Chú trọng công tác dự báo sâu bệnh hại cho cây trồng

Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, ngành nông nghiệp đã chủ động công tác điều tra, phát hiện, dự báo các đối tượng sâu bệnh trên cây trồng giúp người dân chủ động các biện pháp phòng trừ, giảm thiểu thiệt hại, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bá Thước kiểm tra đồng ruộng, nhận định khả năng phát sinh sâu bệnh trên cây lúa.

Ngay từ đầu vụ xuân năm 2024, ngành nông nghiệp đã xác định là vụ có nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh và gây hại. Để tránh bị động, các cơ quan chuyên môn trực thuộc tích cực công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo các đối tượng dịch hại chính, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông, rầy nâu, rầy lưng trắng trên cây lúa. Đồng thời, theo dõi sát trên những ruộng đã bị nhiễm bệnh, những vùng thường xảy ra sâu bệnh để chủ động trong công tác tổ chức chỉ đạo phòng trừ khi dịch hại đang ở diện hẹp. Dự báo vụ xuân thời tiết nắng mưa xen kẽ là điều kiện rất thuận lợi cho rầy nâu và rầy lưng trắng phát triển thành dịch hại trên cây lúa. Bệnh khô vằn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn sẽ tiếp tục phát sinh và gây hại trên tất cả các trà lúa xuân ở những ruộng cấy dày, bón phân không cân đối, nhất là những ruộng mất nước thường xuyên và trỗ vào những ngày nắng nóng, mưa kéo dài. Ngoài ra, một số đối tượng khác, như: chuột, sâu cuốn lá nhỏ, bọ xít dài gây hại cục bộ trên lúa xuân ngay từ đầu vụ và suốt trong quá trình sinh trưởng của cây trồng, đặc biệt là vào cuối tháng 3 đầu tháng 4/2024. Các bệnh sâu keo mùa thu, bệnh lùn sọc đen phương Nam, sâu xám, sâu ăn lá, sâu đục thân, rệp cờ, sâu đục bắp nguy cơ gây hại trên cây ngô. Trên cây lạc, nguy cơ mắc các bệnh lở cổ rễ, bệnh héo xanh, héo gốc mốc trắng, đốm lá, gỉ sắt, bệnh héo vàng và bệnh thối tia, thối củ và các loại sâu hại này có thể phát sinh sớm với mật độ cao và gây hại trên diện rộng. Đặc biệt, bệnh khảm lá sắn vẫn có nguy cơ cao bùng phát trên diện rộng ở các huyện Ngọc Lặc, Như Xuân, Bá Thước... với mức độ gây hại lớn.

Bà Vi Thị Kim Dung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lang Chánh, cho biết: Để chủ động phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, trung tâm thường xuyên hướng dẫn bà con nông dân gieo trồng đúng lịch thời vụ, chăm sóc kịp thời, tạo điều kiện cho cây sinh trưởng khỏe, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. Đồng thời, trao đổi thông tin về tình hình dịch hại với các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn để đảm bảo việc cung ứng thuốc bảo vệ thực vật kịp thời, đúng chủng loại, đảm bảo chất lượng. Trung tâm thực hiện nghiêm túc việc điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo tình hình dịch hại trên cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp trên địa bàn theo quy định. Trung tâm thực hiện báo cáo đầy đủ, kịp thời cho chính quyền địa phương và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật về tình hình sâu bệnh trên cây trồng. Cùng với đó, đề xuất các biện pháp phòng trừ kịp thời có hiệu quả, không để dịch sâu bệnh xảy ra ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và chất lượng cây trồng.

Hiện nay, diện tích gieo trồng cây nông nghiệp toàn tỉnh khoảng 391.000ha. Trong đó, diện tích lúa 227.000ha, ngô 40.000ha, rau đậu các loại 53.000ha, cây trồng khác 71.000ha... Ông Vũ Quang Trung, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: Đơn vị thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc diễn biến dịch hại, kết hợp theo dõi diễn biến thời tiết, sinh trưởng cây trồng, nhận định chính xác khả năng phát sinh, diện phân bố, mức độ gây hại của đối tượng sâu bệnh trên các loại cây trồng. Khi có dịch bệnh xảy ra trên cây trồng, đơn vị phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố tiến hành điều tra bổ sung trước, trong và sau các đợt cao điểm sâu bệnh để dự báo tình hình dịch hại và hướng dẫn người dân chủ động phòng trừ. Hằng năm, đơn vị phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực về phòng trừ dịch hại và kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân các địa phương trong tỉnh. Đồng thời, đơn vị tích cực phối hợp với các địa phương thông tin, tuyên truyền về Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong phòng trừ sinh vật gây hại đến nông dân. Tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm dịch thực vật nội địa, khuyến cáo người dân sử dụng các giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng giảm nguy cơ do sinh vật gây hại gây ra. Cùng với đó, hướng dẫn người dân ứng dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), chương trình 3 giảm 3 tăng, ứng dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI), bón phân cân đối... giúp cây khỏe, hạn chế tác hại của sâu bệnh.

Bài và ảnh: Lê Hợi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/chu-trong-cong-tac-du-bao-sau-benh-hai-cho-cay-trong/208184.htm