Chủ tịch VNPT Trần Mạnh Hùng: CNTT sẽ là "quả đấm" mạnh

Bên cạnh các “quả đấm” mạnh về hạ tầng, kinh doanh, dịch vụ giá trị gia tăng, sắp tới Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sẽ tái cơ cấu khối công nghệ thông tin để CNTT trở thành “quả đấm” mạnh nữa của Tập đoàn.

Thông tin trên được Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2014-2015 diễn ra hôm 14/11 vừa qua.

Theo Chủ tịch VNPT Trần Mạnh Hùng, trong 2 năm 2014 và 2015 với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương, VNPT đã thực hiện tái cơ cấu đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT). VNPT đã thực hiện cuộc đổi mới quyết liệt, toàn diện và triệt để. Đến hết năm 2015, hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra trong Quyết định 888 của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu VNPT và chính thức đi vào hoạt động theo mô hình 3 lớp: Hạ tầng – Dịch vụ - Kinh doanh theo phương châm Chuyên biệt - Khác biệt - Hiệu quả.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng: "CNTT sẽ trở thành “quả đấm” mạnh nữa của Tập đoàn"

Công nghệ thông tin sẽ trở thành trụ cột thứ 4 của VNPT

Bên cạnh 3 trụ cột hiện nay là hạ tầng, dịch vụ, kinh doanh, VNPT đang mong muốn CNTT sẽ có bước tiến dài hơn nữa, trở thành trụ cột thứ 4 trong chiến lược phát triển của Tập đoàn.

Trong những năm qua, Tập đoàn VNPT đã từng bước chuyển dịch cơ cấu tăng trưởng từ các dịch vụ viễn thông truyền thống sang phát triển, cung cấp các sản phẩm dịch vụ viễn thông – công nghệ thông tin. VNPT đã khởi động thực hiện việc tái cấu trúc khối công nghiệp của VNPT nhằm tạo nền tảng phát triển công nghệ, công nghiệp mạnh, giúp VNPT đột phá về năng lực cạnh tranh trên thị trường.

VNPT sẽ tái cấu trúc khối CNTT theo hướng xây dựng một đơn vị mạnh, tập trung tại Tập đoàn để phát huy các nguồn lực và phát triển mảng dịch vụ CNTT. Đơn vị này sẽ trực thuộc Tập đoàn giống như VNPT-Net hiện nay”, Tổng Giám đốc VNPT Phạm Đức Long nói.

Khi thực hiện tái cơ cấu giai đoạn 1, VNPT đã thành lập VNPT Soft trực thuộc Tổng công ty VNPT-VinaPhone để phát triển mảng dịch vụ CNTT. Tổng Giám đốc Phạm Đức Long cho rằng, sở dĩ vào thời điểm đó VNPT chưa trình phương án thành lập một đơn vị riêng về CNTT vì khi đó VNPT mới bắt tay vào triển khai tái cơ cấu, VNPT chưa cung cấp dịch vụ CNTT, mảng dịch vụ CNTT lúc đó hầu như chưa có gì. Tuy nhiên, sau hai năm tái cấu trúc, lĩnh vực CNTT của VNPT đã phát triển nhanh và mạnh ở nhiều lĩnh vực. VNPT đã từng bước triển khai việc tự thiết kế, tổ chức sản xuất các thiết bị đầu cuối quang, tivi,… đáp ứng 100% nhu cầu của VNPT và thị trường, đảm bảo an ninh, an toàn mạng lưới và chủ động trong triển khai các hoạt động kinh doanh của VNPT.

Đối với dịch vụ công nghệ thông tin, VNPT đã tập trung phát triển các sản phẩm dịch vụ CNTT mũi nhọn của VNPT và triển khai tích hợp các giải pháp nhằm đem lại sự khác biệt. Chẳng hạn hệ thống cổng thông tin điện tử và hệ thống hành chính công một cửa đã được triển khai trên địa bàn hơn 40 tỉnh thành; Hệ thống quản lý thông tin bệnh viện HIS triển khai với gần 5470 CSYT chính thức sử dụng, với hơn 100.000 lượt KCB/ngày chạy qua hệ thống; Hệ thống quản lý giáo dục trường học vnEdu phát triển tốt với hơn 9.100 trường với gần 3,8 triệu học sinh và hơn 1,2 triệu account sổ liên lạc điện tử; Hệ thống quản lý văn bản điều hành cho Văn phòng Trung Ương Đảng và Bộ Xây dựng; Triển khai thử nghiệm dịch vụ Công trực tuyến cho Cục chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và đề xuất cho phép triển khai Cổng dịch vụ Công Quốc gia...

Để có được kết quả này, VNPT đã tập trung được nguồn lực công nghệ thông tin rải rác tại các đơn vị thành viên của VNPT trước đây, thành lập công ty VNPT Soft - đơn vị chủ lực, chuyên trách về công nghệ thông tin; hình thành các Trung tâm Công nghệ thông tin trực thuộc 63 VNPT tỉnh, thành phố.

Những bước tiến của VNPT trong lĩnh vực CNTT thời gian qua đã cho thấy những định hướng tái cơ cấu khối công nghệ thông tin nhằm tạo nền tảng phát triển công nghệ, công nghiệp mạnh là bước đi đúng hướng. Bước đi này sẽ giúp VNPT đột phá hơn nữa về năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Ngay tại Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2014-2015 diễn ra hôm 14/11 vừa qua, Chủ tịch VNPT Trần Mạnh Hùng cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ của Bộ TT&TT về việc thành lập một đơn vị trực thuộc Tập đoàn phụ trách về CNTT thay vì nằm rải rác tại 64 tỉnh, thành như hiện nay.

B.H

Nguồn XHTT: http://xahoithongtin.com.vn/vien-thong-cntt/201611/chu-tich-vnpt-tran-manh-hung-cntt-se-la-qua-dam-manh-547506/