Chú trọng tuyên truyền, vận động đối tượng truy nã đầu thú

Đối tượng truy nã sau khi gây án hoặc sau khi nhận bản án, đã tìm cách lẩn trốn việc xử lý của cơ quan pháp luật. Việc các đối tượng tội phạm, vi phạm pháp luật còn bên ngoài xã hội sẽ tạo ra những hệ lụy nguy hiểm.

Các đối tượng truy nã bị lực lượng công an bắt giữ. Ảnh tư liệu công an cung cấp

Theo Công an tỉnh, việc triển khai, rà soát, kịp thời bắt giữ các đối tượng tội phạm đang trốn lệnh truy nã sẽ góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở, tránh làm phát sinh các vụ việc phức tạp, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

* Nhiều đối tượng truy nã bị bắt giữ

Hàng năm, công tác truy bắt đối tượng truy nã vẫn luôn được công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Đây được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng được lãnh đạo Công an tỉnh triển khai trong các đợt ra quân thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trên địa bàn tỉnh.

Gần nhất, vào 2 ngày 5 và 6-3, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã bắt giữ 6 đối tượng bị truy nã về hành vi giết người. Đây đều là những đối tượng tham gia vụ án giết người xảy ra tại địa bàn huyện Nhơn Trạch vào năm 2020. Sau khi gây án, các đối tượng đã bỏ trốn khỏi địa phương, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định truy nã đặc biệt và tiến hành truy bắt các đối tượng này.

Trong năm 2023, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã tổ chức truy tìm, vận động đầu thú và tiến hành bắt giữ 132 đối tượng truy nã lẩn trốn trên địa bàn tỉnh và các địa bàn khác.

Trước đó, vào giữa tháng 1-2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã bắt giữ Trần Thanh Bình (51 tuổi, ngụ phường Tân Hòa, thành phố Biên Hòa) và Nguyễn Thị Thanh Nguyệt (44 tuổi, vợ Bình) khi cả hai đang trốn truy nã về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức tại thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).

Theo xác minh của cơ quan công an, năm 2018, thông qua mạng xã hội, Bình và Nguyệt đã đặt làm giả 11 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhằm thế chấp, ký hợp đồng giả để chiếm đoạt tổng số tiền hơn 19,7 tỷ đồng của một số người dân.

Quá trình điều tra, đến tháng 9-2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với vợ chồng Bình để điều tra về các hành vi nói trên. Tuy nhiên, vợ chồng Bình đã trốn khỏi nơi cư trú nên cơ quan công an đã ra quyết định truy nã và tiến hành truy bắt 2 đối tượng.

Đặc biệt, tại địa bàn huyện Tân Phú, vào cuối tháng 12-2023, Công an huyện phối hợp với Công an xã Đak Lua (huyện Tân Phú) bắt Trần Hữu Năm (37 tuổi, ngụ xã Đak Lua) là đối tượng trốn truy nã về hành vi cố ý gây thương tích đã 14 năm.

Cũng trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm cuối năm 2023, Công an huyện Tân Phú đã bắt giữ đối tượng bị truy nã về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản Nguyễn Văn Hiền (36 tuổi, ngụ ấp 3, xã Phú Thịnh) sau 10 năm lẩn trốn.

* Chú trọng vận động đối tượng truy nã đầu thú

Theo cơ quan công an, Đồng Nai là địa bàn trọng điểm ở khu vực phía Nam, có nhiều khu công nghiệp và mức tăng dân số cơ học hàng năm rất cao nên việc phát sinh tội phạm, phức tạp về an ninh trật tự khó tránh khỏi, trong đó có tình trạng các đối tượng trốn truy nã lợi dụng địa bàn để lẩn trốn, tá túc và tìm cách che giấu thân phận thật của mình.

Trước tình hình đó, Công an tỉnh xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đấu tranh với các loại tội phạm là tập trung bắt đối tượng truy nã. Trong thời gian tới, Công an tỉnh xác định sẽ tập trung công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố; tập trung điều tra, khám phá các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, dư luận quan tâm. Bên cạnh đó, lực lượng công an sẽ tăng cường vận động, truy bắt các đối tượng trốn truy nã, thực hiện nghiêm các quy định về bắt, giam giữ, thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp.

Thực hiện nhiệm vụ này, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh xác định, để công tác bắt đối tượng truy nã đạt hiệu quả, ngoài biện pháp nghiệp vụ, công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan để vận động đối tượng ra đầu thú cũng cần phải được chú trọng. Phải đảm bảo 100% đối tượng truy nã có thư kêu gọi ra đầu thú. Bên cạnh đó, lực lượng công an phải phối hợp với chính quyền cơ sở, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố trực tiếp gặp gỡ, động viên, giải thích, thuyết phục người thân của đối tượng truy nã để chuyển thư kêu gọi đầu thú, vận động đưa con em bị truy nã ra đầu thú.

Là một trong những địa bàn khá phức tạp về an ninh trật tự, hàng năm có nhiều đối tượng tội phạm, đối tượng truy nã lẩn trốn, phường Long Bình (thành phố Biên Hòa) đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an để vận động, truy bắt đối tượng truy nã.

Trưởng ban Bảo vệ dân phố phường Long Bình Bùi Xuân Điện cho biết, với vai trò lực lượng giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở, lực lượng bảo vệ dân phố của phường thường xuyên phối hợp với công an phường, cảnh sát khu vực để rà soát nắm bắt các đối tượng truy nã trên địa bàn.

Theo ông Bùi Xuân Điện, khi có thông báo về đối tượng truy nã là người địa phương hoặc đối tượng từ các địa bàn khác lẩn trốn trên địa bàn phường, lực lượng bảo vệ dân phố sẽ chủ động rà soát, nắm bắt thông tin về đối tượng. Trên cơ sở đó sẽ cung cấp thông tin cho lực lượng công an cùng phối hợp truy bắt. Đối với những trường hợp xác định rõ nhân thân nhưng không có mặt tại địa phương, lực lượng này sẽ làm việc với gia đình để vận động đối tượng ra đầu thú.

Trần Danh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202403/chu-trong-tuyen-truyen-van-dong-doi-tuong-truy-na-dau-thu-dcb5a4a/