Chưa loại trừ hoàn toàn nguy cơ sắt thép bị nhiễm xạ

PGS.TS. Vương Hữu Tấn - Nguyên Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhânDù đã có nhiều tiến bộ về công tác quản lý, nhưng nguy cơ xảy ra mất nguồn phóng xạ cũng như phế liệu sắt thép bị nhiễm xạ ở nước ta vẫn chưa bị loại trừ hoàn toàn.

Nguy cơ hiện hữu

Vừa qua, một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin vụ mất nguồn phóng xạ Cs-137 ở Thái Lan và đã được tìm thấy ở phế liệu của nhà máy tái chế sắt thép. Trước đó, năm 2000, nước này đã từng xảy ra vụ mất nguồn phóng xạ Co-60 làm một người chết và 10 người bị chiếu xạ quá liều. Rất may, vụ mất nguồn phóng xạ lần này dù có hoạt độ cao nhưng không gây thiệt hại về người.

“Trông người lại ngẫm đến ta”. Các nguồn phóng xạ thường dưới dạng thanh kim loại và đựng trong bình chứa cũng bằng kim loại nên phần lớn sau khi bị mất sẽ được bán cho các cơ sở thu mua phế liệu sắt thép. Ngày 31.7.2019, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã tổ chức hội thảo về tăng cường công tác quản lý phế liệu sắt, thép và hàng hóa nhiễm xạ ở Việt Nam. Dù đã có nhiều tiến bộ về công tác quản lý, nhưng nguy cơ xảy ra mất nguồn phóng xạ cũng như phế liệu sắt thép bị nhiễm xạ ở nước ta vẫn chưa bị loại trừ hoàn toàn.

Dù đã có nhiều tiến bộ trong quản lý song nguy cơ phế liệu sắt thép bị nhiễm xạ ở nước ta vẫn chưa bị loại trừ hoàn toàn

Thực tế, phế liệu sắt thép nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn nguyên liệu cho các nhà máy tái chế sắt thép. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong giai đoạn 2016 - 2018, chúng ta đã nhập hơn 14 triệu tấn phế liệu, chủ yếu từ Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc; chỉ tính 7 tháng năm 2021 nhập khẩu phế liệu sắt thép đạt hơn 4,1 triệu tấn…

Nhập khẩu phế liệu bằng đường biển chiếm trọng số lớn. Tuy nhiên, hiện chỉ có 2 cảng biển có hệ thống thiết bị kiểm tra phóng xạ trong hàng hóa xuất nhập khẩu là cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh), còn lại các cảng biển khác đều không có thiết bị kiểm tra phóng xạ. Về phía các cửa khẩu đường bộ thì hầu như không có thiết bị kiểm soát phóng xạ trong hàng hóa xuất nhập khẩu. Các nguồn phóng xạ bị mất ở Campuchia, Lào hay Thái Lan hoàn toàn có thể qua các cửa khẩu đường bộ vào Việt Nam trong phế liệu sắt thép nhập khẩu.

Các nhà máy sản xuất và tái chế sắt thép hiện đại đều được đầu tư thiết bị kiểm tra phóng xạ trong nguyên liệu đầu vào và trong dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, khi phát hiện ra phóng xạ, chủ cơ sở sản xuất sắt thép có báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước hay không lại hoàn toàn tùy thuộc vào ý thức của họ.

Đối với các nhà máy tái chế sắt thép thủ công trên khắp cả nước hầu như không có bất kỳ một thiết bị kiểm soát phóng xạ nào. Gần đây, Đại học Bách khoa Hà Nội với sự tư vấn của Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã thực hiện thành công 2 đề tài cho TP. Hà Nội và Bắc Ninh về kiểm soát các loại nguồn phóng xạ trong nhà máy tái chế sắt thép thủ công. Tuy nhiên, chưa có cơ chế để triển khai áp dụng kết quả của các đề tài này tại tất cả các nhà máy tái chế sắt thép thủ công trong cả nước để giảm thiểu nguy cơ chiếu xạ cho người dân và môi trường.

