Chú trọng đào tạo lao động có tay nghề sang Trung Đông làm việc

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thị trường Ả rập Xê út nói riêng và các quốc gia Trung Đông nói chung rất tiềm năng, có nhu cầu lớn tiếp nhận lao động, đặc biệt là lao động có kỹ năng, tay nghề cao.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gặp gỡ Bộ trưởng Bộ Nguồn nhân lực và Phát triển xã hội Ả rập Xê út Ahmed Al-Rajhi

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gặp gỡ Bộ trưởng Bộ Nguồn nhân lực và Phát triển xã hội Ả rập Xê út Ahmed Al-Rajhi

Nhân chuyến tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Ả rập Xê út dự Hội nghị Cấp cao lần đầu tiên giữa Hiệp hội các quốc gia ASEAN và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), ngày 19/10, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã có buổi tiếp xúc, gặp mặt các doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Ả rập Xê út.

Khoảng 5.000 lao động Việt đang làm trong các ngành nghề

Tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Trần Thăng, Trưởng Ban thị trường Trung Đông, Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS) đã báo cáo tóm tắt với Bộ trưởng về tình hình người lao động Việt Nam đang làm việc tại Ả rập Xê út.

Hiện nay, có khoảng 5.000 lao động Việt Nam đang làm việc trong các ngành nghề như xây dựng, cơ khí, giúp việc gia đình và một số ít người lao động là kĩ sư, chuyên gia với chế độ đãi ngộ tốt, thu nhập cao.

Theo ông Thăng, lao động Việt Nam được phía bạn đánh giá cao về ý thức trách nhiệm, chăm chỉ, khéo léo và chủ động trong công việc. Tuy nhiên, phía bạn nhận định thị trường Ả rập Xê út vẫn chưa thu hút được lực lượng lao động có kỹ năng nghề của Việt Nam, trong khi nhu cầu rất lớn.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm việc với Ban thị trường Trung Đông, Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm việc với Ban thị trường Trung Đông, Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam

“Thời gian gần đây, cơ quan chức năng hai nước đã ban hành các chính sách pháp luật tăng cường công tác quản lý người lao động, bên cạnh đó có việc chấn chỉnh và nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tại địa bàn nhất là những lao động có trình độ thấp như giúp việc gia đình”, ông Nguyễn Trần Thăng báo cáo lãnh đạo Bộ.

Chia sẻ với những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, thị trường Ả rập Xê út nói riêng và các quốc gia Trung Đông nói chung rất tiềm năng, có nhu cầu lớn tiếp nhận lao động, đặc biệt là lao động có kỹ năng, tay nghề.

Chú trọng lựa chọn công việc tốt, phù hợp với lao động Việt

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng có một số khó khăn cần phải nhận diện, thị trường Trung Đông có sự khác biệt rõ rệt về văn hóa, tôn giáo, điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt và chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ bởi lực lượng lao động giá rẻ từ các quốc gia lân cận.

“Với điều kiện kinh tế trong nước phát triển, người lao động Việt Nam ngày càng có nhiều sự lựa chọn tốt về việc làm. Về phía các quốc gia mong muốn tiếp nhận lao động Việt Nam cần phải nâng cao quyền lợi cho người lao động mới có thể thu hút được lực lượng lao động sang làm việc”, ông nói.

Toàn cảnh buổi làm việc

Toàn cảnh buổi làm việc

Theo đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần chú trọng vào một số vấn đề.

Một là, tập trung đào tạo người lao động có tay nghề, kỹ thuật và hiểu biết về văn hóa, tôn giáo trước khi đi làm việc tại đây, lấy đây là lợi thế cạnh tranh để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Hai là, phải chú trọng đàm phán, lựa chọn những chủ sử dụng tốt, hợp đồng tốt phù hợp với người lao động Việt Nam.

“Sử dụng trình độ, kỹ năng nghề của người lao động Việt Nam làm cơ sở để đàm phán, nâng cao mức lương và các quyền lợi khác cho người lao động, nâng cao vị thế người lao động Việt Nam trên thị trường”, Bộ trưởng lưu ý thêm.

Tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của Bộ trưởng và cam kết sẽ triển khai thị trường Trung Đông đúng theo quan điểm “không đưa người lao động đi bằng mọi giá”.

Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo, lựa chọn, đánh giá kỹ lưỡng đối tác, hợp đồng và hỗ trợ, quản lý người lao động trong suốt thời gian làm việc ở nước ngoài để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Ả rập Xê út muốn tiếp nhận thêm nhiều lao động Việt Nam

Trước đó, chiều 19/10, tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm Saudi Arabia và tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-GCC, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Bộ trưởng Nguồn nhân lực và Phát triển xã hội Ả rập Xê út Ahmad bin Sulaiman AlRajhi.

Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Ahmed Al-Rajhi bày tỏ mong muốn hai bên cùng phối hợp, tăng cường hợp tác lao động để đưa thêm nhiều lao động Việt Nam sang Ả rập Xê út thời gian tới, nhất là về khuôn khổ pháp lý, hợp tác đào tạo và xây dựng cơ chế tuyển dụng hiệu quả.

Bộ trưởng nước này cho biết, Ả rập Xê út có rất nhiều mục tiêu tham vọng trong lĩnh vực nhân lực, lao động, trong đó có kế hoạch tăng tiếp nhận thêm 10 triệu lao động nước ngoài trong thời gian tới trong các lĩnh vực, nhất là sản xuất công nghiệp, năng lượng, y tế, du lịch…

Ông đánh giá cao chất lượng của lực lượng lao động Việt Nam, trong đó có lao động tay nghề cao và khẳng định tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực này còn rất lớn.

Về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, lao động là lĩnh vực hợp tác quan trọng, không thể thiếu trong hợp tác song phương, đặc biệt trong bối cảnh Ả rập Xê út đang triển khai nhiều dự án đô thị, cơ sở hạ tầng lớn… trong quá trình triển khai Chiến lược "Tầm nhìn 2030".

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực này, Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề xuất hai bên tăng cường trao đổi giữa các cơ quan quản lý lao động, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, kết nối thị trường lao động, đẩy mạnh hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hợp tác lao động nhằm hỗ trợ nhau bổ sung nguồn nhân lực chất lượng trong quá trình phát triển đất nước.

Thanh Nhung

Nguồn Dân Sinh: https://baodansinh.vn/chu-trong-dao-tao-lao-dong-co-tay-nghe-sang-trung-dong-lam-viec-20231019212807.htm