tuy nhiên, không phải bài thơ nào cũng hay cả vì nó phụ thuộc vào tài năng, vốn sống và cả sự may mắn mà ta thường gọi là "Trời cho" nữa. Tôi đã từng có trên mười năm làm biên tập thơ ở tạp chí Văn nghệ Quân đội (1997-2010) nên ít nhiều cũng hiểu điều này. Có bài thơ được "tứ" nhưng hình ảnh, ngôn ngữ lại kém. Có bài thì "tứ" rất mơ hồ, mỏng mảnh nhưng lại được cảm xúc mạnh, hình ảnh mới lạ. Có bài cấu trúc xộc xệch nhưng nhiều câu lấp lánh. Có bài thoạt đọc thấy giản đơn cũ kỹ nhưng ngẫm lâu lại ẩn chứa nhiều chiêm nghiệm sâu sắc. Có bài câu chữ loảng xoảng rườm rà, mới xem thấy "choáng" nhưng đọc kỹ thì trống rỗng nhạt phèo. Chính vì thế, theo tôi, biên tập thơ là một việc khó. Nếu ai được giao làm việc này mà chỉ nhăm nhăm sử dụng "quyền" của mình để cắt tỉa, thêm bớt vào thơ người khác một cách tùy tiện, cẩu thả thì chắc chắn là kẻ phá thơ, giết thơ.

Tôi là người làm thơ và cũng từng gửi bài in ở một số báo, tạp chí. Phần lớn những bài thơ của tôi gửi in ở các báo đều được giới thiệu chuẩn xác theo bản thảo, rất ít sai sót. Nhưng, đáng buồn là cũng có một số tờ báo lại vô cùng tùy tiện cẩu thả trong biên tập thơ. Cách đây lâu lâu, tôi có gửi bài thơ "Với Huế" đến một tờ báo lớn. Báo ra, khi đọc bài thơ được in của mình tôi sững sờ, dở khóc dở cười. Hai câu kết của bài thơ, tôi viết: "Cầu Trời chầm chậm cơn mưa/ để tôi cưới Huế thuở chưa có chồng"…

Thực ra, tôi đã kín đáo gửi gắm một chút kỷ niệm riêng tư của mình trong câu thơ đó. Thế mà, câu thơ đã được chữa lại là: "Cầu Trời chầm chậm cơn mưa/ để tôi với Huế như chưa có gì"… Trời ơi là Trời, ý của hai câu hoàn toàn khác nhau. Thẳng thắn mà nói biên tập viên đã làm hỏng câu thơ và làm hỏng cả bài thơ này. Rất may, Báo Văn nghệ đã in rất đúng bài thơ "Với Huế" của tôi sau đó. Một ví dụ khác, Tết Nhâm Thìn vừa rồi, có tờ báo "xin" tôi một bài thơ để in. Tôi gửi bài "Hà Nội tinh mơ", trong đó khổ mở đầu là: "Dẫu đã có nghìn năm Hà Nội vẫn tinh mơ/ như buổi sớm nay con tàu Phương Nam đưa tôi về ga Hàng Cỏ/ thầm thì trong tôi cái tên gọi cổ/ thời ngựa xe lộc cộc chốn kinh thành". Khi báo in ra thì câu cuối cùng đã được sửa lại thế này: "thời xe ngựa lộc cộc chốn kinh thành". Từ "ngựa xe" biến thành "xe ngựa", biên tập ơi là biên tập, "ngựa xe" khác "xe ngựa" nhiều lắm đó; đấy là chưa nói tới chuyện sai luật bằng trắc. Đây là chủ ý của người biên tập chứ không phải là lỗi in vì tôi đã mail bài đến tòa soạn. Báo ấy đã vô tình "tặng" tôi một nỗi buồn trong cái Tết con Rồng vừa qua. Chưa hết, gần đây nhất, một tờ báo địa phương ở miền Trung lấy bài thơ "Bạn tôi vẫn ở Trường Sa" in (chưa xin phép) và "dám" bỏ đi một khổ thơ mà tôi khá thích. Khổ thơ thông qua chuyện những người lính Trường Sa yêu cô Thị Mầu lúng liếng trong chèo cổ để thầm kín nói lên những chịu đựng và khát khao đời thường "rất con người" của đồng đội tôi nơi chân trời góc bể. Cô Thị Mầu trong mắt biên tập viên báo ấy chắc là con người dâm tục và như thế sẽ làm nhụt ý chí của những người lính biển chăng? Hay, một nhà thơ nổi tiếng về tuyển chọn sách đã tự tiện cắt đi một khổ thơ của tôi trong bài "Nguyễn Trãi". Tôi bị ức chế đến nỗi, từ chỗ rất háo hức có được quyển tuyển "Nguyễn Trãi" ấy trên giá sách của mình tới chỗ không muốn nhắc đến nó nữa…

Khơi khơi mấy chuyện như thế để nhắc nhở các người biên tập thơ hãy thật thận trọng khi chữa thơ người khác.

Chữa thơ, không dễ đâu!

Nguồn CAND: http://vnca.cand.com.vn/vi-vn/diendan/2012/3/56928.cand