Rõ ràng, nguy cơ sắt thép phế liệu bị nhiễm xạ ở nước ta là có. Nếu xảy ra, việc xử lý sẽ rất tốn kém, phức tạp. Chẳng hạn, năm 1996, Đài Loan (Trung Quốc) đã phải xử lý 180 tòa nhà với 1.700 căn hộ và bồi thường cho 10.000 người dân sống trong các tòa nhà này vì sử dụng thép xây dựng bị nhiễm xạ Co-60.

Rà soát quy định quản lý nguồn phóng xạ

Để tăng cường công tác bảo đảm an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ ở nước ta, trước tiên, cơ quan quản lý nhà nước cần yêu cầu các cơ sở có nguồn phóng xạ phải thực hiệc việc kiểm kê định kỳ theo quy định và báo cáo về cho Cục An toàn bức xạ và hạt nhân. Điều này sẽ nâng cao trách nhiệm của các cơ sở là chủ sở hữu của nguồn phóng xạ, nếu xảy ra mất thì sẽ biết và báo cáo ngay cho Cục để xử lý kịp thời. Về phía Cục cũng cần rà soát lại các quy định quản lý nguồn phóng xạ, nếu còn có bất cập thì phải sửa đổi ngay.

Bên cạnh đó, cần phải kiểm soát phóng xạ 100% các nguồn sắt thép phế liệu nhập khẩu phục vụ làm nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất và tái chế sắt thép trong nước. Trong khi chưa có điều kiện đầu tư cho các cửa khẩu thiết bị kiểm soát phóng xạ trong hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng tự động, nên trang bị các thiết bị kiểm tra phóng xạ cầm tay giá rẻ và bắt buộc phải kiểm tra đối với sắt thép phế liệu nhập khẩu. Hiện, Việt Nam hoàn toàn có khả năng tự sản xuất và cung cấp đầy đủ cho các cửa khẩu thiết bị này cũng như thiết bị kiểm tra phóng xạ hiện đại dạng cổng kiểm tra tự động các xe container.

Cơ quan quản lý cũng cần tổ chức ngay việc kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào của các nhà máy tái chế sắt thép và kiểm tra phóng xạ trong sản phẩm sắt thép trước khi đưa ra thị trường. Cần lắp thiết bị thanh tra phóng xạ tự động phát cảnh báo phóng xạ cho cơ quan quản lý khi bất kỳ một thiết bị kiểm soát phóng xạ nào trong nhà máy ghi nhận có phóng xạ. Việc này dễ dàng thực hiện được và không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nhà máy. Thiết bị thanh tra phóng xạ này là thuộc sở hữu của cơ quan quản lý nhà nước được niêm phong mà chủ cơ sở sản xuất và tái chế sắt thép không được phép can thiệp vào hoạt động của nó.

Muốn vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ cần công bố tiêu chuẩn của thiết bị kiểm tra phóng xạ cầm tay và các cổng kiểm tra phóng xạ phục vụ kiểm soát phế liệu nhập khẩu để tái chế sắt thép; tổ chức nghiên cứu sản xuất các thiết bị mẫu của hai loại thiết bị này phục vụ nhu cầu trong nước, đánh giá thành tựu sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước; yêu cầu các cơ sở tái chế sắt thép thủ công thực hiện lắp đặt thiết bị kiểm tra phóng xạ dựa theo tiêu chuẩn đã được bộ công bố.

Về phía cơ quan hải quan, cần có dự án đầu tư cho các cửa khẩu thiết bị kiểm tra phóng xạ cầm tay. Riêng các cảng biển lớn thì phải đầu tư các cổng kiểm tra phóng xạ hiện đại như ở cảng Cái Mép - Thị Vải và Cát Lái nhằm kiểm tra 100% các loại phế liệu nhập khẩu tái chế sắt thép. Có thể cho phép các đơn vị sản xuất trong nước được tham gia đấu thầu cung cấp các thiết bị này hoặc được phép chỉ định thầu (nếu pháp luật cho phép).

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/chua-loai-tru-hoan-toan-nguy-co-sat-thep-bi-nhiem-xa-i321423/