Chú trọng đào tạo nghề, tạo sinh kế cho lao động nông thôn

Việc đào tạo nghề còn góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì thế, đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng đổi mới gắn với nhu cầu thực tiễn nhằm tạo việc làm, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Nông dân Nguyễn Văn Đạt (phải), ấp Thủy Hòa chia sẻ kỹ thuật trồng thanh long với Cán bộ Văn hóa - Xã hội phụ trách lĩnh vực thương binh - xã hội xã Thuận Hòa.

Những năm gần đây, được các cấp, các ngành quan tâm, chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp trên địa bàn huyện Cầu Ngang cho lao động nông thôn, nên đã từng bước cải thiện, hình thành xã hội học tập, sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Nhiều địa phương xuất hiện những tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, góp phần liên kết sản xuất tạo chuỗi giá trị nông nghiệp.

Thuận Hòa là xã có đông đồng bào Khmer của huyện Cầu Ngang, chiếm 56%. Xã có 07 ấp, trong đó, Thủy Hòa là ấp còn nhiều khó khăn của xã, đồng bào Khmer của ấp chiếm 48% dân số, nên nhu cầu học nghề và tìm kiếm việc làm rất lớn. Chính vì thế, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn rất cần thiết.

Đồng chí Sơn Ngọc Tha La, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa cho biết: hiện trên địa bàn xã có 4.721/4.875 lao động, chiếm hơn 96% so với lực lượng lao động trong độ tuổi có khả năng tham gia lao động, trong đó có 1.779 lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ. Năm 2019, xã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện tổ chức lớp đào tạo nghề về kỹ thuật chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Từ đó đã giúp người dân trong xã tiếp cận khoa học - kỹ thuật áp dụng vào chăn nuôi, mang lại hiệu quả cao, góp phần giảm nghèo bền vững.

Bà Thạch Thị Dang, ấp Thủy Hòa cho biết: với diện tích 0,4ha đất sản xuất độc canh cây lúa, từ khi chuyển đổi sang nuôi thủy sản, đời sống gia đình ngày càng ổn định. Với diện tích trên, bà chuyển đổi 0,3ha sang đào ao nuôi tôm, còn 0,1ha canh tác 02 vụ lúa/năm, với mục đích lấy rơm rạ phục vụ nuôi bò và trữ lúa phục vụ đời sống hàng ngày.

Theo bà Dang, sau khi được tham gia lớp tập huấn và đào tạo nghề về kỹ thuật chăn nuôi, người dân trong ấp cũng như gia đình bà tiếp cận kiến thức, kỹ thuật mới trong cách chăm sóc đàn bò nuôi, đặc biệt cách nhận biết những dấu hiệu bệnh thường xảy ra trên đàn bò và có biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả hơn trên đàn vật nuôi. Đối với bò sinh sản, trong quá trình bò có chữa, việc chăm sóc bò càng vất vả hơn, nhất là khi bò sinh sản bị nhiễm bệnh, khó tiêm thuốc điều trị, nên thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe cũng như vệ sinh chuồng trại nhằm hạn chế tình trạng xảy ra bệnh trên bò sinh sản.

Khác với gia đình bà Dang, nông dân Nguyễn Văn Đạt, ngụ cùng ấp đã áp dụng thành công mô hình nuôi tôm công nghiệp kết hợp nuôi bò sinh sản và trồng thanh long trên diện tích hơn 0,7ha.

Ông Đạt cho biết: diện tích trên trước đây gia đình trồng lúa, nhưng làm lúa hiệu quả không cao, sau đó ông đào 03 ao chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng 02 vụ/năm, lợi nhuận đạt 100 triệu đồng/năm kết hợp nuôi 07 con bò sinh sản. Cùng với đó, trong quá trình chuyển đổi, gia đình ông được địa phương hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 50 triệu đồng đầu tư vào trồng trọt và chăn nuôi. Bên cạnh nuôi tôm, ông còn dành hơn 0,1ha đất chuyển đổi lên liếp trồng hơn 0,1ha thanh long. Đối với mô hình nuôi tôm ngoài kiến thức học tập và đúc kết kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình nuôi nên hơn 10 năm qua, nuôi tôm của gia đình luôn thành công.

Riêng vụ nuôi năm nay, do giá tôm sụt giảm nên huề vốn và ông đang cải tạo ao hồ chuẩn bị vụ nuôi mới vào đầu tháng 11 sắp tới. Đối với con bò, thời gian gần đây giá bò giảm mạnh nên ông xuất bán 03 con nhằm giảm công chăm sóc và chi phí trong chăn nuôi.

Bên cạnh đó, để có thêm thu nhập cho gia đình, ông đầu tư 70 triệu đồng mua giống, trụ bê-tông và dây dẫn điện câu dẫn đèn trồng thanh long ruột đỏ đem lại hiệu quả cao. Sau hơn 05 năm trồng và chăm sóc, đến nay ông đã thu hồi vốn ban đầu. Ông trồng thanh long theo hướng hữu cơ nên cho trái lai rai, hơn 01 tháng thu hoạch thanh long 01 lần, mỗi đợt thu hoạch khoảng 10 ngày, sản lượng đạt 600 - 700kg, giá bán ở các chợ nông thôn trong huyện 15.000 đồng/kg. Đến cuối tháng 9 âm lịch, ông tập trung chong đèn cho thanh long ra trái rộ để bán vào dịp Tết, sản lượng thanh long cho trái vào vụ Tết bình quân khoảng 03 - 04 tấn, mang lại thu nhập cao trong dịp cuối năm.

Có thể nói, đào tạo nghề đã tạo điều kiện cho người dân tạo sinh kế, có việc làm tăng thu nhập. Với nhiều giải pháp đã và đang triển khai công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, huyện tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Bài, ảnh: MỸ NHÂN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/doi-song-xa-hoi/chu-trong-dao-tao-nghe-tao-sinh-ke-cho-lao-dong-nong-thon-32426.html